“Đột nhập” căn cứ ngầm TQ núp dưới đảo nghỉ dưỡng Hải Nam
Chuyển động - Ngày đăng : 09:00, 02/11/2014
Việc phát triển căn cứ ngầm dưới đảo nghỉ dưỡng Hải Nam là trọng tâm trong chiến lược tàu ngầm TQ, theo Felix Chang, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu chiến lược nước ngoài ở Philadelphia (Mỹ).
Ông Chang nói: “Tôi không nghĩ tuyến hầm ngầm ở Vịnh Yalong lại có thể rộng như sào huyệt của đối thủ của 007. Có lẽ nó nhỏ. Vì việc cào đá và xây trung tâm hỗ trợ rất tốn tiền”.
Đảo Hải Nam đã là một căn cứ tàu ngầm hồi Thế chiến 2 ở phía đông nam đảo Tam Á vốn nay là một điểm đến du lịch. Ông Chang nói: khi đảo Tam Á càng có nhiều công trình xây dựng,NPLA bắt đầu phát triển nhiều căn cứ mới.
Một căn cứ ở phía tây nam có thể dành cho tàu ngầm quy ước, và hai căn cứ ở phía tây vịnh Yalong đến phía tây Tam Á: một căn cứ tàu nổi với hai kè có thể cho phép một tàu sân bay cập ở phía bắc, và một căn cứ ở phía nam dành cho tàu ngầm hạt nhân.
Nhô lên khỏi bờ biển là 4 kè, đủ để 8 tàu ngầm cập kè. Phía nam các kè này là hầm ngầm rộng 16 mét, dẫn vào căn cứ ngầm dưới một ngọn đồi.
Những hang ngầm này cho phép tàu ngầm TQ “vô tư” ra- vào biển Đông, trốn các thiết bị do thám của hải quân Mỹ vốn đã có mặt tại vùng biển này gần 500 năm, theo các nhà phân tích quân sự dẫn hình ảnh vệ tinh chụp khu vực.
Kè nổi tàu ngầm, đối diện là cổng vào căn cứ ngầm dưới ngọn đồi |
Từ các sào huyệt ấy, tàu ngầm TQ có thể trườn lách trong biển Đông, trốn tránh con mắt tọc mạch của máy bay do thám của hải quân Mỹ, theo các nhà quan sát quân sự dẫn hình ảnh chụp khu vực từ vệ tinh.
Theo Washington Post dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trình quốc hội nước này hồi tháng 4, hải quân Quân đội giải phóng nhân dân TQ (NPLA) có 56 tàu ngầm tấn công, gồm 51 chiếc chạy bằng diesel-điện và 5 chiếc chạy bằng hạt nhân.
TQ còn có 3 chiếc tàu ngầm chạy bằng hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo và có thể có thêm 5 chiếc nữa, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Các tàu ngầm này trong năm 2014 sẽ mang loại tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7.400 km, và “sẽ cho phép NPLA có lực lượng ngăn chặn hạt nhân từ biển đáng tin cậy đầu tiên”.
Tầm bắn ấy cho phép tên lửa TQ phóng tới Hawaii nếu phóng từ phía tây Thái Bình Dương, và tới bang California nếu phóng từ giữa Thái Bình Dương, theo Dean Cheng, nhà nghiên cứu an ninh-chính trị TQ thuộc Viện Heritage ở Washington (Mỹ).
Số tàu ngầm này trang bị thủy lôi và tên lửa hành trình chống hạm, sẽ giúp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thực hiện một mục tiêu: quân đội sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng ở các “trận chiến khu vực” trong thời đại thông tin.
Trong kịch bản này, TQ sẽ tung lực lượng tàu ngầm, không quân và hỏa lực tên lửa trên và dưới biển để đánh chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng, với một hệ thống chỉ huy hiện đại, làm chủ công nghệ thông tin và tình báo.
Hạm đội tàu ngầm còn phản ánh nỗ lực của ông Tập: độc chiếm các tuyến hàng hải quan trọng để nuôi dưỡng sức tăng trưởng kinh tế nhằm duy trì sự ổn định cho đất nước của ông.
