Chuyện tình của 'nữ hoàng sân khấu' Thanh Nga - Kỳ 1
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:30, 23/05/2015
Đêm 6 - 11 - 1978, Thanh Nga ngôi sao Bắc Đẩu của nghệ thuật cải lương Miền Nam vụt tắt , bởi phát súng của những kẻ bắt cóc bắn vào vợ chồng chị khi thấy không đạt được mục đích bắt cóc bé Cúc Cu (nghệ sĩ hài Hà Linh ngày nay) trong vòng tay ôm chặt của Thanh Nga và tiếng la cầu cứu của ông Phạm Duy Lân chồng của Thanh Nga.
Gần 38 năm qua, chuyện vụ án Thanh Nga đã sáng tỏ qua hàng trăm bài báo và một số cuốn sách viết về vụ án này. Nhưng có một vấn đề mà chưa báo nào, sách nào đề cập tới, đó là “Chuyện tình của Thanh Nga” trong khi đây lại là vấn đề lớn, mấu chốt đối với tình yêu, sự nghiệp và cuộc sống của nữ nghệ sĩ tài danh này.
Chúng tôi may mắn có được tư liệu quý về “Chuyện tình của Thanh Nga” do ông Huỳnh Công Minh, một nhà báo chuyên về kịch trường trước năm 1975 cung cấp. Ông Huỳnh Công Minh không chỉ là nhà báo kịch trường mà còn là một nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh nghệ sĩ và tuồng tích sân khấu cải lương. Ông đã có quá trình gắn bó với các đoàn cải lương, các sân khấu cải lương, đặc biệt là chuyên trách chụp ảnh cho đoàn Thanh Minh, rồi Thanh Minh - Thanh Nga nên có thể nói cũng là “chứng nhân” xác thực nhất để kể lại “Chuyện tình của Thanh Nga” mà ít người biết, và cũng chính vì thế nên hầu như không có báo nào khai thác được Khía cạnh này đối với nữ hoàng sân khấu cải lương Thanh Nga.
Duyên Dáng Việt Nam xin giới thiệu loạt bài đặc biệt, độc quyền này của nhà báo Huỳnh Công Minh viết riêng cho DDVN.
Tình yêu sân khấu của một nghệ sĩ con nhà nòi
Từ ngày bà bầu Thơ mẹ của Thanh Nga cùng ba dượng là danh ca Năm Nghĩa thành vợ chồng và lập nên đoàn Thanh Minh từ năm 1950 thì Thanh Nga (lúc đó còn mang tên Tây Juliette Nga) mới vừa tròn 8 tuổi (sinh ngày 31-07-1942). Trong quá trình 7 năm đầu Thanh Nga theo mẹ đến dưới ánh đèn sân khấu trong môi trường đầy thuận lợi là con của bầu gánh hát. Ban ngày Thanh Nga được cắp sách đến trường học chữ (trường Cầu Kho, đường Nguyễn Tấn Nghiệm), học ca cổ nhạc (với thầy Út Trong), tối đến rạp hát, làm quen với ánh đèn sân khấu qua người kế phụ và đào kép trưởng thành trong đoàn chỉ dạy.
Vai diễn đáng ghi nhớ khi Thanh Nga bước lên sân khấu là vai Nghi Xuân trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa", đó là một vai Thanh Nga gây được xúc động với người xem qua các lớp gặp mẹ Cúc Hoa đã chết hiện hồn về hướng dẫn hai chị em Nghi Xuân - Tấn Lực đi tìm cha ở chốn kinh kỳ. Kế đến là vai đứa con mang hai dòng máu trong vở xã hội "Hương Xa" của soạn giả Lê Khanh (thời chiến tranh Anh - Ấn) mang tựa “Đứa con hai dòng máu” hát chung với Năm Nghĩa, Út Bạch Lan và Hữu Phước (khi Hữu Phước mới được đoàn Thanh Minh nhận vào đoàn thay thế kép Út Nhị xin rời đoàn); sau đó Thanh Nga đóng các vai đào con hát cặp với kép trẻ Út Hậu (đệ tử của Út Trà Ôn); làm dân chạy giặc, làm vũ công trong đoàn cho các vở hát không có các vai đào kép con ca diễn.
Nhờ sáng dạ, thông minh, yêu thích sân khấu được mẹ và bố dượng tích cực đầu tư, khuyến khích tài năng, được soạn giả, vũ sư chỉ dạy, tạo vai cho xuất hiện trong nhiều vở tuồng theo ý muốn của cha mẹ em là bầu gánh, mà Thanh Nga nhanh chóng ca hay, diễn giỏi qua các vai phụ, tạo niềm tin cho các soạn giả viết tuồng thêm vai khi thấy em trổ mã, nhổ giò, có gương mặt sáng và vóc dáng lý tưởng của sân khấu, để đảm nhiệm các vai… ngày một đòi hỏi tài năng ca diễn cao hơn, khó hơn.
Một số tuồng Thanh Nga trong thời gian làm đào con, có một tuồng mang hình thức tâm lý, xã hội của soạn giả Quy Sắc có tựa là “Nghiệp giáo”. Thanh Nga đóng vai đứa con của một ông giáo nghèo bị mẹ bỏ đi lấy chồng khác giàu hơn và dẫn em theo… Khi kết thúc vở tuồng, hình ảnh em trở về với cha, ôm người cha sắp lìa đời vì bệnh lao phổi, đã làm cho khán giả cảm động mạnh (như cô đóng vai Trinh lúc trở về bên xác người mẹ qua đời trong vở “Con gái chị Hằng”.
Không chờ Thanh Nga kịp lớn hơn nữa, soạn giả Kiên Giang, Phúc Nguyên liền đưa kịch bản “Người vợ không bao giờ cưới” về cho đoàn Thanh Minh và thuyết phục bà bầu Thơ cho Thanh Nga đóng vai chánh Phà Ca hát cặp với Hữu Phước khi Thanh Nga mới 15 tuổi, chưa đến tuổi thành niên. Dù đạt được thành công về mặt nghệ thuật, đoàn hát Thanh Minh vẫn bị dư luận và báo chí phê phán: “Xem thường khán giả đứng đắn khi cho con nít hát vai… làm tình trên sân khấu”.
Hiệu quả của sự phê phán đó đã không đạt được kết quả ngăn chặn đoàn hát dừng lại vai diễn đã giao cho Thanh Nga. Trái lại, nó còn gây nên sự tò mò, thôi thúc mọi người thích xem cải lương, ái mộ ca diễn của Thanh Nga trong quá trình 7 năm đầu theo nghiệp tổ chưa làm họ thất vọng trong một vai nào trước đó được xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. Trái lại, khán giả càng đến xem Thanh Nga đóng vai Phà Ca (thế Út Bạch Lan ở phần đầu, lúc chưa có con) khiến cho rạp Nguyễn Văn Hảo, một rạp hát lớn nhất ở trung tâm Sài Gòn đạt kỷ lục đông khách và kéo dài thời gian trong một đợt khai trương tuồng mới… nâng cao được tài nghệ và sự duyên dáng trong vai diễn của Thanh Nga qua vai cô gái sơn cước Phà Ca làm “đào lớn” của vở tuồng này, được lọt vào mắt Ban tuyển chọn năm đầu của giải “Thanh Tâm” chọn diễn viên triển vọng tương lai của sân khấu cải lương.
Huỳnh Công Minh/Duyên Dáng Việt Nam