Để sinh viên tiêu tiền đúng mục đích
Giáo dục - Ngày đăng : 11:52, 04/04/2014
Cánh cửa đại học mở ra, tôi bước những bước đầu tiên trên con đường tự lập ở một thành phố xa lạ, phồn hoa, đồng nghĩa với cánh cửa “ngân sách” cũng được mở ra theo.
Tôi có một khoản tiền riêng cho mỗi tháng, và tự mình phải biết chi tiêu hợp lý. Đương nhiên, với những sinh viên xa nhà như tôi, tiết kiệm luôn là tiêu chí hàng đầu. Bởi phần đông sinh viên thường hay rơi vào cảnh: “Đầu tháng ăn sang, cuối tháng tàn tàn mì gói”.
Cái “sĩ” của một đứa con gái mới lớn, mới chập chững vào đời, cùng với những cám dỗ của chốn Sài Thành, thật khiến con người ta khó mà thực hiện “chính sách” tiết kiệm. Nào quần áo, giày dép, … nào những khu vui chơi giải trí nổi tiếng, hay những thú tiêu khiển tốn kém… Tất cả những thứ ấy đang cản trở hành trình tiết kiệm của tôi.
Tháng đầu tiên tại thành phố này, cuộc sống thật đầy màu sắc, nhưng tất nhiên, tiền bố mẹ gửi cứ “bay” tự do, cho đến lúc hoảng hốt nhận ra thẻ tín dụng đã bị “vô hiệu hóa” thì đã muộn. Chả riêng gì tôi, bạn bè trong phòng cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Làm sao đây, làm sao đây? Đương nhiên chỉ còn biết gọi điện về “hỏi thăm” bố mẹ.
Đầu dây bên kia, giọng mẹ run run: “Ăn uống cho đầy đủ vào để giữ sức khỏe nhé con. Tiền ăn tiền học, bao nhiêu bố mẹ cũng cố lo cho đủ”. Dường như có gáo nước lạnh vừa tạt thẳng khiến tôi tỉnh ngộ. Phần lớn tiền bố mẹ gửi, tôi chỉ tiêu cho những khoản vô bổ, chỉ một phần nhỏ tiêu cho khoản ăn học .Thương bố mẹ, tôi tự nhủ : "phải tiết kiệm"!
Tiết kiệm! Nghe có vẻ đơn giản, nhưng chẳng phải thế! Dây thần kinh của tôi cứ như căng hết cả lên khi quyết định mua một thứ gì đó. Đắn đo, suy nghĩ có nên tiêu tiền vào việc gì đó hay không, giá cả có hợp lý không?… Bao nhiêu câu hỏi quẩn quanh trong trí óc mỗi khi tôi rút tiền từ ví ra.
Nhưng … rồi cũng quen. Đã ít dần những bộ cánh mới, ít dần những cuộc đi chơi tốn kém. Cũng ít dần những buổi chiều la cà ăn quà vặt sau giờ học. Lần đầu tiên tôi thấy mình thật giỏi khi tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, lại không tiêu hụt vào tiền tiêu hàng tháng.
Tôi vui đến nỗi cứ nghĩ mình thật giàu biết bao. Cứ tiết kiệm kiểu này, thế nào cũng có một khoản tiền khá khẩm để khoe với bố mẹ, phụ giúp gia đình.
Liên tiếp vài tháng sau đó, cái tham vọng tiết kiệm được số tiền lớn cứ ám ảnh tôi. Lại một kế hoạch nữa được đưa ra: "tiết kiệm triệt để".
Kế hoạch mới này chủ yếu nhắm vào tiền ăn hàng ngày. Tôi tập quen với việc một ngày chỉ ăn một bữa cơm, hai bữa còn lại, tôi ăn xoàng một cái gì đó, chả thèm quan tâm nó có đủ dinh dưỡng hay không.
Tôi bắt đầu đi siêu thị nhiều hơn để dự trữ sữa, lương khô, mì tôm cho những tháng ngày tiết kiệm triệt để sắp tới. Kế hoạch mới có những bước đầu rất khả quan. Tôi tiết kiệm được nhiều hơn tôi tưởng. Nhưng vui mừng chưa lâu thì hậu quả của cái kế hoạch ấy ập tới. Tôi bị ốm một trận dài, có lẽ do ăn uống thiếu chất và sức đề kháng yếu.
Số tiền tôi tiết kiệm bấy lâu coi như đi toi cho việc chữa bệnh, tĩnh dưỡng. Thật là tai hại! Tôi nhận ra mình đã tiết kiệm không đúng cách, cuối cùng vẫn làm bản thân tốn kém nhiều hơn. Tôi đã tập được thói quen tiết kiệm tiền, nhưng việc tiết kiệm thế nào cho hợp lý, có lẽ cũng cần phải học.
Vậy, đâu là cách?
Đọc tiếp TẠI ĐÂY
Lê Thị Thùy Linh- Đoàn Thị Hoài Dương (Khoa Báo chí và truyền thông)