Ông bà nội 5 năm cõng cháu đến trường

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:09, 13/10/2014

“Suốt 5 năm qua, ông đã cõng cháu đến trường, bà cầm tay nắn nót cho cháu những chữ cái vỡ lòng...”, đó là những dòng tâm sự mộc mạc trong lưu bút Nhi viết về ông bà nội.

Đôi chân teo nhỏ, hai tay đơ cứng vì dị tật bẩm sinh, thế nhưng điều đó không ngăn được khao khát tìm đến con chữ của Nguyễn Thị Nhi, học sinh lớp 5A2, trường Tiểu học Phú Riềng A, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập, Bình Phước).

5 năm trên lưng ông nội đến trường, chưa năm nào Nhi để tuột danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Không thể cầm bút nhưng vẫn muốn viết

Đến tuổi đi học, thấy đám bạn về nhà kể chuyện, tập đọc, tập viết, Nhi cũng đòi ông bà đưa đến lớp. Thấy cháu không thể tự đi đứng, thương cháu nên ông bà cũng chiều theo.

5 năm đi học, ngày nào ông nội cũng đưa Nhi đến trường bằng xe đạp. Những hôm trời mưa lớn, hai ông cháu chật vật mãi mới tới trường, nếu không cẩn thận chân Nhi dễ kẹt vào bánh xe. Cơ tay cứng, khó cử động nên cầm bút viết với Nhi vô cùng khó khăn.

 “Lúc đầu cầm viết tay mỏi nhừ, nhiều lúc còn bị chuột rút, đau nhức, em phải gồng hết sức mới viết được. Mấy tháng sau, em mới cầm viết thành thục và tập tô chữ cái. Mỗi ngày, em tập viết một chữ cái. Bây giờ viết chữ không còn khó khăn, em có thể vẽ tranh nữa” - Nhi kể lại thời gian đánh vật với con chữ của mình.

Ông Nguyễn Quang Danh -  ông nội của Nhi chia sẻ: “Khi Nhi 3 tuổi, gia đình lo lắng vì cháu chưa biết lật, bò, nói... Đưa đi khám thì bác sĩ cho biết cháu bị khuyết tật bẩm sinh, tỷ lệ thương tật là 86%, mức độ đặc biệt nặng và cơ hội chữa trị gần như bằng không.
Sau khi biết con gái bị liệt, cha mẹ Nhi chán nản, cãi vã nhau rồi ly dị. Chúng tôi đưa cháu về nuôi. Suốt 3 năm, nghe ở đâu có phương pháp tập vật lý trị liệu hay là ông cháu lại khăn gói đến mong “còn nước còn tát”.

Đi khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh tìm bác sĩ giỏi để chữa trị, 1,3 ha rẫy của gia đình cũng theo đó mà đi. Ngoài thời gian tập ở bệnh viện, về nhà, ông bà luôn an ủi, động viên tinh thần cháu.

Chúng tôi còn tập cho cháu cầm, nắm các vật dụng trong nhà để làm quen các thao tác cử động. Nhờ vậy mà cháu tiến bộ nhiều.

Cháu sẽ cõng ông bà như ông hôm nay đã cõng cháu

Không thể chạy nhảy, vui chơi như các bạn đồng trang lứa, đổi lại Nhi có niềm vui riêng là vẽ tranh bằng bút chì màu. Những bức tranh Nhi vẽ tuy chưa mềm mại như những đôi tay lành lặn khác nhưng bức tranh nào cũng mang sắc màu tươi vui, thể hiện về cuộc sống, bạn bè, gia đình...

Năm học 2012-2013, Nhi được UBND huyện Bù Gia Mập tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào vượt khó học giỏi. Năm học 2013-2014, Nhi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen về tinh thần vượt khó, chăm ngoan, học giỏi. Em là tấm gương để nhiều bạn lành lặn, sống trong tình thương yêu của cha mẹ học tập, rèn luyện  học tốt hơn nữa. 

“Em luôn mơ ước có một gia đình như các bạn, có ông bà, cha mẹ. Hàng ngày, cha đưa đến trường rồi đón về. Mẹ ở nhà nấu cơm chờ hai cha con về ăn, rồi cầm tay nắn nót cho em nét chữ đầu đời” - Nhi nghẹn ngào tâm sự.

Nhi ý thức được bệnh của mình và để bớt gánh nặng, khi ông bà vắng nhà, Nhi lấy nạng gỗ tự đứng lên tập đi. Không nhớ bao lần lăn ngã, Nhi lại gắng gượng dậy đi tiếp bằng nghị lực của mình.

“Em cố gắng học giỏi để sau này trở thành bác sĩ, tìm được việc làm ổn định đỡ đần ông bà nội. Không có ông bà thì em đã không được đến trường” - Nhi chia sẻ mơ ước của mình.
“Suốt 5 năm qua, ông đã cõng cháu đến trường, bà cầm tay nắn nót cho cháu những chữ cái vỡ lòng. Cháu sẽ tập đi và một ngày nào đó sẽ tự tới trường bằng chính đôi chân của mình để ông bà không phải vất vả vì cháu. 
Sau này ông bà già yếu, cháu sẽ cõng ông bà như ông hôm nay đã cõng cháu”, đó là những dòng tâm sự mộc mạc trong lưu bút Nhi viết về ông bà nội.
Ong ba noi 5 nam cong chau den truong
5 năm ông nội cõng Nhi đến trường

   Theo Ngân Hà (BPO)

Một Thế Giới