Mai Hoa 'Đời cát': 'Lúc đau khổ nhất, tôi coi như mình đang vào một vai diễn'
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 13:54, 04/08/2015
"Thời điểm khó khăn nhất, lúc ở Úc, tôi đã nghĩ, thôi thì mình cứ coi như đang vào vai diễn người phụ nữ cực khổ đi... Khi hóa thân thành nhân vật, mình khóc với người ta, mình mạnh mẽ vậy, sao khi chuyện đến, mình lại không sống được. Người ta sống được, mình cũng sẽ sống được chứ! Cứ nghĩ như thế mà tôi đi qua những gập ghềnh" - lời Mai Hoa
Bà Thoa của “Đời cát” ngồi trước mặt tôi, trong một quán cà phê giản dị tại Sài Gòn; chị chẳng còn “lấm lem” mà đẹp hồn hậu với nước da trắng sáng. Hình ảnh “người đàn bà thân trắng mặt đen” mà nhà văn Nguyễn Quang Lập từng phác thảo trên Đẹp đã thuộc về một trang báo cũ.
Chị kể, về Việt Nam, bạn bè gặp đều trêu: “Bơ sữa làm mất hẳn bóng dáng bà Thoa rồi!”. Nhưng câu chuyện về quãng thời gian 10 năm xa Việt Nam của chị thì vẫn in bóng một người phụ nữ đa đoan. May là chị luôn mạnh mẽ - cái mạnh mẽ có từ trong bà Thoa ở “Đời cát”.
Mai Hoa dành cho Đẹp một cuộc tiếp xúc đặc biệt.
Đã quyết bỏ là không day dứt
- Giờ mà casting vai bà Thoa, không khéo chị... trượt đấy nhỉ?
- (Cười) Thì đó, từ hôm về lại giờ, bạn bè cứ trêu hoài: Cái đội tư bản “dã man” quá, bơ sữa “độc ác” quá, đã lấy đi mất bà Thoa của họ rồi. Đúng là tôi có đẫy lên, và cũng được khen nhiều hơn, nhưng bên trong thì vẫn vậy. Nếu có vai diễn phù hợp, ê kíp hợp cạ, tôi lại hóa thân “nheo nhóc” được thôi.
Nhắc đến “Đời cát”, tôi cảm động lắm, vì cái được của vai diễn trong phim không hẳn là một giải thưởng quốc tế (giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) Châu Á – Thái Bình Dương năm 2000 - PV), mà là những mối tình thân chúng tôi có được với nhau. Anh Thanh Vân (đạo diễn), Nguyễn Quang Lập (biên kịch), Hồng Ánh (bạn diễn) là những người bạn tốt, là một gia đình với tôi từ dạo ấy.
- Khán giả vắng tin chị từ độ chị “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Hãy nói cho họ biết, “hậu Đời cát” của bà Thoa bên kia bờ đại dương đi!
- Ở Úc, tôi sống ở Sydney cùng con gái, vừa đi làm vừa đi học. Tôi làm việc ở đài SBS Radio của Úc được 2 năm rồi.
- “Đời cát” hay “Người Mỹ trầm lặng” đã mang chị đến vùng đất mới đó?
- Tôi tin vào những cơ duyên trong cuộc đời. “Đời cát” cho tôi một chỗ đứng, một vị thế trong điện ảnh nước nhà. Nhắc tới, tôi cũng rất biết ơn cơ hội tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương. Tôi vẫn nghĩ, nếu là một LHP khác, chưa chắc tôi đã nhận được sự vinh danh đó. Bởi, ở LHP Châu Á - Thái Bình Dương năm đó, có tới hai giám khảo người Việt Nam, vậy là mình “ăn” hơn người ta một lá phiếu rồi. Còn “Người Mỹ trầm lặng” trao cho tôi cơ hội được một lần đi xa và nhìn rộng, để tôi có những quyết định khác trong cuộc đời mình.
- Vậy là hai bộ phim điện ảnh mà chị tham gia đã tạo ra bước ngoặt, đẩy đời chị về những hướng khác nhau?
