Du học sinh và tình yêu thời “đóng cửa”

Giáo dục - Ngày đăng : 08:32, 14/03/2014

Cứ mỗi mùa tựu trường đến, quãng đời sinh viên du học đầy những ngậm ngùi chợt ùa về đầy ắp trong tôi. Đó là những kỉ niệm đầy vị đắng của sự lựa chọn giữa trách nhiệm với đất nước, tuân theo các quy định ngặt nghèo của thời “đóng cửa” và vị ngọt ngào của tình yêu trong trắng ban đầu. Mặc dù chúng tôi đều biết phải đặt trách nhiệm học tập lên trên hết.

Sau niềm hạnh phúc hân hoan vì được chọn ra nước ngoài học tập, những sinh viên (SV) như chúng tôi thủa ấy đã miệt mài học tập và đạt được vô số thành tích trong các trường đại học (ĐH) ở nước bạn. Vậy mà, chúng tôi vẫn bị các SV quốc tế khác nhìn với ánh mắt khác lạ, bởi họ không hiểu nổi tại sao chúng tôi – những SV đang phơi phới tuổi xuân lại chẳng hề xúc động trước các cô gái đẹp, trước tình cảm chân thành mà các cô dành cho chúng tôi. Có một sự thật phũ phàng rằng : chúng tôi không được phép yêu! Đây là luật bất thành văn. Nếu dính vào chuyện đó thì: xin mời lập tức về nước và số phận mình và tình yêu vừa hé nở đó sẽ không biết về đâu? Chưa kể đến chuyện gia đình dị nghị, chê trách, xã hội ruồng bỏ coi như mắc phải trọng tội.

Còn tôi thì sao? Suốt 3 năm đầu ĐH, tôi đã sống vô tư, vui vẻ với đám bạn bè, tôi đã từng cùng nhóm bạn bè Đức đi vào rừng, ra ven hồ cắm trại. Bên đống lửa trại, dưới ánh trăng ngà, có cô bạn gái thân đã tỏ tình ôm hôn tôi. Nhưng ngay sau đó, lúc trấn tĩnh lại, tôi lại phải khuyên cô bạn không nên yêu tôi vì mối tình sẽ không dẫn đến đâu cả. Đất nước tôi đang có chiến tranh, nhiệm vụ của chúng tôi sang đây để học. Cô nhìn tôi đầy ngờ vực như thể tôi vừa rơi từ một hành tinh khác xuống hoặc cơ thể cao to đẹp trai của tôi có điều gì không hoàn thiện. Tôi cảm thấy thật khốn khổ trước ánh mắt của bạn bè mà không có cách gì cải thiện được.

Đột ngột tôi phải vào viện vì nghi bị bệnh máu trắng, một căn bệnh cầm chắc cái chết trong tay. Tuy nhiên, chính tôi lại là người không hề biết mình mắc bệnh gì? Tôi được nằm riêng trong một căn phòng. Bác sỹ, y tá liên tục đến khám và hội chẩn. Tôi gầy rộc người đi trông thấy mà vẫn chưa rõ căn bệnh và cách xử lý.

Lúc đó, em là sinh viên trường Y thực tập tại bệnh viện, hàng ngày đến đo nhiệt độ, theo dõi diễn biến sức khỏe cho tôi, tôi thấy em có vẻ lo lắng, bồn chồn, đôi khi nước mắt cứ lưng tròng. Tôi vẫn mang sách vở ra tự học để theo kịp bạn bè. Ngành học của tôi thiên về toán có lẽ đã khiến em khâm phục. Em luôn ghé mắt qua bờ vai tôi để xem tôi làm toán và tập trung vào các dãy số dài dằng dặc ra sao?

Em thường mang bánh ngọt đến cho tôi ăn. Tôi đinh ninh, đó là khẩu phần đặc biệt dành cho bệnh nhân nặng như tôi. Chỉ đến khi bị các bệnh nhân ở phòng bên trêu, tôi mới biết rằng em đã dành dụm số tiền ít ỏi của mình để bồi dưỡng thêm cho tôi.

