Chỉ lo làm đẹp cho vai diễn, nhân vật sẽ hỏng?

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 12:00, 16/07/2015

Cái đẹp của nhân vật trước hết phải phù hợp, gần gũi, chân thật với đời thường; sau đó, cái đẹp toát ra từ diễn xuất nội tâm. Những bộ váy áo đắt tiền, lộng lẫy hay những lớp phấn son không thể quyết định thành công của vai diễn.

Sau 7 năm vắng bóng, Dương Yến Ngọc vừa quay trở lại với phim ảnh bằng một vai diễn mới trong phim truyền hình “Like - tình yêu - thời trang - khăn rằn” (đang được phát sóng lúc 18 giờ 35 phút trên SCTV14). Vai diễn của Dương Yến Ngọc là một chủ tịch công ty thời trang nổi tiếng, quyền lực. Chính vì thế, gu thời trang của nhân vật này phải luôn thể hiện đẳng cấp của bà chủ giàu sang, sành điệu.

Chi mạnh cho trang phục

Theo Dương Yến Ngọc, cô phải rất tốn kém khi đầu tư phục trang cho vai diễn này. “Đây là vai diễn đánh dấu sự quay lại với điện ảnh sau một thời gian dài nên tôi rất chú ý phần hình ảnh. Mỗi khi xuất hiện trong khung hình đều phải được chăm chút kỹ lưỡng. Hơn nữa, vai diễn là chủ tịch công ty thời trang nên chú trọng trang phục là đương nhiên” - Dương Yến Ngọc cho biết.

Thân Thúy Hà là diễn viên chuyên trị những vai nhà giàu trên màn ảnh nên mỗi khi xuất hiện, hình thức vai diễn được cô ưu tiên hàng đầu. Trong phim “Nợ ân tình”, Thân Thúy Hà vào vai Linh Trang, một nhà thiết kế thời trang có tên tuổi. Vì vậy, bất cứ khi nào Linh Trang xuất hiện trên màn ảnh cũng khiến khán giả trầm trồ bởi những bộ váy áo hợp thời trang, thời thượng. “Đóng vai giàu có, tôi phải mua trang phục, phụ kiện, tốn kém không ít. Hơn nữa phải dành nhiều thời gian nghiên cứu cách phối hợp trang phục với phụ kiện sao cho đẹp, lạ, bắt mắt” - Thân Thúy Hà chia sẻ.

Một trong số những người “chịu chơi” đầu tư trang phục cho vai diễn nhất phải kể đến Dương Cẩm Lynh. Là một diễn viên trẻ, có ngoại hình bắt mắt nên các vai diễn của Dương Cẩm Lynh hầu hết là tiểu thư nhà giàu đỏng đảnh. Phim nào cô cũng xuất hiện với hình ảnh được chăm chút từ đầu tới chân. Nhất là trong phim “Ảo vọng” mới đây, nhiều khán giả đã “choáng” khi nhân vật Thanh Trà của cô diện toàn những trang phục hàng hiệu để thể hiện phong cách “sang chảnh” của mình. Riêng túi xách lên đến hơn 10 mẫu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới… Theo nhà sản xuất, vì Thanh Trà là nhân vật chính, tần suất xuất hiện dày đặc nên mỗi tập phim, Dương Cẩm Lynh phải sử dụng 3-4 bộ trang phục đi kèm phụ kiện như giày, túi xách, dây chuyền, đồng hồ… khác nhau. Chính vì điều này mà số lượng trang phục, phụ kiện Dương Cẩm Lynh cần trang bị rất nhiều.

Thông thường chỉ có dòng phim cổ trang, phim đề tài xưa, nhân vật mới được thiết kế trang phục riêng. Còn lại, trang phục trong phim Việt đa số là diễn viên phải tự lo theo tạo hình nhân vật. Những diễn viên nữ như Minh Hằng, Ngọc Lan, Kim Hiền, Diễm My 9X, Vân Trang… khi vào những vai nhà giàu thường phải nghiên cứu, đầu tư, tốn kém tiền bạc không hề nhỏ cho trang phục, phụ kiện theo nhân vật. Nhân vật xuất hiện với trang phục chỉn chu, lộng lẫy phần nào thỏa mãn phần nhìn của khán giả, hình ảnh của phim cũng đẹp hơn; đồng thời, lối ăn diện sành điệu đôi khi còn giúp diễn viên ghi điểm trong mắt những người yêu thời trang. “Mỗi bộ trang phục đều được đầu tư từng chi tiết để thể hiện tính cách riêng của nhân vật. Diễn viên biết đầu tư trang phục cho vai diễn cho thấy ý thức, trách nhiệm của họ với vai diễn” - diễn viên Ngọc Lan nói.