- Tôi nghĩ, phim ảnh mang tới cho tôi nhiều thứ, nhưng những bước ngoặt lớn trong cuộc đời là do bản thân lựa chọn và quyết định. Bởi nếu cứ vin vào những thành công nho nhỏ đã đạt được ở phim ảnh, có thể tôi sẽ cố gắng sống tiếp với nghề này. Dù sang nước ngoài, họ làm phim khác với Việt Nam, nhưng khó để có tên tuổi thôi, chứ không khó sống. Chưa kể, tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt với nhà sản xuất “Người Mỹ trầm lặng”, bà giám đốc sản xuất Antonia Barnard từng sẵn sàng giúp tôi. Nhưng rồi tôi vẫn lựa chọn rẽ về hướng khác. Nói cách khác, tôi nghĩ số phận đã tạo ra những bước ngoặt trong đời mình.
- Nhưng một người từng phải đấu tranh với gia đình để theo học diễn xuất như chị, tại sao sau đó lại bỏ nghề dễ dàng?
- Thời trẻ, tôi quyết định học sân khấu, mà cụ thể, tôi thi vào Đoàn kịch Cửu Long Giang là do những suy nghĩ tò mò và thực dụng. Gia đình tôi ở miền Trung, đến lớp 9 tôi theo ba mẹ vào Sài Gòn, sau khi gia đình gặp biến cố lớn. Học xong cấp 3, gia đình vẫn khó khăn lắm, nhưng vì thích học, tôi nghĩ mọi cách làm thế nào tiếp tục học mà không làm ba mẹ vất vả. Thực ra tôi cũng đã thi vào làm cô thợ dệt mà không được. Rồi lúc đó, Đoàn kịch Cửu Long Giang tuyển sinh với lời hứa: Tất cả các thí sinh được đoàn lựa chọn sẽ được gửi vào trường Cao đẳng Sân khấu Trần Hữu Trang để học. Văn hóa do trường đào tạo, còn diễn xuất thì các nghệ sĩ trong đoàn sẽ dạy. Khi ra trường, toàn bộ học viên sẽ về đoàn làm việc. Chưa kể, học sân khấu lúc đó không mất tiền đóng học phí, không mất tiền sách vở mà mỗi tháng còn được lĩnh 11 đồng.
Ai ngờ đâu càng học mình càng mê. Sự học đó giống như sự đi lạc, mà mỗi bước chân mình bước đi lại mở ra một cánh cửa mới.
- Đã dan díu và yêu, giờ thì... bỏ, chị có bao giờ tiếc?
- Khi đã đưa ra một quyết định nào đó, đồng nghĩa mình không để bản thân day dứt nữa.
Ra đi vì muốn làm một người phụ nữ đúng nghĩa
- Được biết, chị đã ra đi vì… yêu?
- Tôi lúc đó 38 tuổi (năm 2005), chưa có gia đình, chưa có con, và người yêu - nếu không đi đồng nghĩa là không có. Tức khi ấy tôi là người phụ nữ tay trắng, chẳng có gì. Tôi vốn nhận ra từ lâu, mình không phù hợp với đời sống của một người nổi tiếng lụa là se sua. Đồng thời, tôi cũng hiểu cái cuối cùng người phụ nữ cần là gì. Trước đó, tôi từng nhiều lần tự hỏi mình liệu có đủ đam mê đi với nghề đến cuối đời mà không cần gia đình không. Câu trả lời là không. Vậy là tôi quyết định đi. Tôi đi để trở thành người phụ nữ đúng nghĩa, đi để làm vợ, làm mẹ.
Tôi thấy, nếu cứ sống như bao năm tháng trước, thì mình sẽ là nỗi buồn của má. Bao người cứ hỏi: “Ủa sao con Năm giờ này chưa có chồng?”. Những câu hỏi chồng lên theo năm tháng trên vai mẹ khiến lòng tôi có lúc đau. Nhưng cộng với việc ở thời điểm đó tôi đang trong trạng thái “fall in love” - yêu tha thiết, yêu mờ mịt nên tôi có nhiều động lực. Và thứ lãi nhất trong quyết định ấy là tôi có một đứa con.
- Chị từng có một mối tình lớn ở Việt Nam, nhưng mối tình đó không giữ chân được chị. Vậy người đàn ông nào đã “đốn ngã” chị?
