Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới: Bao giờ đến lượt Nhật Bản?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:53, 04/12/2019
Tháng 4 vừa qua, Ikuo Sato đứng trước tòa án Tokyo và tự hào khẳng định: “Tôi là người đồng tính”.
Trong căn phòng kín người, anh chia sẻ nỗi lo âu khi khát khao được sống thật với chính mình bị kìm hãm trong xã hội Nhật Bản đầy định kiến.
"Nếu hôn nhân đồng giới được pháp luật thừa nhận, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội mà thế hệ sau không còn phải sống trong nỗi sợ ấy nữa", Sato nói.
Ở góc phòng, người yêu của Sato lặng lẽ ngồi nghe mà không muốn ai nhận ra sự có mặt của mình. Gia đình và đồng nghiệp không biết ông là người đồng tính. Bản thân ông cũng hy vọng tại thời điểm này, bí mật ấy tiếp tục được giấu kín.
Với mong muốn được pháp luật thừa nhận quyền kết hôn, Sato cùng người yêu và 5 cặp đôi khác kiến nghị lên tòa. Làn sóng ủng hộ tích cực của xã hội đã cho họ dũng khí thực hiện khát vọng của mình.
Ví dụ của Sato là một trong rất nhiều câu chuyện về cộng đồng LGBT tại Nhật Bản. Tất cả đều đang đối mặt với muôn vàn khó khăn để được sống thật với chính mình.
Năm 2019, Ikuo Sato cùng nhiều cặp đôi đồng tính kiến nghị lên tòa với hy vọng cộng đồng LGBT được kết hôn hợp pháp. - Ảnh: New York Times.
"Hôn nhân đồng giới làm khủng hoảng dân số quốc gia"
Hiện nay, xã hội Nhật Bản vẫn còn nhiều định kiến đối với cộng đồng LGBT. Rất nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận việc con cái là người đồng tính. Thái độ kỳ thị cũng tồn tại ở chốn công sở. Trong khi đó, chính quyền lảng tránh thừa nhận vấn đề này.
Taiga Ishikawa - nhà lập pháp đầu tiên của Quốc hội Nhật Bản công khai là người đồng tính - cho rằng mặc dù nhận thức của người dân đã cởi mở hơn, nhiều chính trị gia trong bộ máy nhà nước vẫn giữ quan điểm sai lệch về cộng đồng LGBT.
“Họ nghĩ những mối quan hệ đồng giới là ‘thú vui nhất thời’ và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ sinh của quốc gia”, Taiga nói thêm.
Mùa hè năm ngoái, trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Shincho 45, nhà lập pháp Mio Sugita nói rằng người đồng tính là những thành phần “thiếu tích cực” của xã hội khi không thể sinh nở.
Ông nhấn mạnh hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Nhật Bản sẽ hủy hoại xã hội và dẫn đến khủng hoảng dân số quốc gia.
Phát ngôn mang tính kỳ thị giới LGBT của ông Mio Sugita lập tức hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ của dư luận nước này.
Alexander Dmitrenko - luật sư người Canada đang sinh sống tại Tokyo, đồng thời là gương mặt tiêu biểu trong phong trào ủng hộ hôn nhân đồng giới - chia sẻ sự việc trên khiến anh liên tưởng đến cuộc bạo loạn ở Mỹ vào năm 1969, cũng là dấu mốc khởi đầu cho phong trào ủng hộ LGBT ở xứ cờ hoa.
Theo Dmitrenko, việc Đài Loan (Trung Quốc) thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới hồi tháng 5 cũng là động lực để Nhật Bản nghiêm túc cân nhắc vấn đề này.
Làn sóng ủng hộ lan tỏa mạnh mẽ
Một khảo sát gần đây của công ty quảng cáo Dentsu đã chỉ ra rằng hơn một nửa số người đồng tính nước này không dám come out (công khai xu hướng tính dục).
Ngược lại, hơn 80% người dưới 60 tuổi tham gia khảo sát ủng hộ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới.
