Ông McCain đòi Lầu 5 góc khẳng định giá trị của chuyến tuần tra trên biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 09:48, 12/11/2015

Trước dư luận không hay về việc có thể hải quân Mỹ vô tình củng cố yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cung cấp thêm chi tiết về chuyến tuần tra "tự do hàng hải" mà Mỹ thực hiện hôm 27.10 vừa qua.
Tuần trước, nhiều quan chức Mỹ cho rằng hải quân nước này đã né tránh các cuộc tập trận quân sự trong quá trình đưa tàu USS Lassen tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh một trong những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại biển Đông.
Động thái này theo nhiều chuyên gia Mỹ, có thể hiểu là hải quân Mỹ vô tình củng cố yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông, thay vì thách thức những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh như Washington tuyên bố.
Trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 9.11, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng, việc không gây ra những hiểu lầm về các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ là điều hết sức quan trọng.
Ông McCain viết: “Tôi tin rằng Bộ quốc phòng rất cần công khai nói rõ ý đồ pháp lý phía sau hoạt động này và mọi hoạt động có bản chất tương tự trong thời gian tới”.
Washington tuyên bố không chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo bồi đắp trái phép trên biển Đông, tuy nhiên giới phân tích cho rằng, việc tàu Lassen chỉ đi qua mà không tiến hành tập trận thì có vẻ như không khác bao nhiêu so với tình huống mà Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) gọi là nguyên tắc “đi qua vô hại” (innocent passage).
Thượng nghị sĩ McCain yêu cầu Bộ trưởng Carter giải thích rõ những tuyên bố mang tính thách thức từ chuyến tuần tra của tàu Lassen và có phải tàu khu trục USS đã hoạt động theo nguyên tắc “đi qua vô hại” hay không.
Lầu Năm Góc hiện vẫn chưa trả lời chất vấn của Thượng nghị sĩ John McCain.
"Đi qua vô hại" là hành động mà một chiếc tàu của nước này nhanh chóng đi qua vùng lãnh hải của nước khác và chỉ có thể diễn ra trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. 
Vì vậy, nếu tàu chiến Mỹ "đi qua vô hại" trong vòng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), thì đồng nghĩa với việc Mỹ công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc quanh các hòn đảo phi pháp đó.
Thiên Hà (theo News Week)

Một Thế Giới