Hồn cốt Sài Gòn
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 23/02/2015
1. Vào Sài Gòn, 33 tuổi, ngây ngô không biết tiền, không hiểu sống là làm ăn chứ không phải dâng hiến, trong đầu vốn tốt xấu minh bạch, đã tốt là tốt không thể tốt xấu lẫn lộn nên cái gì cũng khó hiểu, cũng ngỡ ngàng.
Vào Sài Gòn không quá khứ Sài Gòn, một kẻ nhập cư không lý do rõ ràng. Người như thế là tôi mà đã “Sài Gòn ”38 năm.
Tôi không có ký ức Sài Gòn để nhớ đường Mac Mahon, khu Verdun chợ Đuổi ồn ào cà phê vớ, tới Givral chỗ ông Phạm Xuân Ẩn ngồi hút tẩu nhâm nhi cafe và viết bài cho báo Mỹ, tới phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, “Đêm màu hồng” trên đường Tự Do...- nơi trình diễn của những tên tuổi một thời.
Ký ức về một nơi chốn, nó thường ăn sâu trong tâm khảm ta khi ta còn thơ ấu. Lúc ấy đã lớn tuổi rồi, bộ nhớ đã đầy, cảm giác để trở thành nhớ nhung không còn nhạy bén, mà nơi này đâu phải nơi tôi sinh ra, cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng lạ lẫm. Điều mà tôi nhận thấy có thể kể ra được chắc không phải là điều mà người Sài Gòn nhớ về thành phố của mình. Câu chuyện tôi kể về Sài Gòn sau 1975 là câu chuyện về một Sài Gòn khác, một thành phố có tên mới: Thành Phố Hồ Chí Minh.
2. Sài Gòn trước 1975 với tôi chỉ là một địa danh chính trị. Tôi không biết gì về nó ngoài những mẩu tin trên báo Nhân Dân, hoặc nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Một đô thị chỉ biết tên mà không biết mặt.
Ngày đầu tiên lơ ngơ giữa Sài Gòn trên chiếc xe Vespa 50 phân khối cà tàng mà đứa cháu ruột - dân Sài Gòn chính hiệu mua giúp. Chạy chừng hai cây số rơi mất pô giảm thanh, tiếng máy đinh tai, khói dầu mù mịt. Sợ quá, phải tắt máy dắt bộ về nhà ông anh rể cả (di cư vào Nam năm 1954) mượn chiếc xe đạp cũ lang thang tiếp. Cầu Bông kênh nước đen, bến Hàm Tử bên sông Sài Gòn tanh tanh mùi chợ cá, chợ cầu Muối rau củ quả tràn ngập. Rồi đường Trần Hưng Đạo rộng lớn chói lòa mặt trời phía Tây, đường me xanh Nguyễn Du, những tòa cao ốc ngất ngưởng trên đường Nguyễn Huệ (với một người Hà Nội chỉ nhìn thấy nhà cao nhất là 4 tầng thì cao 9-10 tầng đúng là ngất ngưởng rồi), đường Đồng Khởi (tên cũ là Tự Do), gợi cảm giác phố của “những cửa hiệu u tối” man mác buồn. Và những con hẻm chằng chịt, rối rắm nơi giáp ranh giữa quận 3 và quận Tân Bình, lạc vào đó giống như đi thám hiểm, hấp dẫn vô cùng...
Không thấy một Sài Gòn hoa lệ như đồn đại. Đây là một Sài Gòn khác khi nó trở thành Thành phố Hồ Chí Minh - một thành phố mới của những người lao động. Thành phố ấy sức sống thật trẻ trung và cư dân ở đây năng động hiếm có, điều mà tôi không thể thấy khi ở miền Bắc. Nhìn người ta đạp thùng hàng cho chạy vùn vụt trên mặt sàn nhà thay vì vác trên vai, hay nhấc bổng xe đạp lên đầu lách qua khe hẹp để đi, thay vì thụ động đứng chờ như tôi ở đoạn con hẻm nhỏ bị ùn tắc, tôi đã nhận ra sự khác biệt về con người.
Những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, việc đầu tiên là phải bán đi chiếc Vespa kinh khủng vì sửa nó quá tốn tiền, để mua một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp cũng thế. Lúc mua thì người bán nói về nó tuyệt vời (kiểu “siêu bền, siêu rẻ” bây giờ), minh tin sái cổ, nhưng lúc chạy mới biết. Một anh chàng ở xã hội bao cấp, nơi hàng hóa hình thức tuy thô kệch đơn điệu, nhưng nó thật, lại sống với đối tác “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, mệt mỏi vô cùng. Có lẽ đây cũng là một sự “năng động” kiểu khác. Nó là nguồn gốc cho nhiều thứ “năng động” bây giờ.
4. Tuy không còn Sài Gòn như những gì người ta vẫn nghĩ, vẫn nhớ, nhưng ký ức Sài Gòn vẫn trở lại: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, nhạc Bolero cùng những bài hát quen thuộc của Lam Phương, Trúc Phương, Vinh Sử..., rồi giọng hát Bạch Yến, Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Anh Khoa, Chế Linh...., nếu một buổi sáng chủ nhật bạn bước vào nhà thờ Đức Bà Sài Gòn dự một buổi thánh lễ, vào Bưu điện Sài Gòn gửi một cái gì đó, hoặc lững thững thả bộ vào các con hẻm yên tĩnh dọc đường Phạm Ngọc Thạch ngắm các ngôi biệt thư ẩn mình sau những bức tường phủ kín hoa hoàng yến, hoa giấy đủ màu. Hồn cốt Sài Gòn vẫn thấp thoáng đâu đây, dù bây giờ là Sài Gòn Hip Hop, Sài Gòn À ố Show, Sài Gòn nhạc thị trường, Sài Gòn Chân dài, Sài Gòn Cà phê, Sài Gòn Vincom, Sài Gòn Bitexco..., hay là gì đi chăng nữa...
Thành phố này là một câu chuyện mà chúng ta cần phải biết kỹ, nó mách cho chúng ta nhiều điều, rất nhiều điều. Chính vì nó, mà ở tuổi ngoài bảy mươi, tôi vẫn có những giấc mơ, vẫn có niềm tin vào những gì mà phần lớn mọi người cho rằng đã mất.
Tôi nghĩ đến ông Võ Văn Kiệt, đến anh Phan Chánh Dưỡng cùng nhóm trí thức “Thứ 6” của anh, đến các trí thức yêu nước khác của Sài Gòn đã ở lại, hoặc đã ra đi rồi trở lại, những người có độc lập và tự do trong suy nghĩ và không ngây thơ, ảo tưởng như tôi. Họ trong sáng và hiểu biết biết bao nhiêu. Trong những gì đẹp đẽ mà chúng ta thấy ở thành phố này, có hình bóng của họ.
Nhạc sĩ Dương Thụ / Lao động