- Tôi đặt câu hỏi cho người tôi quyết định cưới: Ở đây em có mọi thứ, công việc, sự nghiệp, gia đình. Sang bên kia em không có gì cả, nếu em trở thành người chạy bàn thì sao má em sống nổi? Ông xã tôi lúc đó nói: “Em nghĩ thế là xúc phạm anh rồi”. Nhưng tôi vẫn xác định chuyện xấu nhất có thể xảy ra, nếu bước ra khỏi đời sống chung ấy thì mình sẽ làm gì để sống. Và rồi, dù tính toán ngược xuôi, thì vì yêu nên mình vẫn nhường. Tôi theo anh ấy. Sang đó một năm, tôi không đi làm gì cả, chỉ ở nhà làm một người phụ nữ bình thường: đi chợ, nấu ăn, cắm hoa, treo rèm. Nhiều người hỏi tôi chắc buồn lắm, nhưng thực ra tôi rất hạnh phúc.
Khi “ép” được tôi sang đó, ông xã bảo như vậy là anh thực sự có trái tim tôi, và anh nhường tôi một bước. Anh ấy động viên tôi đi học dựa trên kỹ năng tốt nhất mà tôi có là diễn xuất. Anh hứa, khi tôi học xong, hai người sẽ cùng quay về Việt Nam làm việc. Tôi chọn học về sản xuất các chương trình truyền hình trực tiếp. Nhưng đi học rồi mới thấy mình học lộn nghề, vì ngành học liên quan rất nhiều đến kỹ thuật, trong khi mình là con ma sợ kỹ thuật. Thế nhưng tôi vẫn vừa học vừa làm người phụ nữ gia đình, vừa sinh con. Đáng tiếc, trong quá trình đó, chúng tôi xích mích và gia đình tan vỡ.
- Phụ nữ mới sinh con, không người thân bên cạnh, chị đã sống thế nào, sau ly hôn?
- Học xong, tôi và con về Việt Nam. Tôi cũng đã định ở lại trong nước làm việc. Nhưng chẳng hiểu sao từ lúc đặt chân xuống sân bay tôi và con đều bị ốm. Và tôi lại mang con về Úc. Tôi nghĩ nếu đất nước tôi đến không phải là Úc, thì chắc chắn tôi phải tìm đường quay về Việt Nam, dù có ốm thế nào. Nhờ phúc lợi xã hội tốt, tôi có thể cứ thế mà sống.
Nhưng nhìn con, nhìn mình - lúc ấy đã ngoài 40, tôi hiểu mình không thể dừng lại, không thể sống hoài như thế. Tôi một lần nữa nộp hồ sơ đi học. Với tấm bằng cao đẳng về truyền hình, tôi đủ cơ sở để học tiếp lên đại học. Tôi chọn học về media, nhưng khi học những môn cơ bản đầu tiên, tôi nhận ra giáo dục ở đây khai sáng trong tôi rất nhiều thứ, nên tôi chuyển sang học về giáo dục. Ngành này nếu học full time sẽ mất 4 năm. Hai năm đầu tôi học full time, sau đó tôi xin được việc làm, nên hiện tại tôi mới học hết chương trình của kỳ 1 năm thứ tư.
Khi khó khăn nhất, tôi nghĩ mình đang vào vai diễn
- Khi xem “Đời cát”, hình ảnh bà Thoa gục đầu bên bức tường rêu, nghe tiếng đoàn tàu mang theo người đàn ông của mình đi xa dần vẫn ám ảnh nhiều khán giả. Chị có nghĩ, những vai diễn đã “ám” vào đời chị - khi người đàn ông chỉ vì họ ra đi, cuối cùng đã rời bỏ chị?
- Nhiều người cũng bảo thế. Nhưng tôi thì chỉ tin vào chuyện tính cách tạo nên số phận. Mà tính cách mình thì hơi đa đoan, nên cuộc sống sẽ thành ra như vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ, mình đã cho vai diễn chứ không phải vai diễn cho mình. Vai diễn chỉ cho mình cơ hội để trải nghiệm chính mình, từ tận sâu thôi.