Theo Washington Post dẫn báo Thanh Niên hồi tháng 3, rằng Việt Nam đã có 3 tàu ngầm chạy diesel lớp Kilo do Nga sản xuất, đến năm 2016 sẽ nhận thêm 3 chiếc nữa. Hợp đồng này ký năm 2009, trị giá 2 tỷ USD.
Việt Nam cũng vừa ký hợp đồng mua 4 tàu chiến Ấn để làm nhiệm vụ giám sát biển Đông, một tuyến vận tải hàng hóa quan trọng của thế giới,mỗi năm đạt 5,3 ngàn tỷ USD.
Hồi tháng 5, TQ ngang ngược đưa giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ cũng xây các căn cứ trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Việc tàu ngầm TQ đã chui qua eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương đã khiến Ấn khó chịu. Ấn Độ dương cũng có nhiều tuyến hàng hải chở 80 % dầu thô từ đến Nhật Bản và TQ.
Thời báo hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo (TQ) ngày 20.10 đã có bài viết: “Nếu bạn lệ thuộc thương mại hàng hải, và nếu bạn không hài lòng việc lệ thuộc một thế lực khác có thể ra lệnh cho bạn tiếp cận các vùng biển, vậy thì bạn sẽ muốn phát triển khả năng riêng để tự bảo vệ các tuyến đường biển”.
Hải quân Ấn đã công bố tàu chống ngầm tự đóng đầu tiên hồi tháng 8, và Thủ tướng Ấn Narendra Modi thề sẽ tăng sức mạnh phòng thủ “để không ai dám tăm tia ánh nhìn quỷ sứ vào Ấn”.
Ấn cũng dự tính tăng cường 15 tàu ngầm cho hạm đội nước này, với khoảng kinh phí 800 tỷ rupee (13 tỷ USD) công bố ngày 25.10. Hồi tháng 9, Ấn đã nhận chiếc máy bay do thám-tuần tra biển P-8I Poseidon.
Sự quan ngại của Ấn tăng lên, khi chiếc tàu ngầm chạy diesel Type 039 lớp Tống cập cảng Colombo (Sri Lanka) hồi tháng 9, vài ngày trước khi ông Tập đến Ấn nói chuyện với ông Modi.
Bộ Quốc phòng giải thích tàu này ghé Colombo để ra Vịnh Aden (ngoài khơi Somalia) để chống hải tặc.
Indonesia tính mua 12 tàu ngầm, theo tuần san quốc phòng HIS Jane’s Defence Weekly.
Úc dự tính thay thế 6 chiếc tàu ngầm chạy diesel mang tên lửa hành trình lớp Collin (chạy diesel). Báo Australian Financial Review ngày 28.10 đưa tin Úc có thể chi 17,6 tỷ USD để mua 12 tàu ngầm mới.
Singapore có 6 chiếc tàu ngầm, đã đặt mua thêm 2 chiếc nữa, còn Đài Loan có 4 chiếc dùng để tập chiến đấu. Họ cũng đang tính tự đóng tàu ngầm với sự giúp đỡ của Mỹ và các nước khác.
Tất cả các hoạt động này đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự, thay cho việc tàu tuần duyên TQ đâm vào thuyền đánh cá của ngư dân các nước láng giềng.
Theo Viện Ngiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), khoản chi quân sự ở châu Á và châu Đại dương đã tăng 3,6 % đạt 407 tỷ USD trong năm 2013. Đây là khu vực duy nhất có mức chi quân sự tăng hàng năm kể từ khi SIPRI bắt đầu thu thập số liệu hồi năm 1988.
Số liệu nêu TQ có mức chi tăng 7,4 % và từ năm 1980 đến năm 2012, chi tiêu quốc phòng của TQ tăng 750%, từ 18 tỷ USD lên 157 tỷ USD. Riêng năm 2013, khoản chi này đạt kỷ lục 188 tỷ USD.
Sĩ quan Mỹ thăm tàu ngầm TQ |
Ông Tập vào ngày 22.9 đã kêu gọi PLA luôn sẵn sàng chiến đấu để thắng “một cuộc chiến khu vực”.
- >> Trung Quốc tính đem cảng dã chiến ra Hoàng Sa, Trường Sa
- >> Trung Quốc đe dọa Ấn Độ vì bán vũ khí cho Việt Nam
Mai Hà (theo Washington Post)