Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục làm Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:19, 09/01/2016

Trong 2 ngày 8-9.1, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
Tham dự đại hội có 475 đại biểu là những văn nghệ sĩ tiêu biểu, các cán bộ chủ chốt của 63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố và 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ trong cả nước. 
Với phương châm “Đổi mới phương thức hoạt động, chuyển mạnh sang hỗ trợ chiều sâu, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả sáng tạo”, đại hội đã tiến hành thảo luận dân chủ, thông qua Báo cáo tổng kết công tác của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa 8, nhiệm kỳ 2010-2015; phương hướng nhiệm vụ hoạt động khóa 9, nhiệm kỳ 2016-2021. 
Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ 2016-2021 là: Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích tối cao của dân tộc; không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống; phê phán, đẩy lùi mọi cái xấu, cái ác, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, hướng tới chân-thiện-mỹ, làm tròn sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Phát biểu tại đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương những thành tựu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trên chặng đường hơn 70 năm qua, kể từ khi Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập (năm 1943), Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời (năm 1948). Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã luôn đồng hành cùng cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, trở thành một lực lượng, một sức mạnh to lớn trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, như Bác Hồ đã khẳng định: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, ra sức lao động sáng tạo, sẵn sàng đến những nơi tuyến đầu của các mặt trận, vào hầm mỏ, nhà máy, gắn bó máu thịt với nhân dân, với bộ đội, làm nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc, cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Tên tuổi của nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu được đông đảo công chúng ngưỡng mộ, ngợi ca. Nhiều văn nghệ sĩ-chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Biết bao tác phẩm, công trình văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian... ra đời, đã góp phần làm phong phú, rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. 
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở Liên hiệp Hội và các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương còn nhiều bất cập. Một số văn nghệ sĩ chưa nêu cao trách nhiệm công dân, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; ít bám sâu, bám chắc vào thực tế đời sống xã hội để phản ánh và khám phá hiện thực. 
Tổng bí thư chỉ rõ: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 
Tổng bí thư mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, đặc biệt là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của đất nước. Tổng bí thư chỉ rõ hiện nay trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị đang tìm mọi cách để chống phá, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chia rẽ, lôi kéo một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí đi ngược lại con đường cách mạng của Đảng, của dân tộc. Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần nhận rõ nguy cơ này để vừa xây dựng tổ chức hội vững mạnh, vừa quan tâm giáo dục hội viên và toàn thể văn nghệ sĩ trau dồi bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, không ngả nghiêng, dao động, không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai trái; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Liên hiệp Hội cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 về xây dựng Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài, sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, nghệ thuật phong phú, hấp dẫn. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm sâu sắc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, các bất cập về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên hiệp Hội và của văn nghệ sĩ. 
Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa 9 đã thông qua kết quả hiệp thương danh sách Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 76 vị; Đoàn Chủ tịch gồm 25 vị; Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm 6 người; nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Liên hiệp.
Theo TTXVN

Một Thế Giới