Bìa sách truyện Thúy Kiều dùng tranh khỏa thân, gây tranh cãi

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:34, 12/11/2015

Liên lạc với đại diện truyền thông của đơn vị phát hành Nhã Nam, vị này từ chối trả lời. Anh cho biết việc in, xuất bản cuốn sách Truyện Thúy Kiều (2015) "không thuộc thẩm quyền trả lời".
Tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là áng thơ bất hủ của văn học Việt Nam. Thậm chí cụ Phạm Quỳnh còn nói:"Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn...".  
Nhà thơ của văn học cách mạng, Tố Hữu cũng cho rằng: "Tiếng thơ ai động đất trời", là tiếng non sông nghìn thu. Và nghìn vạn năm sau Truyện Kiều vẫn là "Tiếng thương như tiếng mẹ ru ngàn đời". 
Các bậc "tiền bối" coi Truyện Kiều là cái hồn non sông đất nước, bởi nó vĩ đại và thể hiện vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ. Vì thế mà tác phẩm này được dịch ra 35 ngôn ngữ khác nhau  trên thế giới. 
Nhân 250 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, những nhà làm văn hóa, người nghiên cứu văn học Việt đều chờ đợi 2 cuốn sách mới về Truyện Kiều: bản dịch Tiếng Nga và Truyện Thúy Kiều (do Nhã Nam phát hành). Và cách đây hai ngày, khi Nhã Nam giới thiệu bìa sách trên trang fanpage đã gây nhiều tranh cãi khi sử dụng lại bức tranh thiếu nữ khỏa thân có từ năm 1942 (cách đây 73 năm).  
Truyen Kieu Nguyen Du, 250 nam ngay mat Nguyen Du, Kim Van Kieu truyen
 Việc giới thiệu bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều in tranh khỏa thân  bên cạnh bức tượng Phật ngọc trắng của Nhã Nam cũng làm bạn đọc phản ứng
Ngay khi giới thiệu cuốn sách kèm với một bức tượng phật ngọc trắng trên fanpage, Nhã Nam đã vấp phải sự chỉ trích của đông đảo độc giả . Ngoài những khúc mắc chưa có lời giải đáp, còn có những lời đóng góp và kêu gọi Nhã Nam gỡ bỏ bìa cuốn sách.
Cũng có rất nhiều độc giả bức xúc với đội ngũ biên tập, in ấn và phát hành cuốn sách bởi "chỉ có kẻ ngu si về văn chương mới tuyển một cái hình lột trần Kiều trước bàn dân thiên hạ. Cụ Nguyễn Du viết Kiều với mục đích nói về số phận người phụ nữ thời xưa bị đẩy vào bi kịch không phải với mục đích như bức họa". 
Truyen Kieu Nguyen Du, 250 nam ngay mat Nguyen Du, Kim Van Kieu truyen
 Bản gốc cuốn sách ấn hành vào năm 1927 được cho là Nhã Nam mua bản quyền về tái bản thành "Truyện Thúy Kiều" 2015. 
Nhiều người còn cho rằng cho dù đây là cuốn sách được cho tái bản từ cuốn Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du xuất bản năm 1942 nhưng việc chọn bìa sách như Truyện Thúy Kiều (2015) vừa in ấn, phát hành, dù có mang hơi thở hiện đại,cũng khó có thể chấp nhận được vì "tuyệt phẩm của đại thi hào Nguyễn Du là bộ mặt của dân tộc và tầng lớp tri thức", sẽ có nhiều cách lựa chọn một bìa sách đủ sức thuyết phục hơn . 
Truyen Kieu Nguyen Du, 250 nam ngay mat Nguyen Du, Kim Van Kieu truyen
 Bức họa ấn hành trong cuốn "Kim Vân Kiều" nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du.
Trước những luồng ý kiến trái chiều của độc giả, đơn vị phát hành cuốn Truyện Thúy Kiều (2015) là Nhã Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ một sự hồi đáp nào trên fanpage. 
Liên lạc với người đại diện truyền thông của đơn vị này, Báo điện tử Một Thế Giới chỉ nhận được câu trả lời: "Không thuộc thẩm quyền trả lời". 
Diệu Linh 

Một Thế Giới