Nhà văn Trần Hoàng Trúc: Dấu lặng giữa xôn xao
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:04, 20/03/2016
Là một trong số ít nhà văn theo đuổi dòng truyện cực ngắn, nữ nhà văn Trần Hoàng Trúc tin rằng truyện càng ngắn sẽ càng có nhiều người đọc hơn và trào lưu viết truyện cực ngắn sẽ phát triển và nở rộ trong tương lai như một xu thế tất yếu.
Trần Hoàng Trúc, một câu bút trẻ được chú ý gần đây trong làng văn nghệ Sài Gòn. Với thể loại truyện cực ngắn, truyện của của chị gần như “phủ sóng” trên các báo và tạp chí như: Tuổi Trẻ, Phụ Nữ VN, Kiến Thức Ngày Nay, Duyên Dáng Việt Nam, SGGP, Thế Giới Phụ Nữ…
Gặp gỡ Trần Hoàng Trúc trong những ngày tháng ba đầy sôi động giữa lúc TP.HCM đang xôn xao bước vào ngày hội sách lớn nhất trong năm. Nữ nhà văn đã dành riêng cho báo điện tử Một Thế Giới một cuộc trò chuyện xung quanh về thể loại truyện ngắn rất độc đáo này.
- Được biết tác phẩm đầu tay của chị là một cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử dưới dạng truyện dã sử tên là "Mặt nạ thâm cung" dày gần 400 trang. Sau đó chị đã chuyển hướng sang một thể loại hoàn toàn khác biệt là truyện cực ngắn. Nguyên do của sự thay đổi này ?
Sau khi xuất bản tiểu thuyết đầu tay, tôi thử sức mình ở thể loại truyện ngắn. Và, trong một lần tình cờ, tôi đã đọc được chùm truyện 100 chữ của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Tôi thực sự thích thú và được truyền cảm hứng bởi chùm truyện này. Nó cũng khiến tôi nhớ đến loạt truyện 100 chữ ngày xưa mình từng đọc trong một cuộc thi do một tạp chí tổ chức. Tôi nhận ra thể lọai truyện này hoàn toàn phù hợp với khả năng của mình vì tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc sáng tạo kịch bản phim quảng cáo (copywriter - PV) vốn cũng có những nét tương đồng với truyện cực ngắn. Cả hai đều đặt nặng yêu cầu về ý tưởng, thông điệp và sự hàm súc. Do vậy, tôi bắt tay vào lĩnh vực này và theo đuổi đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, tôi không định danh tác phẩm của mình là truyện 100 chữ vì tôi không muốn con số chữ cụ thể sẽ ràng buộc, hạn chế khả năng sáng tạo của mình.
Nhà văn trẻ Trần Hoàng Trúc |
- Sau khi truyện của chị được đăng báo và xuất bản, chị đã nhận được phản hồi như thế nào từ bạn đọc?
Sau khi những chùm truyện đầu tiên tôi viết được đăng trên các tờ báo lớn, truyện cực ngắn của tôi nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng với những phản hồi rất tích cực. Có độc giả là giáo viên dạy văn chia sẻ với tôi rằng cô còn dùng truyện cực ngắn của tôi để ra đề bài kiểm tra, thi học kỳ vì nhiều truyện ý nghĩa, có tính giáo dục. Một số tờ báo, tạp chí... cũng liên hệ đặt tôi viết truyện cho họ. Đó thực sự là một nguồn động viên tinh thần lớn lao giúp tôi nuôi dưỡng niềm đam mê với thể loại thú vị nhưng cũng đầy thách thức này.
- Liệu chị có gặp khó khăn khi phải viết truyện... cực ngắn?
Viết truyện ngắn có thuật lợi là bất cứ lúc nào có ý tưởng cũng có thể viết và hoàn tất nhanh chóng không bị tình trạng đang viết dở dang mà phải gác lại vì bận việc khác như thường gặp khi viết các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết. Ngay cả khi không có máy tính cũng có thể viết trên điện thoại hoặc sổ tay. Còn khó khăn là các ý tưởng vừa phải độc đáo vừa phải đa dạng, khác biệt, không bị trùng lắp, lặp lại chính mình... Bất cứ ai thử sức với thể loại này cũng sẽ cảm nhận được độ khó ngày càng cao khi mà các đề tài, thông điệp... đều đã được khai thác trong các truyện bạn viết trước đó.
- Thời gian gần đây, trào lưu truyện cực ngắn có dấu hiệu khởi sắc trở lại với sự hưởng ứng của nhiều cây bút chuyên và không chuyên. Chị nhận định thế nào về hiện tượng này? Chị có cho rằng truyện cực ngắn sẽ phát triển mạnh trong tương lai?
Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, con người có xu hướng ngày càng vội vã hơn trong việc tiếp nhận và cập nhật thông tin từ vô số nguồn khác nhau để bắt kịp thời đại. Do vậy lòng kiên nhẫn để đọc các tác phẩm văn học "dài hơi" cũng bị thử thách, dẫn đến thời gian đọc sách ngày càng bị thu hẹp. Để đảm bảo những "đứa con tinh thần" của mình có nhiều người đọc thì ngoài việc đầu tư vào chất lượng, người viết cũng nên lưu tâm đến yếu tố ngắn gọn, súc tích. Cá nhân tôi tin rằng truyện càng ngắn sẽ càng có nhiều người đọc hơn và trào lưu viết truyện cực ngắn sẽ phát triển và nở rộ trong tương lai như một xu thế tất yếu.
- Có ý kiến cho rằng, truyện cực ngắn quá ngắn, không đủ nuôi dưỡng cảm xúc trong lòng người đọc và do đó khiến người đọc sẽ... chóng quên, vậy quan điểm của chị sẽ như thế nào?