Làn sóng ủng hộ cộng đồng LGBT tại Nhật Bản là sự hưởng ứng phong trào ở các nước phát triển như Mỹ, Australia, Canada, góp phần thúc đẩy quá trình nhận thức và thay đổi thái độ ở quốc gia bảo thủ nhất nhì châu Á này.
Để minh họa cho sự bùng nổ của phong trào ủng hộ LGBT ở Nhật, ông Kazuya Kawaguchi - giáo sư Xã hội học tại Đại học Hiroshima Shudo - lý giải bằng sự thành công của hai series phim Ossan’s Love và What did you eat yesterday?.
Theo ông, hai bộ phim truyền hình này đã góp phần cải thiện cái nhìn của người Nhật về các cặp đôi đồng tính nam.
Bằng phim ảnh, truyền thông và việc tiếp nhận xu hướng từ nhiều quốc gia khác, xã hội Nhật Bản đang dần thay đổi định kiến về cộng đồng LGBT -Ảnh: Tokyo Rainbow Pride.
Bên cạnh đó, thái độ của các doanh nghiệp Nhật Bản đã có thay đổi tích cực như quan tâm đến mong muốn từ nhóm khách hàng là người đồng tính, đồng thời ủng hộ các nhân viên thuộc cộng đồng LGBT trong công ty.
Tuy nhiên, đa số những đơn vị này chỉ dừng lại ở vai trò ủng hộ, chưa thực sự góp phần thúc đẩy quá trình hợp thức hóa hôn nhân đồng giới ở Nhật Bản.
Ở tầm quốc gia, Đảng Dân chủ Tự do đã từ chối cân nhắc đề nghị của đảng đối lập để thay đổi quy chuẩn xã hội nhằm công nhận hôn nhân đồng giới.
Họ kiên quyết cho rằng hợp thức hóa quyền kết hôn của cộng đồng LGBT là đi ngược lại Điều 24 của Hiến pháp: “Hôn nhân chỉ được dựa trên sự đồng thuận của hai giới”, nghĩa là chỉ công nhận mối quan hệ hôn thú hợp pháp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.
Tuy nhiên, lập luận này của các nhà cầm quyền dần bộc lộ những thiếu sót.
Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JFBA) đã bác bỏ quan điểm trên. Tháng 9 vừa qua, một tòa án địa phương đã trở thành nơi đầu tiên chấp nhận hôn nhân đồng tính một cách hợp pháp. Theo đó, thẩm phán cho rằng Điều 24 của Hiến Pháp không hề cấm các cặp đôi đồng tính kết hôn.
"Trở thành một đôi đúng nghĩa trước khi lìa đời"
“Có thể rất nhiều năm nữa, chúng ta mới có phán quyết cuối cùng”, Makiko Terahara - trưởng phái đoàn luật sư trong vụ kiến nghị tòa án chấp nhận hôn nhân đồng giới ở Nhật, đại diện cho tổ chức phi lợi nhuận Marriage for All Japan - lên tiếng.
Theo bà, đây là một bước đệm trọng yếu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chính phủ có thể biến giấc mơ của hàng nghìn người thành sự thật bằng cách thay đổi Luật Dân sự.
Theo bà Makiko Terahara, có thể rất nhiều năm nữa, cộng đồng LGBT mới nhận được phán quyết cuối cùng -Ảnh: New York Times.
Với nhiều cặp đôi đồng tính, họ có lẽ không thể chờ đến ngày hôn nhân đồng giới được pháp luật công nhận.
Sato không chắc rằng mình có thể chờ tới lúc phép màu xảy ra bởi ông nhiễm HIV, mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
“Tôi sẽ rất vui nếu có thể sống tới lúc điều này trở thành hiện thực", ông nói.
Sato hy vọng việc hợp thức hóa hôn nhân đồng giới sẽ giúp người yêu mình tự tin hòa nhập với cộng đồng và cởi mở với gia đình, đồng nghiệp.
Ông nói trước tòa: “Không gì có thể hạnh phúc hơn khi được lấy người mình yêu một cách hợp pháp để trở thành một đôi đúng nghĩa trước khi lìa đời".
Theo Zing