Đau thương qua từng câu chuyện trong những lá thư thời chiến VN
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:03, 23/04/2015
Trong không khí tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày hội sách Việt Nam 21/4/2105, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam NXB CAND đã ấn hành 2 cuốn sách “Những ngày ở chiến trường" (tập 3) và “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam”.
Sáng ngày 22.4, trong buổi gặp gỡ báo chí ra mắt hai cuốn sách trên, báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nhà văn Đặng Vương Hưng - tác giả của cuốn Những lá thư thời chiến Việt Nam, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách tư liệu đáng giá Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Xin chào nhà văn Đặng Vương Hưng, nguyên nhân nào để anh có ý tưởng vận động, sưu tầm những kỷ vật của những người lính trong cuộc chiến tranh, trong đó cụ thể là những lá thư gửi về cho người thân?
Nhà văn Đặng Vương Hưng trong buổi giới thiệu cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam"
Cách đây 10 năm tôi đã có một cơ duyên gặp gỡ một người Mỹ và chính anh ta đã gợi ý cho tôi sưu tầm những lá thư thời chiến Việt Nam. Ý tưởng này thông qua nhờ các phương tiện truyền thông, kêu gọi người dân hãy gửi cho tôi những bức thư cũ trong các cuộc chiến tranh của các gia đình có con, cháu, người thân đi bộ đội. Trong hàng loạt các bức thư, kỷ vật gửi đến có những kỷ vật rất nổi tiếng mà mọi người đã được biết qua đó chính là Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Có lẽ các bạn trẻ bây giờ cảm thấy lạ lẫm với những bức thư, nhưng cách đây vài chục năm, người dân sống trên tinh thần của những lá thư qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân thời đó tất cả đều dành cho tiền tuyến, chính vì thế những lá thư viết tay vô cùng quan trọng, nó cũng chính là những "sức mạnh màu nhiệm" giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua cái tôi cá nhân và là chỗ dựa không bao giờ mất của chính cha ông ta, của những người thân.
Những người viết thư đó vô tình trở thành người chép sử và đó là những người chép sử một cách trung thành nhất. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa nhận được giá trị lớn lao qua từng lá thư đó, nhưng sau này, qua sự nghiên cứu của các nhà lịch sử, xã hội học, chính trị họ sẽ tìm thấy những mơ ước, những điều mới mẻ, hạnh phúc qua những lá thư này.
Những lá thư thời chiến Việt Nam của các đồng đội đã ngã xuống vẫn còn nguyên bút tích
Vậy những thế hệ trẻ ngày nay theo anh họ sẽ nhận được gì khi họ đã không còn thói quen viết thư như ngày xưa nữa?
Trong tuyển tập Những ngày ở chiến trường và Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam có hơn 100 tác giả khác nhau, thực ra hơn 10 năm qua tôi đã nhận được hàng vạn lá thư do rất nhiều các gia đình gửi đến. Tuy nhiên, do sức tôi có hạn nên tôi chỉ viết được tuyển tập hơn 1.000 trang này thôi.
Các bạn trẻ bây giờ nếu đọc cuốn sách này nó như một cuốn lịch sử về tinh thần, đọc tuyển tập này thì chúng ta hiểu được cha ông ta đã chiến thắng qua hai cuộc kháng chiến như thế nào, một thời hào hùng, trần mạc trong khói lửa mà chính các cuốn sách lịch sử chưa nói đến. Ở tuyển tập này, chúng ta dễ dàng tìm ra được những góc khuất tinh thần của mỗi con người mà chưa có một trang báo nào, một cuốn sách nào nói đến. Thế hệ trẻ khi trải qua mọi điều trong cuộc sống, họ cần tìm một cuốn sách thỏa mãn tinh thần của họ để trải nghiệm những năm tháng hào hùng. Họ sẽ nhận được những kỷ niệm, những yêu thương, những đau đớn mà cha ông ta đã trải qua thông qua những bức thư, đó chính là điều mà thế hệ trẻ cần nhất để chúng ta sống tốt hơn, biết ơn những người đã ngã xuống, bảo vệ quê hương và đất nước.
