Trung Quốc dẹp trại phục hồi nhân phẩm dành cho gái mại dâm

Quốc tế - Ngày đăng : 08:20, 30/12/2019

Quốc hội Trung Quốc hôm thứ bảy đã bỏ phiếu bãi bỏ hệ thống “giam giữ và cải tạo” (một dạng của trại phục hồi nhân phẩm) vốn cho phép cảnh sát giữ người bán dâm và khách làng chơi trong hai năm mà không thông qua xét xử.

Các nhà phê bình nói rằng hệ thống tồn tại gần ba thập kỷ này không liên quan nhiều đến giáo dục. Bà Shen Tingting, thuộc Asia Catalyst, một tổ chức phi chính phủ làm việc với các nạn nhân bị thiệt thòi trong lĩnh vực này coi việc “hủy bỏ hệ thống này là một bước tích cực”.

Hệ thống giam giữ tùy tiện sẽ chấm dứt kể từ hôm qua 29.12, và những người bị giữ ở các trung tâm giáo dục kiểu trên được phóng thích ngay lập tức, Tân Hoa Xã đưa tin. Đã có sự thúc đẩy công khai để đóng cửa các trung tâm kể từ khi Quốc hội Trung Quốc đã bãi bỏ “hệ thống trại lao động cải tạo” năm 2013.

Các trại lao động – vốn được giới thiệu như một cách nhanh chóng để xử lý những tội phạm ít nghiêm trọng – từ lâu đã vấp phải sự chỉ trích bởi các nhóm nhân quyền, nên thực tế đã phải đóng cửa năm 2013.

Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn có quyền bắt giữ gái mại dâm và khách làng chơi đến trại giáo dục. Điển hình là năm 2014, cảnh sát tuyên bố nam diễn viên nổi tiếng Huang Haibo bị đưa vào trại giáo dục cải tạo vì đã dụ dỗ một gái mại dâm. Điều đó đã tạo ra bất đồng quan điểm hiếm hoi trên truyền thông nhà nước sau đó. Giờ mọi thứ đã ngã ngũ khi cóquyết định đóng cửa các trung tâm giáo dục cải tạo dành cho gái mại dâm và khách làng.

Mặc dù bị coi là bất hợp pháp, tình trạng mại dâm vẫn phổ biến ở Trung Quốc, với ước tính khoảng vài triệu gái mại dâm. Theo luật hiện hành, gái mại dâm và khách làng chơi có thể bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ (714 USD) và phải đối mặt với án 15 ngày giam giữ.

Luật pháp và chính sách của Trung Quốc tập trung vào việc cấm và trấn áp hoạt động mại dâm hơn là cung cấp một khuôn khổ để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của hoạt động mại dâm như một nghề, bà Shen nói.

Theo BBC, đây là một thay đổi đáng chú ý trong hệ thống luật của Trung Quốc. Trước đó, công an có quyền bắt giữ và đưa người bán dâm/mua dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm đến 2 năm. Tại đấy, họ có thể bị bắt gia công đồ chơi, hàng hóa gia dụng như một hình phạt.

Do vậy, không hiểu động thái từ Trung Quốc trong việc đóng cửa các trại giáo dục kiểu “phục hồi nhân phẩm” này có liên quan gì đến vụ tấm thiệp Giáng sinh hay không. Cách đây hơn tuần, tập đoàn siêu thị khổng lồ của Anh, Tesco đã đình chỉ hợp tác với một nhà cung cấp thiệp Giáng sinh của Trung Quốc sau khi một khách hàng tìm thấy trong thiệp lời nhắn rằng những tấm thiệp này được làm bởi tù nhân nước ngoài ở Trung Quốc đang là nạn nhân của lao động cưỡng bức.

Sunday Times cho biết thông điệp bên trong tấm thiệp được một bé gái 6 tuổi, Florence Widdicombe, ở London phát hiện có nội dung: Chúng tôi là tù nhân nước ngoài tại nhà tù Qingpu (Thượng Hải, Trung Quốc). Bị ép phải làm việc trái với ý muốn của chúng tôi. Xin hãy giúp chúng tôi và thông báo cho các tổ chức nhân quyền”.“Hãy liên hệ với ông Peter Humphrey”.

Humphrey và bà vợ người Mỹ Yu Yingzeng đều bị kết án tại Trung Quốc vào năm 2014 vì đã thu thập bất hợp pháp hồ sơ cá nhân của công dân Trung Quốc và bán thông tin cho khách hàng, bao gồm cả nhà sản xuất ma túy GlaxoSmithKline. Trong khi đó, Humphrey và vợ nói trong phiên tòa xét xử rằng họ làm bất cứ điều gì bất hợp pháp trong các hoạt động ở Trung Quốc. Cặp đôi đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc vào tháng 6.2015 sau khi được giảm án tù.

Sau khi nhận lời cầu cứu trên thiệp,Humphrey nói rằng ông không biết danh tính hay quốc tịch của các tù nhân đã ghi vào thiệp, nhưng ông không nghi ngờ gì về việc họ là những tù nhân Qingpu đã biết đến mình trước khi được phóng thích vào tháng 6.2015.

Ngay lập tức, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên. Ông Cảnh Sảng khẳng định: “Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng, sau khi tìm kiếm sự làm rõ từ các bộ phận liên quan, không có bất kỳ tình trạng cưỡng bức lao động nào với các tù nhân nước ngoài tại nhà tù Qingpu Thượng Hải”. Đồng thời, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định chuyện thiệp Giáng sinh rò rỉ thông điệp là một vở kịch do chínhHumphrey dàn dựng.

Theo Tân Hoa Xã, khi bắt đầu được áp dụng cách đây 20 năm, chương trình này đã "đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và cứu vớt những người hành nghề mại dâm cũng như khách mua dâm". Tuy nhiên, khi nước này tăng cường cải cách hệ thống tư pháp và hình sự, chương trình đã không còn phù hợp.

"Vai trò lịch sử của hệ thống giam giữ và giáo dục nhân phẩm đã hoàn thành. Việc bãi bỏ hệ thống này là dấu hiệu quan trọng của việc tăng cường quản lý xã hội, bằng cách sử dụng các quy tắc và tư duy pháp luật", Tân Hoa Xã khẳng định.

Anh Tú

Anh Tú