Nhọc nhằn đời nữ phu kéo xe, cửu vạn chốn chợ đêm

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:00, 28/07/2015

Kéo xe, bốc vác là công việc không phải người đàn ông nào cũng dám làm. Thế nhưng không ít phụ nữ chọn công việc nặng nhọc này mưu sinh. Để có tiền, các nữ phu xe, nữ cửu vạn ở các chợ đêm phải oằn lưng, è cổ lao động thâu đêm tới sáng.

Thân “cò” lam lũ trong đêm

Bất chấp trời đêm mưa lâm thâm, chiếc xe tải chở rau quả từ Khánh Hòa vừa đỗ xịch tại bãi đất trống trước khu B chợ nông sản Thủ Đức (NSTĐ), Q.Thủ Đức, TP.HCM, không ai bảo ai, từng tốp người nhổm dậy choàng vội tấm áo, đẩy xe cút kít... tất bật chạy tới. Xen lẫn cánh đàn ông sức dài vai rộng là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, cũng trắng đêm oằn lưng bốc vác, kéo hàng.

Những người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên thùng xe, tháo tấm bặt che rồi đẩy hàng ra phía sau đuôi, số còn lại thì đẩy xe đợi sẵn dưới đất chờ bốc hàng. Chị Nguyên Thị Thơm (SN 1986, quê Sóc Trăng, một người có thâm niên 6 năm trong nghề) cho biết: “Mỗi lần cửu vạn xuống hàng, phu xe phải giữ càng xe đẩy thật chặt. Lỏng tay là chiếc xe có thể bật ngược trở lại, đập vào người phía trước vỡ mặt như chơi. Hoặc chỉ cần lơ đễnh một chút, xe bung càng, hàng rớt xuống chân mình, rất nguy hiểm”.

Đủ hàng, các “nữ kéo thủ” ghì chặt càng xe, bặm chân, nhoài người về phía trước lấy đà lôi chiếc xe cút kít bắt đầu chuyển đến từng ki ốt trong chợ. Khó nhất của phu xe là lúc kéo lên dốc. “Mình phải biết thế để kéo làm sao cho chiếc xe có trớn chạy lên, nếu không chiếc xe sẽ ì lại, rất nặng”, chị Thơm cho biết thêm.
Nhoc nhan doi phu keo toc dai muu sinh cho dem-hinh-anh-1
 Phu kéo xe miệt mài với cuộc mưu sinh
Sau năm bảy tua “cõng”, kéo hàng, ai nấy đều “nóng trong người”, mồ hôi túa ra mặn chát chảy ròng ròng trên từng khuôn mặt khắc khổ. Những người mới vào nghề, chỉ sau chục “tua” kéo hàng, đôi tay và lưng mỏi rã rời, có lúc phồng rộp. Khổ nhất là lúc kéo xe vào các đường nhỏ, luồn lách qua các sạp hàng, chỉ cần lệch tay là có thể làm đổ hàng của người khác.

Để đi giao hàng, mỗi phu xe được người quản lý giao mảnh giấy ghi tên và loại hàng cần bỏ của các vựa. Tuy nhiên, chợ NSTĐ có hàng trăm sạp hàng, để nhớ thứ tự, vị trí các ô sạp trong chợ này không phải chuyện dễ. Tùy theo loại rau, củ, quả, người ta trả cho phu xe từ 70 ngàn đồng đến 86 ngàn đồng/tấn; tiền bồi dưỡng từ 15 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/tấn. Ở chợ đêm, các phu kéo làm rơi hoa quả xảy ra như cơm bữa. May mắn thì họ chỉ bị la rầy, nặng hơn sẽ bị trừ tiền công. Khoảng 23 giờ đêm hôm trước đến gần sáng hôm sau, xe đổ về chợ động nhất nên cánh cửu vạn, phu xe làm không ngớt tay. Không ai muốn thức trắng cả đêm nhưng vì miếng cơm manh áo, tiền phòng trọ, tiền học hành của con cái... họ đành gác lại giấc ngủ, lấy đêm làm ngày tất tả mưu sinh.

Mệt không dám nghỉ

Có thức cùng cánh phu xe, cửu vạn, chúng tôi mới thấm thìa nỗi vất vả của họ.

Tuy đôi mắt họ thâm quầng, khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ nhưng đôi chân rã rời của họ vẫn cố lê từng bước, đôi tay vẫn kéo những thùng hàng cồng kềnh, nặng trĩu... Có người vừa kéo vừa ngáp, cũng có người gục trên những chiếc xe cút kít trong khi chờ chất hàng.

Dưới ánh sáng tờ mờ của ánh đèn chợ, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1975, quê Trà Vinh) đang dạng chân cố lấy đà đưa bao tải rau to gấp đôi cơ thể mình lên vại. Chị lò dò đi từng bước. Chốc chốc, đôi mắt chị lại nhắm nghiền, miệng ngáp ngắn ngáp dài. Đưa tay quệt mồ hôi chị Thu thanh minh: "Thức đêm triền miên nhưng nhiều lúc buồn ngủ không chịu được. Tối nào đi làm tôi cũng mang theo chai nước trà đặc bên mình, lúc buồn ngủ vẫn có cái để chống chọi. Làm đêm riết không có cà phê nước trà thì chào thua”.