Diễn viên đẹp, nhân vật hỏng

Tuy nhiên, ngoại trừ những nhân vật cần phải trau chuốt vẻ đẹp bên ngoài cho đúng với hoàn cảnh, tính cách nhân vật, có những kiểu làm đẹp trên màn ảnh là theo ý thích của diễn viên. Sự thiếu chuyên nghiệp của ê-kíp sản xuất, thiếu hiểu biết của diễn viên được thể hiện rõ nhất qua việc luôn cố sức, làm mọi cách sao cho mình trông đẹp nhất, lộng lẫy nhất mà bỏ qua điều cốt lõi nhất là diễn xuất. Một đạo diễn chỉ ra: “Kịch bản xây dựng nhân vật làm nghề thiết kế thời trang mà không hiểu tường tận nghề đó ra sao, thể hiện trên phim sao cho thuyết phục. Thành thử không ít diễn viên vào vai thiết kế thời trang mà không thấy làm việc cụ thể như thế nào, chỉ chăm chăm vào việc diện mấy bộ quần áo hàng hiệu để khoe. Nhiều diễn viên vào vai con nhà giàu chỉ quan tâm tới việc mặc quần áo gì cho ra dáng con nhà giàu chứ không để ý tới tính cách, tâm lý nhân vật. Khi đó, dù có mặc đẹp cỡ nào, vai diễn cũng thiếu ấn tượng”.

Đầu tư quá mức, quá giới hạn về mặt hình ảnh, trang phục, không đúng với tạo hình nhân vật sẽ dễ gây hiệu ứng ngược. Không ít trường hợp tạo hình nhân vật vốn dĩ là một cô gái xinh đẹp, giàu có, quyến rũ nên đương nhiên phải ăn mặc đẹp. Nhưng khi lên phim, do chăm chút thái quá nên bất cứ trong hoàn cảnh nào, nhân vật cũng ăn mặc màu sắc, trang điểm lòe loẹt, sự quyến rũ, xinh đẹp không còn thấy nữa. Nói như một khán giả: “Các diễn viên Việt hay đua đòi, mang cả bộ sưu tập hàng hiệu lên phim như để khoe mẽ trong khi thật ra nhân vật không cần thiết phải sang chảnh đến thế. Xem phim Việt thấy sao mà giàu sang, xa xỉ quá mức như thế!”. Diễn viên Vân Trang cho rằng: “Cũng tùy vào nhân vật mà có lúc phải cần mặc đẹp nhưng không lạm dụng vì khiến nhân vật trở nên kệch cỡm, khôi hài”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng bảo: “Cái đẹp của nhân vật trước hết phải phù hợp, gần gũi, chân thật với đời thường; sau đó là cái đẹp toát ra từ diễn xuất nội tâm. Những bộ váy áo đắt tiền, lộng lẫy hay những lớp phấn son dày đặc không quyết định thành công của vai diễn”. Ông cũng nói rằng phim Việt hiện nay quá chú trọng đến việc tạo hiệu quả từ thị giác người xem, diễn viên dành thời gian chăm chút hình ảnh mà không nghiên cứu kịch bản, cách diễn xuất. Điều đó khiến phim ngày càng xa rời đời sống, thậm chí nhân vật còn gây phản cảm.
Thiếu chuyên nghiệp
Trong phim Hàn Quốc, các diễn viên nữ vào vai xinh đẹp, giàu có cũng diện những trang phục đắt tiền nhưng người xem có cảm giác chân thật vì họ ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh và tính cách nhân vật. Không chỉ thu hút bởi nội dung, diễn viên..., trang phục trong phim cũng có thể gây sốt, thậm chí trở thành xu hướng thời trang mới. Các diễn viên với nhân vật ấn tượng của mình trở thành biểu tượng thời trang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
Đội ngũ làm phim Việt, trong đó nhất là diễn viên đang chịu ảnh hưởng từ phim Hàn nhưng còn thiếu chuyên nghiệp và thiếu điều kiện để làm được như họ. Hơn nữa, những trang phục đắt tiền mà diễn viên đang sử dụng đôi khi được các hãng thời trang tài trợ, họ luôn có những yêu cầu và đòi hỏi riêng. Khi đó, diễn viên phải làm hai vai trò, vừa phải diễn xuất vừa phải quảng cáo cho nhãn hàng tài trợ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sự tập trung diễn xuất của diễn viên.
Hạ Nguyên/ Người Lao Động

Một Thế Giới