Trong lúc biên soạn những lá thư thời chiến, những kỷ vật của các chiến sĩ đã ngã xuống, anh cho biết lá thư nào mà anh cảm thấy ấn tượng nhất?
Tất cả các lá thư đã gửi về hoặc tôi sưu tầm được, tôi đều ấn tượng qua từng câu chữ. Có thể nói, ở Việt Nam ta không có truyền thống lưu trữ và có thói quen đốt những kỷ vật của những người đã khuất xuống cho họ. Mỗi một lá thư là một câu chuyện, một con người, một sinh mệnh riêng, 2/3 tác giả những bức thư đều không còn nữa. Thế nên khi sưu tầm, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp gửi thư về nói rằng giá mà tôi thông báo sớm hơn, họ đã giữ lại những bức thư của cha ông họ, những lá thư mang đầy nước mắt, nhớ nhung nhưng cũng rất tự hào.
Trong cuốn sách có bức thư Bác Hồ gửi cho một gia đình liệt sĩ có con vừa hy sinh, có những lá thư ghi rõ những quyết tâm của người lính, có những bức thư một người lính gửi về cho gia đình nhờ “Nhớ trả cho hàng xóm hai bìa đậu và một quả chanh” – những lá thư tuy giản dị nhưng chứa đựng mỗi tâm hồn, trách nhiệm và mục tiêu sống của chính người lính đó.
Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc – Tổng biên tập NXB CAND chia sẻ cảm xúc sau khi đọc cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam"
Anh có thể kể một câu chuyện về một lá thư của người lính trong trận kháng chiến chống Mỹ?
Anh Huỳnh sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân ở Thái Bình. Đang là sinh viên học năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tháng 5-1972 anh tình nguyện đi bộ đội và xung phong vào chiến trường Quảng Trị. Cuộc chiến đấu ở Thành Cổ khi đó đang diễn ra 81 ngày đêm giữ thành rất khốc liệt. Để chốt giữ được Thành Cổ trong mưa bom bão đạn, có thời điểm một ngày đêm quân giải phóng phải hy sinh cả đại đội. Khi đang ở phía bên này Thạch Hãn, được lệnh cấp trên đưa hàng vào Thành Cổ, Lê Văn Huỳnh biết khó có ngày trở về nên anh đã viết thư thăm hỏi người mẹ già, dặn dò người vợ trẻ, chào vĩnh biệt tất cả mọi người thân trong gia đình.
"Quảng Trị, ngày 11/9/72
Toàn thể gia đình kính thương!
Mẹ kính mến!... Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau!...
Em thương yêu!... khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện, hãy cứ "đi bước nữa" vì em còn trẻ lắm. Theo anh thì nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều là em đối đãi với mẹ và anh chị trong nhà như khi anh còn sống...Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống hoà bình hãy nhớ tới anh..."
Điều kỳ diệu là trong thư anh đã tiên đoán được nơi mình hy sinh, được đồng đội chôn cất ở thôn Nhan Biều 1 và hướng dẫn trong thư một cách tỉ mỉ đường đi cho người vợ của mình ngày thống nhất có điều kiện thì vào Nam mang hài cốt anh về quê. Lá thư trên được một đồng đội của anh chuyển về tận quê trao cho gia đình. Và năm 2002, gia đình và đồng đội của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã vào Quảng Trị, theo sự chỉ dẫn trong thư và xác định của đồng đội chôn cất anh, gia đình đã tìm được hài cốt của anh đưa về mai táng ở quê. Một điều rất cảm động là chị Đặng Thị Xơ, người vợ trẻ của anh qua bao nhiêu năm tháng tuổi thanh xuân vẫn không "đi bước nữa" như lời anh dặn trong thư mà ở vậy thờ chồng.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Dạ Thảo