Bí ẩn về các tướng lĩnh trong ‘Con đường họ đã đi qua’
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:09, 28/08/2015
“Con đường họ đã đi qua” kể về cuộc đời bình dị của những nhân vật phi thường như anh hùng thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Thảo; thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm... Chuyện đời, chuyện nghề, chuyện chiến đấu được kể lại chân thật đến nao lòng.
Bí ẩn về các tướng lĩnh
Con đường họ đã đi qua – “đứa con đầu lòng xinh đẹp” của tác giả Phạm Xuân Trường tập hợp những mảnh chuyện một thời không thể quên của các nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đó là những vị tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam như: Thiếu tướng, tiến sĩ, viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Thảo; thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm; thiếu tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn; trung tướng Lê Nam Phong; phi công Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy. Một số “đại thụ” trong nền âm nhạc, sân khấu điện ảnh, văn chương, báo chí trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng có mặt trong cuốn sách như: NSND Đặng Nhật Minh, nhà báo Hữu Thọ, NSND Thế Anh, NSND Thu Hiền, nhà thơ Phạm Tiến Duật…
|
Những nhân vật thật trong cuốn sách kể về mình đầy sống động |
Họ đã sống và hiến dâng cả tuổi trẻ tươi sáng cùng những ước mơ, hoài bão của mình cho Tổ quốc. Mỗi người một nhiệm vụ, một công việc và một con đường để đi nhưng những nhân vật trong Con đường họ đã đi qua đều có chung một đích đến: Đó là niềm tin, là khát khao độc lập tự do, khao khát thống nhất nước nhà, là ước mơ cháy bỏng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mỗi nhân vật trong cuốn sách được tác giả Phạm Xuân Trường khắc họa cao cả, vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị và gần gũi. Đó là Giáo sư, viện sĩ anh hùng LLVT Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng đầu tiên Cục Quân giới kiêm Cục trưởng Cục Pháo binh, sau này là Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ của Việt Nam. Những mẩu chuyện nhỏ về anh hùng Trần Đại Nghĩa qua ký ức của người thư ký, của đồng đội đã tô thắm thêm vẻ đẹp dung dị của một con người suốt đời phụng sự dân tộc. Cuộc đời anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo được tiết lộ những chi tiết vô cùng thú vị đã cho độc giả cảm nhận trọn vẹn sự cống hiến, hy sinh quên mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Những bí ẩn của cuộc đời Anh hùng, thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn được lần giở trong từng trang viết thông qua hồi ức của ông Mười Hương - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng là người đồng chí, người bạn của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. 26 năm hoạt động trong lòng địch, vượt qua mọi cám dỗ, hiểm nguy rình rập, thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã lấy được thông tin quan trọng trong các chiến dịch, chiến lược phục vụ cho sự nghiệp cách mạng…
Đó còn là hình ảnh của anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, từ một nông dân chân thanh hiền lành, chất phác vùng Đồng Tháp Mười với lòng căm thù giặc sâu sắc đã quyết tâm học lái máy bay và trở thành phi công xuất thần, một mình bắn rơi 7 báy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, ông trở về đời thường, vui thú điền viên với ruộng đồng, cây trái.
Dòng chảy vô tận
Bên cạnh những tướng lĩnh, Con đường họ đã đi qua còn giới thiệu đến độc giả những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng - những người một thời gắn với cuộc chiến tranh, đã mang đến sản phẩm tinh thần vô giá, truyền cảm hứng và niềm lạc quan cho bộ đội vững tay súng nơi chiến trường. Vẫn còn đó những vần thơ đầy lửa và hoa của Phạm Tiến Duật. Hay hình ảnh bình dị mà phi thường của tiến sĩ, NSND Phạm Thị Thành, tên tuổi của bà đồng hành với thời kỳ vàng son của sân khấu kịch nói và gắn liền với nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ.
Tiếp nối dòng chảy Con đường họ đã đi qua còn có hình ảnh của những gương mặt nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: Thế Anh, Trà Giang, Lê Văn Thảo, Chu Lai, Trần Tiến, Thu Hiền, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… Những cống hiến của họ là máu xương, mồ hôi, nước mắt, trí lực, sức lực như những dòng chảy vô tận.
Trong buổi giao lưu tác giả, nhân vật Con đường họ đã đi qua, trung tá Phạm Xuân Trường - Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả cuốn sách cho biết 25 nhân vật trong cuốn sách được anh chắp bút ghi chép hoặc thu thập tư liệu đều là những con người mà anh rất ngưỡng mộ, khâm phục và yêu quý. Những nhân vật trong Con đường họ đã đi qua người còn, người mất. Để tái hiện lại chân dung về họ là việc làm vô cùng khó khăn, việc thu thập tư liệu phải thật sự chân thực và khách quan. “Đây cũng là “đứa con đầu lòng” mà tôi đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian”. Tác giả cho biết.
|
Phạm Xuân Trường đã rất xúc động khi "đứa con tinh thần" của mình được chào đón nồng nhiệt |
Buổi giao lưu thực sự sôi nổi và ấm cúng khi có sự xuất hiện của các nhân vật: trung tướng Lê Nam Phong, nghệ sĩ Trần Tiến, Thế Anh và Thế Hiển. Với họ, thời gian và kỷ niệm của một thời gian khó gắn với cuộc đời họ, với trái tim là những kỷ niệm không bao giờ nguội lạnh. Trung tướng Lê Nam Phong, người được tất cả anh chiến sĩ gọi bằng danh xưng yêu quý “Bố”, ở ngưỡng tuổi 90 khi chia sẻ về những kỷ niệm đời lính và trận mạc vẫn tràn đầy nhiệt huyết của người lính.
Nghệ sĩ Trần Tiến cho rằng những sáng tác nhạc của ông chỉ để là để “giải thoát”, đó là những sản phẩm không phải để mang ra thương trường, cũng giống như cuốn sách này vậy, nó sẽ chạm tới trái tim và tâm hồn của mọi người chứ không chỉ là cảm giác. Với nghệ sĩ Thế Anh, với khoảng 100 bộ phim ông từng tham gia, có lẽ đáng nhớ nhất vẫn là những vai về người lính, kể cả trong vai lính chế độ cũ trong Nổi gió…
Là một biên tập viên của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, với lòng nhiệt huyết và trái tim cháy bỏng của người lính, trung tá Phạm Xuân Trường và Con đường họ đã đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi lại điều phi thường nhất của những con người đi qua thời đại.
Đinh Hoa
Một Thế Giới