Cà Mau: Nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:18, 09/12/2019
Trước tình hình đó, nhiều đơn vị bệnh viện buộc phải phân công lịch trực cho các bác sĩ ngày một nhiều hơn, bởi do lượng bệnh quá tải mà bác sĩ thì thiếu. Thậm chí, có bệnh viện còn phải mời cả những bác sĩ đã nghỉ hưu, có trình độ chuyên môn cao trở lại để san sẻ gánh nặng cùng bệnh viện.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đa khoa Cái Nước (H.Cái Nước, tỉnh Cà Mau) có 2 bác sĩ nghỉ việc (1 trường hợp ở khoa Cấp cứu và 1 ở khoa Ngoại). Được biết, khoảng 3 năm trước, tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở đơn vị này rất nhiều, nên nguồn lực bác sĩ ở đơn vị bị khan hiếm. Từ đó, lãnh đạo Bệnh viên đa khoa Cái Nước đã có nhiều ý đề xuất về cấp trên để có biện pháp giữ chân các bác sĩ có chuyên môn ở lại, tiếp tục công tác.
Hiện tại, bệnh viện này thiếu khoảng 10 bác sĩ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các khoa Sản, khoa Ngoại. Tuy nhiên, nếu nhận bác sĩ mới ra trường về công tác thì những bác sĩ này phải được đưa đi đào tạo chuyên môn từ 6 - 12 tháng mới sử dụng được. Nếu họ chấp nhận ở lại đơn vị làm việc thì đó là tín hiệu vui, nhưng nếu đào tạo xong mà các bác sĩ này lại nghỉ việc thì đơn vị sẽ gặp khó khăn hơn.
Lượng bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước thường tăng cao, còn nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ thì thiếu. Do vậy, lãnh đạo bệnh viện thường động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên tại đơn vị hỗ trợ thay phiên ca trực liên tục.
“Do phải tăng cường ca trực, nên áp lực công việc của các bác sĩ rất là nặng nề. Chúng tôi cũng cố gắng động viên thôi, chứ bây giờ cũng không biết làm sao. Hiện đơn vị có mời những bác sĩ đã nghỉ hưu ở Khoa Sản lại làm việc để san sẻ gánh nặng với anh em”, bác sĩ Nguyễn Văn Tín, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cái Nước thông tin.
Theo bác sĩ Tín, nguyên nhân bác sĩ nghỉ việc ở đơn vị là do mức thu nhập thấp, những bác sĩ này rơi vào những trường hợp hợp đồng nên không có được chế độ phụ cấp độc hại đặc thù, mà chỉ có lương chính. Được biết, những bác sĩ hợp đồng, hằng tháng lương thực lãnh của họ chỉ khoảng 3 triệu đồng, nên cuộc sống sẽ không đảm bảo do nhu cầu vật giá thị trường hiện nay tăng cao. Do vậy, buộc họ phải nghỉ việc và chọn các bệnh viện tư để làm việc để nguồn thu nhập cao hơn.
Bác sĩ Tín chỉ ra rằng, theo quy định là bác sĩ nhận lương theo chính sách, theo bậc, nên không thể bổ sung thêm. Riêng ở đơn vị, thời gian qua, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Cái Nước cũng đã những động thái tích cực để san sẻ, giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ có thu nhập thấp. Cụ thể, với những trường hợp bác sĩ trẻ, mới về công tác thì mỗi tháng, đơn vị hỗ trợ mỗi trường hợp 1 triệu đồng để giúp họ có tiền trang trải cuộc sống.
Hiện Bệnh viện đa khoa Cái Nước còn thiếu khoảng 10 bác sĩ- Ảnh: Song Tinh
Được biết, nguồn kinh phí hỗ trợ này được bệnh viện chi từ nguồn quỹ tiết kiệm từ các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, số tiền ấy chỉ mang tính chất khích lệ, động viên, chứ chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu cuộc sống của xã hội hiện nay.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế Cà Mau đã có văn bản yêu cầu các đơn vị bệnh viện trên địa bàn tổng hợp báo cáo về vụ việc và nêu rõ lý do nghỉ việc của các bác sĩ. Trên cơ sở các báo cáo, Sở Y tế tỉnh Cà Mau sẽ có ý kiến đề xuất các cấp, ngành chức năng tìm biện pháp khắc phục.
Thống kê của Sở Y tế tỉnh này cho thấy, từ năm 2015 - 2019, ngành y tế tỉnh Cà Mau đã có gần 150 bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2019, số bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công khoảng 20 trường hợp và thường sau khi nghỉ thì họ tìm đến làm việc cho các bệnh viện, phòng khám tư nhân.
Nói về thu nhập giữa khu vực công và tư, bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, dẫn giải, nếu tính theo số tiền mà các bác sĩ ở bệnh viện tư thu nhập được mà chia ra số giờ và hiệu suất công việc thì cũng không cao hơn mức thu nhập ở bệnh viện công.
“Họ làm việc thì khác hơn ở trong nhà nước, nhà nước thì 8 giờ/ngày và mức độ công việc là cũng phù hợp. Còn ngoài tư nhân họ trả tiền cao thì đương nhiên họ phải khai thác tối đa khả năng công việc của mình”, bác sĩ Văn phân tích.
“Họ sẽ tính hoa hồng cho từng ca bệnh, nói chung là ở bệnh viện tư khi bệnh nhân đi khám về vấn đề gì, thì bác sĩ điều trị cũng được tiền cả nên khi cuối tháng, tổng thu nhập của họ từ 20 - 30 triệu đồng là bình thường. Bèo lắm cũng mười mấy triệu đồng. Cao vậy đó, còn ở bệnh viện công thì làm vất vả mà chỉ có vài triệu bạc thôi. Trong khi đó, trực bệnh viện công ròng rã 1 đêm chỉ được trả có 45.000 đồng, thấp vậy thì người ta bất mãn là phải rồi”, 1 bác sĩ phân tích.
Do lượng bệnh quá tải, nhiều bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Cái Nước vấp phải nhiều áp lực từ việc tăng ca -Ảnh: Song Tinh
Bác sĩ Văn chỉ ra rằng, nếu muốn giữ chân được đội ngũ bác sĩ, thì trước hết cần phải thay đổi được chính sách cho cán bộ, công nhân viên trong lĩnh vực này. Thay đổi từ chế độ tiền lương, tiền trực… Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như, khuyến khích, động viên và hỗ trợ những bác sĩ có mức thu nhập thấp trong điều kiện nhất định của đơn vị. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc cho đội ngũ bác sĩ.
Bác sĩ Văn thông tin: “Mấu chốt ở đây là làm sao phải nâng cao được đời sống cho bác sĩ. Năm nay, đơn vị cũng đã có những bước cải thiện tương đối tốt hơn những năm trước. Về thu nhập thì cũng đã có phần nào hỗ trợ được cho các bác sĩ. Hy vọng, những năm tới đời sống của bác sĩ khá hơn, không còn tình trạng bỏ việc như những năm qua.
Song Tinh