Nhiều hồ chứa thủy điện gặp khó vì thiếu nước trầm trọng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 04:45, 17/03/2016

Tính đến ngày 11.3.2016, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện khá thấp, tổng lượng nước còn lại là 23,4 tỉ m3 (tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ). Trong đó lượng nước của các hồ khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Đó là thông tin đượcTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố ngày 16.3 trong Báo cáo “Tình hình hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh tháng 2.2016”.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện trên toàn hệ thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hồ thủy điện trên địa bàn từ Thanh Hóa trở vào (hầu hết các hồ khu vực này không xuất hiện lũ và tổng lượng nước về thiếu hụt khoảng 40-60% so với trung bình nhiều năm).

Trong khi hiện tại, hệ thống điện quốc gia có 81 nhà máy thủy điện đang vận hành (chỉ tính các nhà máy có công suất đặt trên 30 MW) với tổng công suất khoảng 15.570 MW, chiếm 40,4% công suất đặt toàn hệ thống (38.500 MW). Trong đó chỉ có 38 hồ có khả năng điều tiết nước phục vụ phát điện, tưới tiêu và cấp nước hạ du trong cả mùa khô với tổng dung tích hữu ích là 33,01 tỉ m3.

Trước tình hình đó, EVN phải huy động các nguồn nhiệt điện than, tua-bin khí, dầu, hạn chế huy động các nhà máy thủy điện để tích nước sớm. Tuy nhiên đến ngày 31.12.2015 nhiều hồ vẫn không thể tích lên mực nước dâng bình thường, tổng lượng nước tích được trong các hồ chứa trên toàn hệ thống chỉ đạt 27.37 tỉ m3, tương đương 83% dung tích hữu ích các hồ.

Cũng theo EVN, hiện nay các nhà máy thủy điện trên các khu vực miền Trung và miền Nam đang được vận hành chủ yếu theo yêu cầu cấp nước cho hạ du.

Tính đến ngày 11.3.2016, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện khá thấp, tổng lượng nước còn lại là 23,4 tỉ m3 (tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ). Trong đó lượng nước của các hồ khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hồ có mức nước thấp hơn. Ví dụ như Hủa Na thấp hơn 3,29m; Bình Điền: 3,75m; A Vương: 3,43m; Vĩnh Sơn: 3,31m, Pleikrong: 4,65m; Kanak: 2,92m; Buôn Tua Srah: 1,3m; Đồng Nai 3: 6,15m; Đăk Rinh: 1,92m; Thác Mơ: 2,37m; Hàm Thuận: 3,11m; Đại Ninh: 4,24m, Trị An 4,22… Đặc biệt là hồ Ialy thấp hơn tới 12,60m, hồ Cửa Đạt là 14,6m.

Trong 2btháng đầu năm 2016, EVN đã tiến hành 2 đợt xả nước phục vụ gieo cấy (đợt 1 và đợt 3). Tổng thời gian lấy nước là 8,5 ngày, thời gian xả nước là 11,25 ngày. Tổng lượng nước xả trong cả 2 đợt là 3,03 tỉ m3 (từ hồ Hoà Bình: 2,06 tỉ m3, Thác Bà: 0,40 tỉ m3, Tuyên Quang: 0,57 tỉ m3), lưu lượng xả nước trung bình khoảng 2.950m3/s. Trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội được duy trì đúng yêu cầu.

Về tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đối với các dự án dự kiến phát điện năm 2016 như: Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Sông Bung 2 và Nhiệt điện Duyên Hải 3, công trường đang thi công bám sát tiến độ đề ra. Các dự án trọng điểm khác như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình và Thủy điện Thác Mơ mở rộng cũng đang thi công đúng tiến độ.

Về lưới điện: Trong tháng 2/2016 đã hoàn thành đóng điện 2 công trình 220kV (nâng công suất các trạm biến áp 220kV Tuy Hòa và Krongbuk). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016 đã hoàn thành đóng điện 7 công trình 220kV.

Thực hiện đầu tư xây dựng và tình hình giải ngân, EVN cho biết, trong tháng 2.2016, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư toàn tập đoàn ước đạt 8.000 tỉ đồng. Lũy kế 2 tháng năm 2016, ước giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư đạt 16.198 tỉ đồng, trong đó giá trị giải ngân đạt 12.978 tỉ đồng.

Hoàng Long

Một Thế Giới