Nhà nghèo, không ruộng đất, ở quê lại không có ai kêu làm thuê, hơn bốn năm nay vợ chồng chị cùng ba đứa con lên TP.HCM mướn nhà trọ gần chợ NSTĐ để tiện đi làm. Trừ những lúc ốm nặng, còn nếu đau ốm nhẹ vợ chồng chị phải gắng gượng đi làm. Hôm nào bận việc, vợ chồng chị phải nhờ người khác kéo dùm để giữ mối. Vợ chồng chị làm quần quật suốt đêm với mong muốn kiếm ít vốn để làm ăn nhưng chi phí sinh hoạt ngày càng cao nên ước muốn chuyện sang nghề khác vẫn còn quá xa vời.
Nhoc nhan doi phu keo toc dai muu sinh cho dem-hinh-anh-2
Họ hối hả làm việc để giữ uy tín với chủ hàng

Cách đó không xa, chị Lê Thị Nhung (SN 1981 quê Bình Phước) hì hục nhấc từng thùng trái cây vài chục ký chất lên xe rồi gồng người đẩy hàng trên nền đất ghồ ghề, trơn trượt. Hết chuyến hàng này, chị lại quay vào đẩy chuyến khác. Đêm se lạnh, nhưng chỉ trong phút chốc, mồ hôi đổ ròng ròng, thấm đẫm thân hình người phụ nữ gầy gò, nhỏ thó. Đôi tay chị chai sạn, nổi những đường gân ngoằn ngoèo. Chị cười trải lòng: “Làm nghề này cực lắm. “Cày” quần quật từ đầu hôm đến rạng sáng cũng được từ 150 đồng đến 200 ngàn đồng.

Làm mệt về đến nhà rã rời chân tay, ăn qua loa rồi lăn ra ngủ, đâu còn thời gian mà chăm sóc cho mình. Có nhiều bữa đau cũng không dám nghỉ... mình mà nghỉ thì lấy gì nuôi các con và cha mẹ già ở quê. Dứt lời, chị Nhung kéo chuyến hàng nặng phải vượt qua một đoạn dốc. Chị lấy trớn lui xe về phía sau, tay đẩy nhẹ càng kéo chân trụ đạp mạnh một cái kéo nảy xe hàng về phía dốc. Hực, bánh xe kéo dừng một nhịp ngay đỉnh dốc. Mấy kiện hàng phía đuôi xe giật ngược như muốn nhấc chị lên. Chị ghim càng, chúi thấp người về phía trước rồi bặm môi, dồn sức kéo chiếc xe đầy hành củ vẻ hướng chợ. Chị Nhung không nhớ được mỗi đêm kéo bao nhiêu chuyến hàng. Chỉ biết cứ xe đến là kéo.

Một số “nữ kéo thủ” cho biết: “Kéo xe hàng cồng kềnh, nặng phải có nghề chứ không dễ bị té, nhất là lên xuống dốc, gặp đường xấu, đụng nhau là thường xuyên. Nhiều người làm hỏng hàng đắt tiền như nho, táo - phải bỏ tiền túi ra đền cho chủ mối. Có đêm hàng ít chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Bên cạnh những phụ nữ lớn tuổi, tại chợ NSTĐ, không ít cô gái tuổi đôi mươi cũng làm phu xe. Trần Hồng Nga (SN 1992, quê An Giang) cho biết: “Em làm công việc này được sáu năm rồi. Tuy vất vả phải làm đêm, không có các chế độ như ở công ty nhưng được cái thoải mái, không bị gò bó”. Thế nhưng theo Nga, làm nhiều nên cánh tay ê buốt, nhiều hôm về mỏi vai và đau đầu gối. Ban đêm ngồi chờ xe hàng, mắt thâm quầng nhưng cũng phải gắng lắm. Anh Hoàng Văn Hưng, làm nghề kéo xe từ khi chợ mới thành lập kể: “Tại đây nam kéo bao nhiêu thì nữ cũng kéo bấy nhiêu. Nam giới như chúng tôi nhiều khi còn đuối nói gì đến các chị, các bà”.

Sáu giờ sáng, chợ NSTĐ bắt đầu vãn khách cũng là lúc đội ngũ kéo xe ra về. Một ngày mới lại bắt đầu với nhiều người lao động khác, nhưng với những người làm nghề kéo xe thì lại bắt đầu với giấc ngủ sau một đêm dài làm việc mệt nhọc. Cũng có không ít người chỉ cho phép mình được ngủ qua loa rồi lại tìm kiếm những công việc làm thêm khác, lao động liên tục cho tới đêm hôm sau. Cuộc sống mưu sinh của những người phụ nữ cứ thế xoay vòng theo năm tháng.

Theo Công an TP.HCM


Một Thế Giới