Tất cả chứng cứ về Hoàng Sa đều do Trung Quốc ngụy tạo sau cuộc xâm lược năm 1974
Chuyển động - Ngày đăng : 07:52, 28/09/2014
Có hai học giả Trung Quốc đáp lại lời yêu cầu của tôi, rằng nếu ai ủng hộ tuyên bố chủ quyền biển Đông của Trung Quốc (TQ) thì phải cung cấp được bằng chứng có thể xác minh sự ủng hộ những lý lẽ của họ.
Đâu là chứng cứ cho bất kỳ tuyên bố chủ quyền biển Đông nào của các quan lại triều đình Trung Hoa thời tiền hiện đại ?
Không hề có bằng chứng nào cho rằng đô đốc Trịnh Hòa hoặc bất kỳ đô đốc nhà Minh nào đã tuyên bố chủ quyền biển Đông.
Khoảng 500 năm trước, người đi biển nói chung chỉ đi ven biển Đông, để tránh nguy hiểm từ những bãi san hô ở trung tâm biển này.
Nếu có tác giả nào biết các tài liệu hoặc chứng cứ chứng minh điều ngược lại, thì đây là lúc để họ thực hiện sự công bố những quy chiếu chính xác.
Sự mơ hồ vẫn tồn tại
Có một vài tài liệu cổ Trung Hoa đề cập “các hòn đảo” nhưng chúng cực kỳ mơ hồ, không liên quan tới các đảo nào và không cung cấp được chứng cứ phát hiện hoặc tuyên bố chủ quyền.
Một số tài liệu chỉ là các bản báo cáo của người nước ngoài đến Trung Hoa, các tài liệu khác đề cập tới những địa điểm bí ẩn và số tài liệu khác là bản sao các bản đồ do người châu Âu vẽ.
Tiến sĩ Li và Tan có nêu một số điểm đặc biệt khác. Đến lượt tôi cần điểm qua từng điểm.
Nhận định rằng Công ước 1887 giữa Pháp và Trung Hoa trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ rõ ràng là sai lệnh và vô căn cứ hoàn toàn.
Công ước này ký tại Bắc Kinh ngày 26.6.1887, đặc biệt chỉ liên quan khu vực Đông Dương mà chế độ đô hộ Pháp gọi là “Tonkin”, khu vực phía bắc mà nay là Việt Nam.
Không phải bằng chứng lịch sử
Tôi rất quan tâm biết thêm nữa về “đá đánh dấu chủ quyền” mà các quan triều đình Trung Hoa được cho là đã đặt tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1902, và đoàn thám hiểm đại dương Trung Hoa đã đặt tại đảo Drummond năm 1907.
Tôi đã điều tra các sự kiện này và không tìm thấy chứng cứ chứng minh các sự kiện đó đã xảy ra.
Đâu là nguồn thông tin gốc mà Tiến sĩ Li và Tan dùng cho những nhận định của họ ?
Càng tìm hiểu tuyên bố chủ quyền biển Đông của TQ, tôi càng thấy họ chỉ dựa vào những nhận định không có quy chiếu, được lập đi lập lại suốt hàng chục năm mà không có chứng cứ cụ thể.
Rõ ràng đó không phải là những tài liệu mang tính trung lập. Chúng chỉ nhằm bào chữa cho cuộc xâm lược.
Những câu trích dẫn chọn lọc
Trong tài liệu của hai học giả Li và Tan có hai chứng minh về việc họ trích chọn lọc những tài liệu lịch sử.
Chứng minh thứ nhất liên quan bức công thư ghi ngày 14.9.1958 của Thủ tướng chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng gởi đồng nhiệm TQ Chu Ân Lai, nhằm đáp lại việc ông Chu ngày 4.9.1958 công bố “Tuyên bố chủ quyền biển” của Bắc Kinh.
Đó là một tuyên bố công khai về quyết định xác lập hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của TQ. Động thái này nhằm chặn tàu chiến Mỹ can thiệp ủng hộ các đồn quân Đài Loan ở các đảo tiền tiêu Kim Môn và Mả Tổ lúc đó bị quân TQ pháo kích.
Vấn đề là đoạn hai của Tuyên bố chủ quyền biển của TQ có cả vùng biển Đông. Toàn văn bức Công thư của ông Phạm Văn Đồng không bác bỏ tuyên bố chủ quyền của TQ, nhưng cũng không tán thành, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tác giả còn trích dẫn sai Tuyên bố Cairo ngày 27.11.1943 thế này: “Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ mà họ đã chiếm bằng bạo lực và lòng tham”.
Nhưng đó không là ngôn ngữ chính xác của Tuyên bố này.
Không hề có đề cập địa danh nào ở biển Đông, ngoại trừ Formosa (Đài Loan) và quần đảo Pescadores (gồm 64 đảo, nằm giữa Đài Loan và TQ) và không hề có “chủ quyền” trên các lãnh thổ khác mà Nhật bị trục xuất.
*Về tác giả: Bill Hayton là tác giả cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu giành quyền lực ở châu Á” (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia) do nhà xuất bản Yale University Press ấn hành. Ông còn là tác giả cuốn sách “Việt Nam: Con rồng trỗi dậy” (Vietnam: Rising Dragon)