Bài cuối: Sống cực như chết
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:28, 14/04/2015
Làm ngày 12 tiếng, ăn cơm với rau
Người đi trước rủ người đi sau, bạn bè kéo nhau đi…cứ như thế, hàng trăm lao động tại các vùng quê nghèo Nghệ An lần lượt kéo nhau sang Trung Quốc làm việc.
Cuộc sống chui lủi từ lúc sang Trung Quốc làm việc của lao động Việt. |
Anh Ý cho biết, anh được ‘cò’ môi giới cho vào làm cùng với 7 người Việt Nam và 4 người Trung Quốc trong một xưởng lắp ráp đồ điện tử. Công việc rất vất vả, bữa cơm chỉ toàn đậu phụ với rau xanh nhưng lại luôn phải làm việc quần quật trên 12 tiếng mỗi ngày. Đã có rất nhiều trường hợp vừa qua làm chưa được 1 tuần đã phải mượn tiền để về vì không thích ứng được khi ở đây.
Vì là lao động bất hợp pháp nên người lao động không được ‘cò’ và chủ bảo lãnh, giấy tờ duy nhất mà mỗi lao động Việt Nam có khi qua Trung Quốc làm việc là một chứng minh nhân dân mang tên tiếng Trung.
Nơi làm việc cũng là nơi để sinh hoạt hằng ngày của các công nhân. Ngoài lúc làm việc, mọi người cũng chỉ biết ngủ và ngồi nói chuyện với nhau chứ không ai dám đi đâu vì sợ bị công an ‘tóm’.
“Thậm chí nhiều lúc đang làm việc cũng phải rất đề phòng, hễ thấy tiếng động ở phía ngoài là mọi người một hướng mà bỏ chạy. Lúc mới sang, xưởng này có 15 người nhưng đã bị công an bắt mất 4 người rồi”, anh Ý cho biết.
Trung bình mỗi lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc sẽ được chủ trả từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng, nhưng phải làm việc quần quật 12 tiếng mỗi ngày. Không có giấy tờ, không hiểu tiếng lại sợ bị công an bắt giữ nên mỗi ngày họ chỉ có thể làm việc, ăn, nghỉ ngơi ngay trong xưởng.
Ánh mắt vẫn còn lộ rõ những vẻ mặt hãi hùng khi nhắc tới chuyến đi làm thuê bên Trung Quốc. Anh Nguyễn Đức Tình (27 tuổi, trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) kể: “Sau khi nhận tiền phần trăm, những người tổ chức đưa chúng tôi qua đây làm việc liền bàn giao người cho chủ Trung Quốc rồi mất tích luôn, chẳng bao giờ quay lại hay hỏi thăm chúng tôi một lần nào nữa. Lao động Việt Nam luôn bị các ông chủ quản thúc rất chặt và chửi bới rất thậm tệ”.
Làm được 2 tháng, không chịu nổi kham khổ, anh Tình xin ứng lương lấy tiền bắt xe về nước.
Đánh cược tính mạng
Giữa tháng 5.2014, khi mà Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào biển Đông, tình hình hai nước trở nên căng thẳng, lao động Việt Nam lại phải ‘bỏ của chạy lấy người’ vì lo sợ.
Đa số họ đều phải vay mượn tiền để có thể được về nước vì không được chủ trả lương do nghỉ làm giữa chừng.
Anh Thông phải khăn gói vào SG kiếm việc sau chuyến đi chui Trung Quốc nhớ đời. |
Anh Thông cho biết, rất nhiều lao động Việt Nam khi bị cảnh sát Trung Quốc rượt đuổi phải sống cảnh cơ cực chui lủi trong rừng suốt nhiều ngày liền. Nhiều người bị bắt, phải vào làm việc cực nhọc không lương trong các trại cải tạo 3 tháng rồi mới được trả về. Tất cả những chuyện này, lao động Việt Nam khi sang đây chỉ biết cầu trời chứ không thể nhờ ai giúp đỡ được.
Việc vượt biên mà không cần một loại giấy tờ hợp pháp, không có sự phê chuẩn của cơ quan nhà nước, không chịu sự bảo hộ của tổ chức… đã dẫn đến nhiều trường hợp rủi ro.
Đã có rất nhiều lao động Việt Nam làm ‘chui’ tại Trung Quốc bị bắt mà không được một ai bảo lãnh, nhiều lao động bị chủ quỵt lương nhưng không biết làm gì, thậm chí là đã có những trường hợp phải bỏ mạng lại nơi đất khách.
Cái chết mới đây nhất của anh Phạm Công Hoan (28 tuổi, trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã khiến cuộc sống ở vùng quê nghèo trở nên hoang mang. Sau hơn 1 tháng cầu cứu khắp nơi, nhờ vả những người quen biết cùng đi làm với anh Hoan ở Trung Quốc nhưng gia đình vẫn không thể đem thi thể của anh về quê mai táng được.