Trung Quốc thách thức Mỹ: coi chừng già néo đứt dây
Chuyển động - Ngày đăng : 20:58, 28/05/2015
Trước những hành động rất ngang ngược của Trung Quốc (TQ) tại Biển Đông, thách thức quốc tế, Mỹ từng bước tăng cường các nỗ lực để kêu gọi sự chú ý đến những hành động khiêu khích và bành trướng của TQ về cơ sở hạ tầng tại Biển Đông, đáp trả việc TQ thách thức Mỹ.
Một trong những nỗ lực của Mỹ là mời kênh CNN tháp tùng một chuyến bay giám sát, và ngay hôm sau, đài này phát một đoạn video trưng chứng cứ TQ xây trái phép căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chuyến bay P-8A Poseidon bị hải quân TQ phát cảnh cáo 8 lần, cùng sự "hăm dọa" từ Bộ Ngoại giao TQ, nơi gọi hoạt động này là "rất vô trách nhiệm và cũng rất nguy hiểm”. Nhưng hành động của Mỹ là hợp pháp và phù hợp.
TQ đang lén lút chiếm phần lãnh thổ của Việt Nam bằng cách nhanh chóng xây dựng đường băng, cảng và các cơ sở hạ tầng khác trên khu đất cải tạo trái phép ở một trong những vùng biển nhạy cảm nhất châu Á.
Khi TQ không chịu dừng hoạt động cải tạo trái phép này, thì cần phải vạch trần vụ việc này ra ánh sáng, do TQ muốn lập sự kiểm soát vùng trời và vùng biển Biển Đông.
Theo các quan chức Mỹ, TQ đã cải tạo trái phép 2.000 mẫu đất kể từ năm 2014 và thu hoạch những rạn san hô trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các video mà Hải quân Mỹ đưa ra cho thấy: hàng chục tàu làm công tác nạo vét đất, khai hoang, cũng như lắp đặt radar và một đường băng mới có sức chứa máy bay quân sự hạng nặng.
Những hoạt động của TQ với quy mô và tốc độ cho thấy sự trơ tráo của Bắc Kinh khi đưa ra yêu sách lãnh thổ, từ chối hòa giải quốc tế.
Dựa trên một bản đồ không rõ căn cứ vào những năm 1940, trong đó gồm chín đoạn đoạn ở phía đông TQ, Bắc Kinh tuyên bố độc chiếm 80% Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng trị giá 5 tỉ USD/năm.
Với tuyên bố ngang ngược này, TQ sẽ tìm cách ngăn chặn các tàu và máy bay khác giữ khoảng cách 200 dặm quanh lãnh thổ mà TQ tự tuyên bố, chứ không phải 12 dặm được Mỹ công nhận.
TQ đã bác bỏ việc Mỹ phản đối TQ xây đảo nhân tạo. Theo nhà báo Simon Denyer của Washington Post, tờ Hoàn cầu thời báo (TQ) đã viết: "Hiện tại, TQ đang ở thế chủ động, và miễn là tới khi TQ có thể hoàn thành việc xây dựng, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ kết thúc vô ích".
Tuy nhiên, những chuyến bay tuần tra, cùng việc Mỹ xem xét đưa thêm tàu chiến đến tuần tra gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã có thể khẳng định rõ: Mỹ bác bỏ tuyên bố của TQ.
Một chiến thuật tương tự của Mỹ và Nhật Bản đã từng dằn mặt TQ, sau khi TQ lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông vào năm 2013.
Sự kiên quyết được Mỹ thể hiện cũng có thể giúp các quốc gia châu Á phản đối tuyên bố và chiến thuật cứng rắn của TQ, điều khiến các nước này do dự trong việc đoàn kết chống lại TQ.
Dù tham lam lập quyền bá chủ trong khu vực, TQ thách thức Mỹ nhưng cũng muốn tránh xung đột lớn với các nước láng giềng và với Mỹ.
Trong quá khứ, họ từng phải rút lui, khi sự cố tình gây hấn trên biển của họ gặp phải sự chống cự.
Một hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực ở Singapore vào cuối tuần này-Đối thoại Shangri-La-cung cấp cho Mỹ và các nước láng giềng của TQ một cơ hội để đẩy lùi những "lâu đài cát" mà TQ xây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tất cả các nước nên tham gia trong việc cùng lên tiếng.
Thảo Hương (Theo Washington Post)