Những phát hiện mới về vua Hàm Nghi
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:08, 12/03/2015
Sáng tác giữa đời thường
Amandine Dabat cho biết theo tài liệu thì sau khi nổi dậy chống Pháp, ông đã bị nhà cầm quyền tổ chức bắt giữ khá dễ dàng và bị lưu đày tại Algerie. “Người Pháp cho rằng Hàm Nghi vẫn có thể quay về Việt Nam làm vua nên xem như một quân bài” – người cháu của ông nói. “Người quản gia cũng là nhân viên theo dõi nhà vua và đã làm báo cáo nhiều trang gửi chính quyền”. Thư từ bị kiểm soát và chỉ một số ít đến được tay của nhà vua.
Cô Amandine Dabat |
Cô Amandine Dabat cho biết ban đầu nhà vua vẽ để giải trí, một số người thấy vua có năng khiếu mỹ thuật nên khuyên đức vua nên học mỹ thuật bài bản và từ đó vua Hàm Nghi gắn bó với nghệ thuật.
Một số người đến dự cuộc nói chuyện đã rất băn khoăn về quan điểm chính trị của nhà vua khi bị lưu đày và liệu tư tưởng chính trị ấy có phản ảnh trong các tác phẩm của ông hay không? “Hầu như không có tài liệu nào cho thấy nhà vua đề cập trực tiếp đến vấn đề chính trị mà ngày nay người ta có thể tìm thấy” – người cháu của nhà vua cho biết.
Nhà vua còn nhắc nhở một số bạn bè của mình rằng không nên đề cập đến chính trị trong những thư gửi ông để tránh bị phiền phức. Tuy nhiên cũng có thể hiểu rằng vua Hàm Nghi đã không muốn trở thành một con bài của thực dân Pháp phản bội lại chính con đường yêu nước mà ông đã khởi xướng, bởi vậy ông càng tập trung hơn cho nghệ thuật.
Nhà vua đã cố gắng giao du với những nghệ sĩ tên tuổi, nhất là trong những chuyến được vào Pháp, thậm chí có nhà thơ nữ đã viết thơ tặng ông. Nhà vua đã tổ chức triển lãm rất chuyên nghiệp với nhiều tác phẩm vào năm 1925 và 15 tác phẩm trong số này hiện vẫn còn được tìm thấy. Rõ ràng người ta vẫn rất quan tâm tới các tác phẩm của vị cựu hoàng Việt Nam, người đã đứng lên chống lại thực dân Pháp.
Các tác phẩm của ông hiện được lưu giữ nhiều tại các bộ sưu tập tư nhân và gia đình những người thân mà nhà vua đã tặng họ. Khoảng 100 bức tranh vẫn còn được lưu giữ. Đáng tiếc là về phía gia đình thì vào những năm 1960, do biến cố chính trị xảy ra tại Algerie, tư gia của cựu hoàng đã bị đốt cháy.
Ngoài tranh thiên nhiên, tĩnh vật, sinh hoạt… đức vua còn làm tượng đồng về phụ nữ rất đẹp. Nhà vua gần như ứng dụng rất nhiều kỹ thuật hội họa tân thời lúc đó vào tác phẩm của mình, nhưng nội dung lại rất gần gũi với người xem. Đặc biệt bố cục và ánh sáng cực kỳ chặt chẽ và hết sức sống động. Người ta nói rằng nhà vua không bán tác phẩm của mình bao giờ mà chỉ tặng cho những người thân thiết và những người yêu nghệ thuật. Mới đây, một bức tranh của ông được bán đấu giá với giá 8.800 euro.
Bức tranh "Chiều ta" của vua Hàm Nghi |
Bút danh kỳ quặc
Một vấn đề được tranh luận nổ ra khi trên các bức tranh, nhà vua thường ký tên là Tử Xuân, thay vì tên Xuân Tử (thường được hiểu là người con mùa xuân) vốn được gia đình đặt cho. Ông ký tên bằng chữ quốc ngữ và viết rõ ràng (chữ thiếu dấu, có lẽ do người Pháp không dùng dấu) là: Tu xuan. Theo Amandine Dabat, lúc đi kháng chiến và bị cầm tù, chưa có chữ quốc ngữ nên nhà vua dùng chữ Pháp và chữ Hán. Sau này, các trí sĩ từ Việt Nam sang du học đã dạy cho nhà vua chữ Quốc ngữ và ông đã sử dụng nó để ký tên vào tác phẩm hội họa của mình.
Theo tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh: “Việc nhà vua yêu nước đã viết tên mình theo ngữ pháp tiếng Việt chứ không phải ngữ pháp Trung Quốc cho thấy ý thức khát khao độc lập về văn hóa của vị vua yêu nước Hàm Nghi”. Rõ ràng với trình độ Hán học uyên thâm, không thể có chuyện nhà vua viết nhầm xuân tử thành tử xuân được. Chắc chắn đây là một chủ ý của vua Hàm Nghi.
Amandine Dabat cũng cho biết nhà vua bị bắt đi khỏi đất nước lúc còn nhỏ nên ký ức của ông về đất nước cũng không khỏi bị phôi pha. Bởi vậy, ông đã quyết tâm đi học vẽ theo một trường phái hội họa đặc biệt đó là trường phái vẽ theo trí nhớ. Bởi vậy, ngày nay xem tranh, dù về đề tài gì người ta cũng thấy phảng phất hình bóng quê hương Việt Nam trong những tác phẩm của vua Hàm Nghi. Tuy thế, việc sưu tầm và giới thiệu hạn chế nên hầu hết tác phẩm của vua Hàm Nghi – Tử Xuân chưa đến được với đông đảo người Việt Nam.
Trần Nguyễn Anh