Đúng là do sự khống chế về số chữ nên truyện cực ngắn không có nhiều chất liệu để nuôi dưỡng cảm xúc trong lòng người đọc như những thể loại văn học khác. Truyện cực ngắn thường không có khúc dạo đầu, mà vào ngay trọng tâm. Câu chữ phải chắt lọc, tiết chế tối đa, tính từ ít được sử dụng, rất ít "đất" để người viết phô diễn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Đó chính là thử thách buộc người viết phải sử dụng nội lực của mình sao cho với rất ít nguyên liệu bạn vẫn phải nấu được một "món ăn tinh thần" chất lượng, gây ấn tượng. Nếu không, thực khách sẽ "chóng quên" như bạn nói.
- Theo chị thì những yếu tố nào làm nên một truyện cực ngắn gây ấn tượng sâu sắc với người đọc?
Để gây ấn tượng, truyện cực ngắn phải có "điểm nhớ". Điểm nhớ có thể là hình ảnh, thông điệp, chi tiết độc đáo, cảm xúc mà truyện mang lại hoặc một câu "đinh" trong truyện. Tôi xin nêu ví dụ: Nếu như có ai đó không hiểu thông điệp của truyện ngụ ngôn "Con cáo và chùm nho" của Aesop là gì thì hình ảnh con cáo và chùm nho cũng khá ấn tượng để neo vào ký ức của họ. Bên cạnh đó, câu "đinh" của truyện: "Nho còn xanh lắm!" cũng là một điểm nhớ đối với nhiều người. Để một truyện cực ngắn không bị nhạt nhòa hoặc lẫn vào các tác phẩm khác, người viết cần khéo léo "cài cắm" càng nhiều điểm nhớ này vào truyện càng tốt.
- Trong các tác phẩm truyện cực ngắn của mình, có tác phẩm nào mà chị tâm đắc nhất?
Đến thời điểm này, tôi đã viết được hơn 150 truyện cực ngắn nên số truyện mà tôi ưng ý khá nhiều. Nhưng khó có thể tìm được truyện tâm đắc nhất bởi vì mỗi truyện cực ngắn chỉ là một "lát cắt" nhỏ của cuộc sống, chưa phải là một bức tranh toàn cảnh nên không thể so được truyện nào hay hơn. Cũng như người ta không thể so sánh dấu chấm màu đỏ với dấu chấm màu xanh cái nào đẹp hơn vậy.
- Đã có tác giả viết truyện một câu hoặc thậm chí truyện một chữ, chị có ý định thử sức với thể loại này?
Những truyện một câu thường có độ hàm súc rất cao, đòi hỏi người đọc phải tập trung trí não để suy ngẫm xem tác giả muốn nói gì. Còn truyện một chữ thì phải là tác phẩm liên văn bản người đọc mới hiểu. Nghĩa là truyện một chữ này phải dựa trên một tác phẩm nào đó rất phổ biến, nhiều người đọc, nếu không độc giả sẽ không hiểu tác giả viết gì. Mà nếu như vậy, bản thân truyện một chữ đó không đứng độc lập được. Tôi quan niệm tác phẩm văn học không phải là một câu đố trắc nghiệm trình độ hoặc đo sự hiểu biết của người đọc, hơn nữa tôi muốn hướng đến đối tượng độc giả rộng hơn nên có lẽ trước mắt tôi sẽ không dành ưu tiên cho các thể loại này.
- Công việc hiện nay của chị là gì? Công việc này có giúp ích được gì cho chị trong việc sáng tác hay không?
Hiện nay, tôi hoạt động song song trong hai lĩnh vực quảng cáo và kinh doanh bất động sản. Nếu công việc quảng cáo buộc tôi phải luôn động não để có những ý tưởng mới lạ thì công việc kinh doanh bất động sản khiến tôi phải tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống hơn. Ý tưởng và kinh nghiệm sống đều là những yêu cầu tiên quyết để có thể viết truyện cực ngắn.
- Câu hỏi cuối cùng, chị muốn gởi gắm điều gì với độc giả sau mỗi câu chuyện ngắn ngủi của mình?
Như anh biết rồi đấy, cuộc sống hiện đại ngày càng chi phối con người. Mỗi ngày trôi qua với bao nhiêu là áp lực của công việc và nhiều nỗi lo toan khác, đôi khi người ta quên hẳn đi những giây phút cho riêng mình. Truyện của tôi vốn rất ngắn nên tôi nghĩ rằng họ có thể đọc mọi lúc mọi nơi. Có thể là vài phút ngắn ngủi buổi trưa ở văn phòng, bên nhà chờ xe buyt, trên những chuyến xe vội vả trong dịp đi công tác… Tôi muốn mỗi truyện ngắn của tôi là một dấu lặng giữa nhịp sống xôn xao ấy. Chỉ vậy thôi cũng làm là niềm hạnh phúc lớn lao cho người cầm bút.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Tiểu Vũ (Thực hiện)
Nhà văn Trần Hoàng Trúc sinh ngày 27.8.1978, nguyên quán Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp Đại học Marketing, làm biên kịch và copywriter (chuyên viên viết kịch bản phim quảng cáo). Hiện công tác tại một công ty quảng cáo và biên kịch với một số hãng phim trong nước.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Mặt nạ thâm cung (tiểu thuyết - 2012).
- Quả hạnh phúc (101 truyện cực ngắn - 2014).
Giải thưởng văn học:
- Giải khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức năm 2012.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Mặt nạ thâm cung (tiểu thuyết - 2012).
- Quả hạnh phúc (101 truyện cực ngắn - 2014).
Giải thưởng văn học:
- Giải khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức năm 2012.