Ấn Độ giúp VN huấn luyện sĩ quan tàu ngầm, phi công Sukhoi

Chuyển động - Ngày đăng : 20:01, 02/11/2014

Trong bài viết India – Vietnam relations: Navigating choppy water, tạm dịch: Quan hệ Ấn - Việt: len lỏi trên sóng biển, nhật báo Hindustan Times nhận định bằng việc hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, Ấn Độ đã chia sẻ sự quan ngại về Bắc Kinh.
Châu Á đang diễn ra cuộc cạnh tranh âm thầm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Giới quân sự nhận định, trong tương lai 20 năm nữa, châu Á chỉ còn duy nhất đủ sức lực kiềm chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Hiện tại, Ấn - Trung đang chơi một ván cờ vây. Trung Quốc đang nỗ lực lôi kéo các quốc gia vây quanh Ấn Độ về phía mình, bao gồm Pakistan, Sri Lanka, Myanmar và Bangladesh. Trong khi đó, Ấn Độ tăng cường hữu hảo với Singapore, Việt Nam và Nhật Bản. Hai quốc gia đang cố dùng ảnh hưởng của mình để tạo một hàng rào vây kín đối thủ.

Hindustan Times nhận định: “Quan hệ Ấn – Việt đang đi đúng hướng. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ đã siết chặt thêm quan hệ mang tính chiến lược quan trọng về kinh tế cũng như chia sẻ những quan ngại về tham vọng của Bắc Kinh”.

“Việt Nam có những điểm tương đồng với Ấn Độ và Nhật Bản, tức cùng có những tranh cãi về chủ quyền với Trung Quốc. Việt Nam tìm đến New Dehli như một đối tác có thể cung cấp cho Hà Nội vũ khí, công nghệ và huấn luyện. Đổi lại, Ấn Độ có được cơ hội tìm kiếm, khai thác năng lượng trên biển Đông”.

“Ấn Độ đáp lại thịnh tình của VN bằng cách gia tăng cấp độ đối thoại lên cấp cao và hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa quân đội. Ấn Độ huấn luyện sĩ quan hải quân VN nhằm đủ năng lực điều khiển các tàu ngầm của Nga và hiện đang xem xét khả năng huấn luyện phi công bay chiến đấu cơ Sukhoi”

Bất chấp những “suy nghĩ mang tính nhạy cảm có thể từ Bắc Kinh”, Ấn Độ đã đồng ý chuyển giao cho Việt Nam 4 chiếc tàu tuần tra để giám sát bờ biển như một phần của khoản tín dụng 100 triệu USD New Dehli dành cho VN.

Dự kiến, Ấn Độ sẽ tiếp tục chuyển giao hỏa tiễn chống hạm tầm ngắn Brahmos cho Việt Nam phòng thủ trên biển. Brahmos với tầm bắn 290 km và có tốc độ siêu thanh Mach3, có thể linh động sử dụng cho bệ phóng trên mặt đất, trên tàu nổi hay từ chiến đấu cơ và được xem là khắc tinh của các chiến hạm Trung Quốc.
Một nguồn tin cho biết Ấn Độ đã đưa Việt Nam vào danh sách "15 quốc gia bạn hữu". Với vị thế này, Việt Nam đáp ứng được điều kiện quan trọng nhất trong thỏa thuận song phương giữa Ấn Độ và Nga để có thể sở hữu hỏa tiễn Brahmos.

L.H.L

Một Thế Giới