Nga đề phòng Trung Quốc, tăng cường quan hệ với châu Á

Chuyển động - Ngày đăng : 19:47, 16/02/2015

Tựa bài này của hãng tin Bloomberg, nêu Nga đề phòng Trung Quốc (TQ) nên tăng cường quan hệ với châu Á, khi bị Mỹ và phương tây bao vây, và Nga đối mặt với một quan hệ khó chịu với TQ, cũng như cần có bạn mới và tăng cường nguồn thu ngân sách.

“Nga không xếp hết trứng vào rổ TQ”

Việc Nga xoay trục về châu Á diễn ra trước cuộc khủng hoảng Ukraine, gồm việc tổ chức hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostock hồi năm 2012.

Theo Bloomberg, tại khu vực châu Á có vài chính phủ không quá lo ngại tình hình khủng hoảng Ukraine, việc ông Putin hướng về châu Á được chào đón nồng nhiệt.

Hãng tin này nói Nga có chiến lược kép: tìm thị trường mới khi kinh tế Nga bị phương tây cấm vận, giá dầu thô giảm mạnh hồi năm ngoái.

Bên cạnh đó, Nga muốn đa dạng hóa nguồn đồng minh, chứ không riêng với đồng minh lớn ở châu Á là TQ.

Theo Bloomberg, Nga đề phòng Trung Quốc, và ông Putin đang ngại mối quan hệ của ông với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đang ngày càng có lợi cho TQ, dù TQ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga hồi năm 2013. 
Andrew Kuchins, chủ nhiệm Chương trình Nga và Á-Âu ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, ở Washington) nói:
“Người Nga đang lo ngại việc quá nghiêng về TQ, nên họ nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn chính trị, và cải thiện quan hệ với nhiều quốc gia châu Á. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến họ nỗ lực tăng tốc xoay trục về châu Á”.
W.P.S. Sidhu, nhà nghiên cứu ở Viện Brookings tại Ấn Độ, nói:
“Nga hướng tầm nhìn về phía đông và điều họ thấy là một kịch bản phức tạp, với một cảm giác là cần cân bằng với TQ. Ai cũng dè chừng khả năng đang trỗi lên của TQ và quan trọng hơn là dè chừng những ý đồ của Bắc Kinh”.
Tầm nhìn của ông Putin về châu Á là những nỗ lực hợp tác quân sự, kích cầu thương mại. Nga đang chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hai chiều trị giá 19,9 tỷ USD năm 2013, tăng 10 % so với năm trước đó, theo ASEAN.

James Brown, một chuyên gia về quan hệ  Nga-Nhật ở đại học Temple ở Tokyo, nói:

“Ưu tiên của Nga là quan hệ với TQ, nhưng Nga cũng không muốn đặt hết trứng vào cái rổ đó.

Đó là lý do tại sao Nga thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, Việt Nam và Nhật cũng có thể vừa với cái hộp này”.
Hồi tháng 5.2014, Nga và TQ đạt một hợp đồng trị giá 400 tỷ USD, qua đó Nga sẽ chuyển nguồn khí đốt qua TQ từ những mỏ khí chưa khai thác ở phía đông Siberia. 
Nhưng dự án này xem ra đang đình trệ, và có thông tin có thể Nga sẽ chuyển tuyến ống dẫn khí qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.  
Nga bị phớt lờ ở châu Âu, nhưng hồi tháng 12.2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với ông Putin, rằng Ấn phản đối chuyện cấm vận Nga.
Nga de phong Trung Quoc
Tổng thống Putin gặp Thủ tướng Ấn Modi 
 Nga nói đã sẵn sàng giao thêm nhiều tàu ngầm chạy bằng hạt nhân cho Ấn, để giúp Ấn đề phòng TQ nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương.

Ấn đã thuê một chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân của Nga với giá 1 tỷ USD từ năm 2012, theo một hợp đồng 10 năm.

Trong khi Nga không thể phớt lờ TQ, Moscow đang làm mới nỗ lực tìm các nước khác ở châu Á để có những đồng minh.

Trong vài tháng qua, Moscow tiếp cận các quyền lực trung bình như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Pakistan.

Hồi tháng 11.2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Bắc Kinh và gặp đồng nhiệm TQ Thường Vạn Toàn. Nga và TQ đồng ý tổ chức tập trận hải quân chung ở Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.

Rồi ông Shoigu trở thành Bộ trưởng quốc phòng Nga đầu tiên thăm Pakistan. Ở đó, ông ký một thỏa thuận hợp tác quân sự với Pakistan.
Tổng thống Putin sẽ thăm Nhật ?

Vào tháng 5.2015, ông Putin sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức ở Moscow.

Ông Tập và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã được mời tham dự và có thể hai người sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng được mời.

Một trong những phần thưởng lớn nhất cho ông Putin, sẽ là một sự giảm thiểu căng thẳng với Nhật, để tạo thế đề phòng TQ.

Nhật đồng minh lớn của Mỹ, cũng áp lệnh cấm vận Nga, đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo Senkaku với TQ (gọi là quần đảo Điếu Ngư) nên sẽ sẵn sàng đón nhận quan hệ tốt hơn với Nga, theo chuyên gia Kuchin của CSIS.
Ngày 12.2.2015, ông Abe đã báo cáo Quốc hội Nhật, rằng ông muốn mời ông Putin thăm Nhật trong năm nay, để đào sâu quan hệ và giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo phía bắc Nhật.

Vụ tranh chấp này khiến hai bên chưa thể ký một thỏa thuận hòa bình kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc.

Cùng ngày 12.2, thứ trưởng ngoại giao Nhật-Nga đã gặp nhau tại Moscow, bàn chi tiết chuyến thăm dự kiến của ông Putin, theo Bộ Ngoại giao Nga.

Nhà phân tích chính trị Matthew Sussex của đại học Tasmania (Úc) nói:

“Thông điệp từ ông Abe là “chúng tôi chờ tình hình Ukraine lắng xuống, rồi chúng tôi sẵn sàng làm việc”.

Anh Thái (theo Bloomberg)

Một Thế Giới