Bị cáo Lê Nam Trà: ‘Tôi đã không đủ khả năng dẫn dắt nhân viên vượt qua sức ép’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:32, 21/12/2019
Theo đó, bị cáo Lê Nam Trà nhất trí với tội danh bị truy tố. Tuy nhiên, về hình phạt, bị cáo thấy quá nghiêm khắc với mình cũng như các bị cáo ở MobiFone; đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho cho các bị cáo từng là lãnh đạo MobiFone.
Theo nguyên Chủ tịch Trà, họ là những người ưu tú, tham gia lãnh đạo MobiFone từ những ngày đầu tiên,giúp MobiFone trở thành doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất. Trên cương vị Chủ tịch, bị cáo Trà nói trong nước mắt: “Tôi đã không đủ khả năng dẫn dắt các nhân viên vượt qua sức ép, để các đồng nghiệp phải đứng trước bản án nghiêm khắc. Vai trò đầu thuộc về tôi”.
Trong vụ án này, bị cáo Trà khẳng định không thỏa thuận hay đòi hỏi gì từ Phạm Nhật Vũ, không tạo ra sức ép với cấp dưới. Dự án này chịu sự chỉ đạo, sức ép rất lớn.
Trong phần tranh luận tại phiên xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà đã nêu ra các luận cứ để làm rõ nguyên nhân, bối cảnh phạm tội cũng như nhận thức của bị cáo Lê Nam Trà.
Theo luật sư Hoài, khi MobiFone đề xuất mua 95% cổ phần AVG là đặt trong mục tiêu chiến lược phát triển mảng truyền hình của MobiFone và trước khi AVG có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần. Đề xuất của MobiFone hoàn toàn độc lập với AVG. Trong quá trình triển khai, AVG có văn bản gửi Bộ TT-TT, văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính… , tất cả việc này diễn ra trước thời điểm bị cáo Lê Nam Trà được bổ nhiệm làm Chủ tịch.
Trong vụ án này, có hơn 40 luật sư tham gia - Ảnh chụp màn hình
Luật sư Phan Trung Hoài cũng phân tích, việc giới thiệu AVG để MobiFone thực hiện giao dịch dự án là từ phía ông Son,nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Lúc này, MobiFone mới làm tờ trình xin ý kiến Bộ TT-TT và được Bộ đánh giá là xác đáng.
Về 2 khoản đầu tư ngoài ngành, luật sư Hoài phân tích, theo đề xuất của MobiFone, việc này không nằm trong giao dịch mua cổ phần nhưng đến khi trao đổi những vấn đề liên quan, Bộ xác định 2 khoản đầu tư ngoài ngành này tính bằng 0 đồng, nghĩa là không thể thực hiện được việc thoái vốn của MobiFone.
Về giá mua và hiệu quả dự án, luật sư Hoài cũng nhận định Bộ TT-TT phải xin ý kiến Chính phủ, các đơn vị chuyên môn phải cho ý kiến… như vậy, việc xác định giá không phải thuộc thẩm quyền của MobiFone..
Trong vụ án này, luật sư Hoài cho rằng nguyên Chủ tịch MobiFone là người chịu trách nhiệm với tư cách Chủ tịch, đã tin tưởng Ban Tổng giám đốctrong việc lựa chọn nhà thầu, thành lập các tổ giúp việc, thẩm định kỹ thuật dự án đầu tư… Như vậy, Chủ tich không phải người trực tiếp tham gia đàm phán mà phải trông cậy vào báo cáo đề xuất của Ban TGĐ.
Ở tội danh “Nhận hối lộ”, theo luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo đã có đơn tự thú từ ngày 13.10.2018, trước thời điểm Phạm Nhật Vũ khai nhận hơn 7 tháng (25.5.2019). Từ việc nhận thức này, bị cáo đã khắc phục 100% số tiền nhận được; từ đây đã mở ra giai đoạn quan trọng, giúp cơ quan điều tralàm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Cuối lời, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà đều có chung quan điểm, mong HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật - khoan hồng với người tự thú, ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả gây ra.
Trước đó, tại phần luận tội, VKS nhận định, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Trà thành khẩn khai báo, chủ động khắc phục hậu quả. Bị cáo nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn phải xử ở mức án cao nhất nhưng quá trình điều tra đã chủ động nộp lại tiền, thành khẩn khai báo nên cần áp dụng mức hình phạt thấp dưới khung hình phạt.
Từ nhận định trên, VKS đề nghị xử phạt Lê Nam Trà từ 7 – 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; từ 16 – 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng mức án bị cáo phải chấp hành là từ 23 – 25 năm tù.
Nhã Thanh