Con cháu đã về đông đủ bên GS-TS Trần Văn Khê
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 18/06/2015
Ngày 27.5.2015, thông tin Giáo sư – Tiến Sĩ (GS-TS) Trần Văn Khê nhập viện ở tình trạng nguy kịch và hoàn cảnh không có ai thân thuộc bên cạnh đã không khỏi xót xa. Tuy nhiên, tới nay, con cháu đã tề tựu bên cạnh đông đủ túc trực chăm sóc sức khỏe GS-TS ngày đêm.
Trên trang cá nhân, Nhà văn Nguyễn Đông Thức từng chia sẻ về bệnh tình và sự khó khăn mà gia đình và GS – TS Trần Văn Khê đang đối mặt: “Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đang bị bệnh rất nặng (tim, phổi, thận), hiện đang nằm trong khoa hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (không cho bất cứ ai vào thăm)... Việc chữa trị vô cùng tốn kém vì cần những thuốc và máy móc đặc trị, chỉ mới vài ngày mà đã vài trăm triệu. Tiền trong nhà đã coi như hết sạch. Có ai ngờ bậc thầy về âm nhạc của thế giới và đã nhiều năm sống ở nước ngoài mà trong tài khoản của ông chỉ có khoảng 12.000 Euro! Hãy bằng hết sức giữ Ông lại! Còn nước còn tát! Xin làm ơn!”.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, con trai GS-TS Trần Văn Khê, GS-TS Trần Quang Hải đã nhanh chóng từ Pháp trở về Việt Nam để bên cạnh ba. Theo thông tin tìm hiểu, hiện tại sau hơn nửa tháng ngày GS-TS Trần Văn Khê nhập viện, các con cháu và gia đình tại hải ngoại đã có mặt đông đủ để ngày đêm túc trực và chăm sóc theo dõi sức khỏe của ông.
|
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê nhập viện hôm 27.5 trong tình trạng nguy kịch (Ảnh: Phạm Dũng) |
Được biết, hiện toàn bộ chi phí điều trị bệnh của GS-TS Trần Văn Khê đang được sự hỗ trợ rất lớn từ Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ về viện phí quá cao cho lượt điều trị của ba, GS-TS Trần Quang Hải cho biết: “Ủy ban thành phố đã gọi cho tôi và cho biết toàn bộ chi phí bệnh viện, thuốc men đều được chính phủ tài trợ 100%, vì ba tôi là người có công lớn với nền văn hóa Việt Nam. Họ chăm lo cho ba tôi trách nhiệm mà chính phủ lo vì kính trọng và thương quý một người đại tài, người đã đem lại sự vinh quang cho nền âm nhạc Việt Nam. Người đã đóng góp nhiều cho hồ sơ đờn ca tài tử Nam bộ và đã được nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013”.
Theo lời kể của GS Hải: “Ba tôi đang đi dần đến giai đoạn cuối của cuộc đời, chúng tôi vẫn chờ đợi, nhưng bệnh tình của ba tôi là không mấy khả quan, ngày đi thì chưa biết nhưng đang rất gần… 2 lá phổi đã bị hư hao nhiều, hiện đang sống nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Lâu lâu ba tôi có thể tỉnh dậy mở mắt, rồi hôn mê trở lại. Nhưng không nói chuyện được nữa”.
Ở tuổi 94, GS-TS Trần Văn Khê đang bệnh nặng và được điều trị tại phòng hồi sức đặc biệt của một bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Song song với sự nhiệt tình chăm sóc của ê-kip bác sĩ trong bệnh viện, những ngày qua, rất nhiều khán giả, những học trò và những ai yêu mến GS-TS Trần Văn Khê đều cầu mong cho ông mau chóng khỏe lại để tiếp tục các kế hoạch truyền bá, lưu giữ âm nhạc dân tộc.
GS-TS Trần Văn Khê trước khi nhập viện đã từng bị lao, thận có sạn từ thời trẻ và phải mổ ruột từ khi trên 30 tuổi. Khi Giáo sư về sống tại Việt Nam (2004) ông đã ngồi xe lăn, mỗi tháng đều phải uống rất nhiều thuốc. Ông bị tiểu đường gần 50 năm, ngoài ra còn bệnh tê thấp, khớp, những ngón tay bị cong khó có thể đàn được như lúc còn trẻ.
|
Từ nhiều năm nay (2004) GS-TS Trần Văn Khê đã di chuyển bằng xe lăn. (Ảnh: Thanh Niên) |
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông được xem là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Không chỉ là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, mà ông còn có công lớn trong quảng bá âm nhạc Việt Nam - âm nhạc dân tộc các nước.
Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học. Thời kỳ đầu ông định theo học ngành Y (ngành học học trong nước). Tuy nhiên, do điều kiện không thuận lợi để xin học bổng, ông đăng ký học trường Chính trị Paris và luôn là sinh viên giỏi. Năm 1951, khi Trần Văn Khê nằm trong số mười lăm sinh viên đậu đầu niên khóa trường Chính trị Pháp và được chọn làm thư ký chuyên Luật Quốc tế.
Nhiều lần "thập tử nhất sinh" vì bệnh tật hành hạ suốt gần 60 năm qua, nhưng nghị lực đã giúp GS-TS Trần Văn Khê lạc quan vượt qua chặng đường dài để hoàn thành ước mơ và đeo đuổi công việc nghiên cứu, truyền bá nhạc dân tộc.
Nghiên cứu, hoạt động diễn thuyết về âm nhạc trong hơn nửa thế kỷ đòi hỏi đòi hỏi ông phải có sức khỏe rất lớn. Tuy vậy, GS – TS Trần Văn Khê đã từng kể trong hồi ký của mình ngay từ những năm ngoài 30 ông đã bị bệnh tật tấn công. Ông bị sưng ruột thừa, phải mổ gấp, đây cũng là thời điểm bắt đầu cho những chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ông bị lao màng bụng.
Sức khỏe kém, ông được chuyển vào bệnh viện rồi phát hiên ra bệnh lao và tiếp tục chuyển viện tới Nhà dưỡng lao dành cho sinh viên. Điều trị bệnh cũng là khoảng thời gian GS – TS Trần Văn Khê quyết định ghi tên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne. nằm cách ly với bên ngoài, ông đào sâu vào thế giới nhạc dân tộc, quay trở lại với nguồn cội âm nhạc mà bốn đời gia tộc ông đam mê.
1952, bệnh tình ông ngày càng trở nặng và có thêm nhiều biến chứng, vi trùng lao tấn công, thận bị lủng lỗ lớn, ống dẫn nước tiểu bị xơ cứng. Những năm gần đây, mặc dù sức khoẻ yếu, đi đứng có người chăm sóc và di chuyển nhờ xe lăn nhưng ông vẫn rất nhiệt tâm với âm nhạc dân tộc.
Nhưng cũng nhiều năm qua, bên cạnh việc nghiên cứu, ông vẫn miệt mài truyền bá, giảng dạy, “đốt lửa” và “nung nấu” tinh thần cho giới trẻ để họ thức tỉnh, hiểu hơn, yêu hơn nền âm nhạc của dân tộc.
Diệu Linh
Một Thế Giới