Rồi các bác sỹ ở bệnh viện cũng đành bó tay về căn bệnh quái ác của tôi bởi không định danh được nó. May thay, năm đó có một hội nghị quốc tế về máu đã diễn ra tại thành phố nơi tôi đang ở. Trường hợp của tôi được đưa ra để xin ý kiến của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Một chuyên gia ở Tây Đức đã dự đoán có lẽ tôi không bị máu trắng mà chỉ bị nhiễm trùng máu, do một loại virus chỉ có ở vùng nhiệt đới gây ra.

Nước mắt vẫn rơi lã chã, em kể rằng đã yêu tôi từ lâu. Thời gian thực tập ở đây đã hết, em đã xin ở lại để theo dõi, chăm sóc tôi  trong những ngày cuối đời chống chọi lại căn bệnh hiểm ác. Nhưng nay, nỗi lo lắng ấy đã tan biến. Em say sưa hát, kể chuyện cho tôi nghe. Còn tôi đã hoàn toàn lột xác sau phương pháp điều trị mới – thay toàn bộ máu trong người. Kể từ giây phút đó tôi đã mang trong mình dòng máu Việt – Đức. Sau 6 tháng nằm viện, tôi đã dần hồi phục và được cấp một phiếu nghỉ ở Rostock, khu an dưỡng ven biển.

Tôi nhìn vào ánh mắt xanh trong vắt của em và biết rằng tôi đã thuộc về em mãi mãi, cô gái Đức dịu dàng, nhân hậu. Em đã tiếp cho tôi biết bao sức mạnh để tiếp tục cuộc sống này. Tôi yêu em hơn chính bản thân mình nhiều lắm.

Nhưng chính tình yêu bỏng cháy đó đã khiến tôi nhận ra một sự thật phũ phàng rằng, tôi không có cách gì mang lại được hạnh phúc cho em. Tôi không được phép yêu em! Tôi không được phép lấy em làm vợ! Một khi mọi người biết được mối tình của chúng tôi, tôi sẽ bị đuổi về nước, tôi không nỡ bỏ em ở lại một mình, cũng như không nỡ mang em về Việt Nam theo tôi để bắt em phải chịu đựng muôn và gian khổ của cuộc chiến tranh khốc liệt chưa thấy hồi kết thúc ở Việt Nam.

Lòng tôi quặn đau khi thấy em hăng hái rèn luyện để sẵn sàng theo tôi về Việt Nam. Nước mắt tôi ứa ra khi em tập ăn cơm với muối, đi dép nhựa. Em càng cố gắng, tôi cành không thể chịu đựng được nổi nữa. Tôi ôm em lần cuối cùng và van xin em hãy vì tôi mà tạm gác lại mối tình nồng nàn của chúng tôi lại.

Cuối cùng, em cầu xin tôi cho em một đứa con. Tôi cũng mong muốn lắm chứ, nhưng nghĩ đến chuyện mình đã chẳng ở bên chăm sóc em, lại còn bắt em nuôi con một mình thì tôi có còn là bậc đàn ông nữa hay không? Em còn phải có tương lai cho mình nữa chứ!

Nhiều năm sau này, khi tôi đã về nước, xây dựng gia đình với một người con gái ở Việt Nam, em vẫn ngự trị  trong lòng tôi nguyên vẹn. Tôi đã có lần sang Đức đi tìm lại em, em đã trở thành một bác sỹ giỏi, có một gia đình yên ấm với hai đứa con nhỏ. Em bảo, em đã trao cho tôi tất cả tình yêu của em, chẳng khi nào em có được những giây phút hạnh phúc như có với tôi nữa. Lại một lần nữa tôi trốn chạy khỏi em, để em được sống yên ổn với những hạnh phúc cuộc đời đã ban cho em.

Dân tộc Việt Nam anh hùng đã làm nên biết bao kỳ tích trong chiến tranh. Trong đó từng người dân đã đóng góp biết bao hy sinh, mất mát cho thắng lợi này. Sự hy sinh, nỗi đau của mỗi con người đều khác nhau, không ai có thể đo, đếm được. Chỉ mong rằng nỗi đau đó sẽ mang lại cho thế hệ con cháu sự bình yên của cuộc sống, của tâm hồn.

Hoài Đức (Ảnh TL)

Một Thế Giới