Phe ủng hộ Dân chủ ăn mừng chiến thắng lịch sử trong cuộc bỏ phiếu ở Hồng Kông
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 25/11/2019
Đối với nhiều người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, Chủ nhật hôm qua là một bước ngoặt cho phong trào. Alan Leong, chủ tịch của Đảng Dân sự, một trong những đảng ủng hộ dân chủ lớn nhất cho biết: "Đã có một sự thức tỉnh rất sâu sắc của người dân Hồng Kông".
Cuộc đua tại các hội đồng quận, đơn vị bầu cử ở cấp độ thấp nhất ở Hồng Kông, trước đây thường tập trung vào các vấn đề cộng đồng, chủ yếu là mấy chuyện nhỏ nhặt của khu phố như về trạm xe buýt hay đèn giao thông.
Nhưng cuộc bầu cử cấp quận lần này mang một ý nghĩa to lớn, và được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng bất ổn đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của đặc khu trong nhiều thập niên qua. Trong một khu vực bán tự trị của Trung Quốc, khi đang có đấu tranh giữa 2 luồng ý kiến về đòi hỏi dân chủ thì bỏ phiếu là cách tốt nhất để người dân thể hiện thái độ.
Tuy là đơn vị bầu cử thấp nhất nhưng Hội đồng quận lại được đánh giá là một trong những cơ quan có tính dân chủ cao nhất ở Hồng Kông. Hầu như tất cả các ghế đều được bầu trực tiếp, không giống như cơ quan lập pháp của Hồng Kông, nơi tỷ lệ bầu trực tiếp chỉ hơn một nửa. Người giữ chức Đặc khu trưởng Hồng Kông, cũng không được cử tri trực tiếp lựa chọn, mà thay vào đó, vị trí quan trọng này được lựa chọn bởi một ủy ban chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Ông Leong, Chủ tịch Đảng Dân sự, kêu gọi đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi chính sách tại Hồng Kông. “Trừ khi C.C.P. đang làm một cái gì đó cụ thể để giải quyết mối quan tâm của người dân Hồng Kông, tôi nghĩ rằng phong trào này không thể kết thúc”, ông nói. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu vừa qua có thể khiến Trung Quốc càng thêm cảnh giác trước phong trào đòi thêm quyền tự trị của người dân Hồng Kông.
Một vài người ủng hộ dân chủ trước đây hy vọng rằng cuộc bầu cử có thể giúp họ có nhiều cơ hội hơn trong ủy ban bầu cử chọn ban lãnh đạo đặc khu, dù điều đó vốn luôn được coi là một cú sút xa mà không ai dám chắc bóng sẽ bay vào đâu. Còn lần này với chiến thắng từ cuộc bầu cử cấp quận, bóng được đưa gần khung thành hơn. Các hội đồng quận giờ đây có thể có nhiều quyền hơn trong việc chọn Trưởng đặc khu tiếp theo vào năm 2022. Hội đồng quận có thể chọn một phần mười số cử tri cho một hội đồng mới gồm 1.200 thành viên trong ủy ban bầu cử.
Trước cuộc bầu cử, ban lãnh đạo đặc khu đã lo ngại rằng cuộc bỏ phiếu sẽ bị hủy hoại bởi sự hỗn loạn trong những tháng gần đây. Một số vụ đụng độ dữ dội nhất giữa người biểu tình và cảnh sát đã diễn ra vào tuần trước, biến hai cơ sở đại học thành chiến trường.
Nhưng Hồng Kông vẫn tương đối bình yên vào Chủ nhật khi các cử tri rủ nhau đi bỏ phiếu. Hàng dài người rồng rắn xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu vào buổi sáng, lượn quanh các tòa nhà chọc trời và qua các cửa hàng nhỏ.
David Lee, một cao niên gần 90 tuổi, là một trong những cử tri tới đăng kýsớm nhất ở Hồng Kông nói rằng ông đibỏ phiếu vì muốn dân chủ. “Đây mới là điều quan trọng”, ông nói.
Joseph Cheng, một giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Thành phố Hồng Kông, vốn dự đoán rằng các ứng cử viên dân chủ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ưu thế. Lý do là các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh được hậu thuẫn tốt hơn nhiều, và các cuộc đua ở cấp quận thường có truyền thống hướng chiến thắng cho những người chăm lo vấn đề hoàn toàn mang tính địa phương, chứ không phải là nơi quan tâm các vấn đề lớn như dân chủ.
Nhiều nhóm thân Bắc Kinh nhận được sự quyên góp lớn từ các công ty con của các doanh nghiệp nhà nướcTrung Quốc ở Hồng Kông. Điều đó cho phép các đảng pháithân Bắc Kinh tổ chức nhiều buổi dã ngoại và các sự kiện xã hội khác để tìm kiếm người ủng hộ, thường là những người lớn tuổi.
Mandy Lee, 53 tuổi, một phụ nữ nội trợ tại khu phố Vịnh Cửu Long (Kowloon Bay), đãbỏ phiếu cho ứng cử viên thân Bắc Kinh và chỉ trích các cuộc biểu tình.
“Tôi không có thiện cảm với những người trẻ tuổi, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng những nỗ lực của họ là vô ích”, bà nói. “Chúng ta chỉ là một hòn đảo nhỏ; nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc tới kiểm soát và hòa nhập chúng ta”.
Nhưng tỷ lệ cử tri tăng vọt lên 71%, vượt xa mong đợi. Thông thường trong các cuộc bầu cử hội đồng quận thường dưới 40% cử tri tham gia. Bốn năm trước, sau khi Phong trào Dù 2014 nổ ra, gây sự quan tâm của công chúng đối với chính trị, thì tỷ lệ bỏ phiếu cũng chỉ tăng lên 47%. Năm nay, số cử tri đã đăng ký đạt kỷ lục.
Vào Chủ nhật, một số chính trị gia nổi tiếng ủng hộ Bắc Kinh đã thất thế, trong số đó có Michael Tien, một ngườigiữ ghế lâu năm trong hội đồng. Sau thất bại, ông Tien nói rằng sự gia tăng của các cử tri trẻ tuổi báo hiệu rằng họ đang trở nên gắn bó hơn về mặt chính trị. Ông nhắc thêm rằng chính quyền đặc khu nên lắng nghe tiếng nói của họ.
Regina Ip, một thành viên nội các và là lãnh đạo một đảng chính trị thân Bắc Kinh, cho biết bà rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều cử tri trẻ, nhiều người trong số họ đã cố gắng đối đầu với bà theo kêu gọi của người biểu tình. “Thông thường, người trẻ không đi bầu. Nhưng lần này, phe đối lập đã xoay chuyển tình thế”, bà nói.
Kết quả của cuộc bầu cử có thể làm phức tạp thêm bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hồng Kông. Các nhà phê bình nói rằng bà đã thất bại trong việc chia sẻ với cộng đồng trong các cuộc biểu tình và rằng bà đã không lắng nghe những người lo lắng.
Anh Tú (theo NYT)