Thầy giáo bị ung thư di căn nuôi hai con mắc bệnh hiểm nghèo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:35, 20/10/2014
Cứ tưởng cuộc sống sẽ mỉm cười với thầy giáo trẻ này, nhưng trớ trêu thay, giờ đây bản thân thầy đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi đã di căn lên não.
Bất hạnh này chồng lên bất hạnh khác khi thầy còn 3 con nhỏ, trong đó, một cháu 7 tuổi bị bệnh não, sống thực vật và một cháu 4 tuổi bị suy giảm tiểu cầu mãn tính.
Trong một cuộc điện thoại ngắn ngủi với tôi, từ khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị Thúy - vợ thầy giáo Phạm Văn Chính, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Khánh (Bắc Hà) cho biết, anh Chính vừa mổ 2 khối u ở hai bên thái dương và liên tục đòi xuất viện về nhà.
Theo lời kể của chị Thúy, anh Chính bị ung thư phổi đã bị di căn lên não. “Còn nước còn tát” - không thể để anh ra đi như thế, chị và gia đình đang vay mượn để chữa trị cho anh.
Chị bảo: “Còn người thì còn của”, nhưng anh Chính cứ một mực đòi về vì lo “ở đây lâu sẽ tiêu hết tiền, không có tiền để chữa bệnh cho các con”.
Chúng tôi tìm đến gia đình thầy giáo Phạm Văn Chính ở thôn Km 3, xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai). Ngôi nhà gỗ của vợ chồng anh vẫn khóa cửa im ỉm. Ở kế bên là nhà bố mẹ vợ thầy giáo Chính, các con của thầy đang được ông bà trông nom tại đây. Không khí ảm đạm bao trùm lên cả ngôi nhà, mặc dù có 3 - 4 đứa trẻ đang ngồi chơi nhưng không một tiếng cười đùa.
Tiếp tôi là bà Bùi Thị Hợi - mẹ vợ của thầy giáo Chính. Bình thường, bà vẫn khỏe mạnh, làm được việc nhà và trông cháu, nhưng từ hôm đột ngột nghe tin con rể bị bệnh hiểm nghèo, bà bị tăng huyết áp rồi ngất, suy nhược và điều trị từ đó tới giờ. Được biết, hoàn cảnh của thầy giáo Phạm Văn Chính vô cùng éo le.
Anh Chính bị ung thư phổi đã bị di căn lên não,
nhưng cứ một mực đòi về vì lo “ở đây lâu sẽ tiêu hết tiền, không có tiền để chữa bệnh cho các con”.
Thầy Chính và em trai được một người bác ruột chăm sóc, lớn lên, học Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai với mong muốn có nghề nghiệp để thay đổi cuộc sống. Giống như bao người khác, thầy giáo Chính lấy vợ, sinh con, có cuộc sống riêng để hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, đồng lương giáo viên thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên khi con trai đầu lòng mới được 13 tháng tuổi, người vợ đầu tiên đã bỏ hai bố con ra đi.
Hai bố con lang thang thuê nhà, rồi ở tập thể của nhà trường. Sau này, thầy giáo Chính làm quen và kết hôn với chị Thúy, là người vợ hiện tại. Tưởng rằng cuộc sống của thầy từ nay sẽ đổi thay, bước sang trang mới, nào ngờ may mắn không đồng hành với số phận.
Năm 2007, hai vợ chồng thầy Chính sinh cháu Phạm Quốc Thái thì bị bệnh não, sống thực vật cho đến giờ. Đến năm 2000, hai vợ chồng tiếp tục sinh cháu thứ 2 là Phạm Vũ Anh Khoa. Cháu Khoa sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm, nhưng được hơn 2 tháng tuổi, trên người cháu mọc nhiều nốt mẩn đỏ.
Ban đầu, gia đình tưởng cháu bị dị ứng, điều trị mãi không khỏi, đưa đi khám mới biết cháu bị xuất huyết tiểu cầu mãn tính. Cứ một tháng vài lần, khi thấy trên da cháu xuất hiện những vết thâm tím thì vợ chồng thầy Chính lại khăn gói tức tốc đưa con xuống Viện Huyết học để điều trị.
Không bi quan trước số phận, hằng ngày, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở trường, thầy Chính thường xuyên phụ giúp vợ bán nước trà đá trước cổng đền Bắc Hà. Hai vợ chồng luôn tay, luôn chân gom góp, chắt chiu từng đồng để lấy tiền chữa bệnh cho các con.
Bà Bùi Thị Hợi chia sẻ, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái bệnh tật, nhưng con rể của bà vẫn luôn lạc quan: “Con không sao đâu mẹ ạ! Con sẽ làm tốt để nuôi dạy các con!”.
Câu nói như thỏa tấm lòng bà, nhờ thế mà bà và gia đình cũng có thêm niềm tin để hy vọng. Tâm sự với tôi, không giấu nổi những giọt nước mắt, bà bảo có sống cùng mới biết, thầy giáo Chính phải nghị lực lắm mới vượt qua được tất cả những bất hạnh cho đến ngày hôm nay. Thương con, thương cháu nhưng nhà nghèo, ông bà cũng chẳng biết phải làm thế nào. Lau vội giọt nước mắt, bà bất lực nhìn về phía trước.
Thầy giáo Lê Thanh Tuyến, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Khánh cho biết: Thầy giáo Chính là người nhiệt tình trong công việc, có chuyên môn tốt, thường xuyên được nhà trường phân công dạy các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi. Với đồng nghiệp trong trường, thầy Chính luôn là người hòa đồng vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Trần Phương (theo LCĐT)