Tôi không giữ được tình yêu với người đàn ông của mình, nhưng chúng tôi vẫn giữ được
tình bạn. Sau những giận dỗi, hờn ghen, tôi nhận ra, người đàn ông đó vẫn mãi là ba của con mình. Giờ anh ấy làm việc ở xa Sydney nhưng thỉnh thoảng anh về, ba chúng tôi lại cùng nhau đi ăn, đi xem phim như một gia đình.
tình bạn. Sau những giận dỗi, hờn ghen, tôi nhận ra, người đàn ông đó vẫn mãi là ba của con mình. Giờ anh ấy làm việc ở xa Sydney nhưng thỉnh thoảng anh về, ba chúng tôi lại cùng nhau đi ăn, đi xem phim như một gia đình.
“Khi hóa thân thành nhân vật, mình khóc với người ta, mình mạnh mẽ vậy, sao khi chuyện đến, mình lại không sống được. Người ta sống được, mình cũng sẽ sống được chứ! Cứ nghĩ như thế mà tôi đi qua những gập ghềnh của số phận.”
- Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng viết về chị trên Đẹp: “Đàn bà thân trắng mặt đen, không lận đận cũng truân chuyên. Trông nó khi nào cũng tất bật, kể cả khi ăn chơi nhảy múa cũng hớt hải như sợ mất một cái gì”. Mà cũng lạ, khi từ sân khấu đến màn ảnh chị đều chỉ chuyên một dạng vai - người phụ nữ cùng khổ. Đã “thoát kiếp” chưa, chị ơi?
- Anh Lập nói đúng, tôi không phải tuýp người có phong thái hợp với sang trọng, xa hoa. Mình từ cực khổ đi lên, nên dù tiến triển đến đâu thì mình vẫn cứ là mình, mình chỉ đi xa từ điểm đó, có thể hiện đại hơn chứ không trở thành thứ khác với gốc gác của mình được. Anh Thanh Vân và Hồng Ánh đều đã sang chỗ tôi ở. Anh Vân bảo, Mai Hoa vất vả lắm. Tôi một mình vừa chăm con, vừa đi làm vừa đi học, thực ra thì cũng cực. Nhưng sự vất vả ấy giúp tôi nhìn thấy tương lai, nhìn thấy sự bù đắp. Bởi vậy, tôi thấy mình may mắn vì được bận rộn.
- Dù mạnh mẽ thì chị vẫn là phụ nữ. Chị đã nghĩ gì vào lúc khó khăn nhất, và bình yên nhất?
- Thời điểm khó khăn nhất, lúc ở Úc, tôi đã nghĩ, thôi thì mình cứ coi như đang vào vai diễn người phụ nữ cực khổ đi, một vai diễn không có máy quay, không có ánh sáng. Khi hóa thân thành nhân vật, mình khóc với người ta, mình mạnh mẽ vậy, sao khi chuyện đến, mình lại không sống được. Người ta sống được, mình cũng sẽ sống được chứ! Cứ nghĩ như thế mà tôi đi qua những gập ghềnh của số phận.
Tôi nghĩ bình yên hay hạnh phúc là cảm giác bằng lòng hay không với những điều mình có. Ở tuổi này, tôi vẫn được đến trường, có một đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn và cá tính, có mối quan hệ tốt với chồng cũ, có bạn bè. Tôi thực ra còn thấy mình nhận được nhiều ân sủng, vì được sống nhiều cuộc đời. Có mấy người được sống một cuộc đời ở trong nước và một cuộc đời ở nước ngoài như tôi chứ! (cười)
Tôi nghĩ, bây giờ nếu có cơ hội, tôi vẫn đóng tốt các vai diễn cùng khổ ấy.
- Việc chị không ngừng học, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khiến tôi tưởng tượng chị là một cái cây cặm cụi vươn mình ra ánh sáng...
- Đi học hay lắm! Khi đi học, bạn cùng lớp gọi và xưng "I – you" với mình, khiến tôi luôn thấy mình chưa già, và các bạn cũng không coi tôi đã già, bạn ạ!
Tôi cũng thấy thế, cảm ơn chị!
Thục Khôi/ Theo Đeponline