Kỳ 8: Tôi từ chối cọc tiền của A Lý

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:52, 20/11/2019

A Lý cho vệ sĩ đưa tôi về chỗ cũ. Lúc xuống xe, anh chàng vệ sĩ buổi sáng móc túi đưa cho tôi 1 cọc tiền, không biết bao nhiêu, nói: “Anh A Lý, chị Vân gởi cho anh uống nước…”. Tôi từ chối thẳng.

Kỳ 1: Tưởng bị bắt cóc đi gặp Năm Cam nhưng đối diện A Lý

Kỳ 2: Cay đắng với vụ bắn người ở Vũ trường Métropolis năm 2001

Kỳ 3: Đối đầu với Năm Cam chỉ có thể là A Lý

Kỳ 4: Tái ngộ A Lý trong cảnh 'một mình giữa bầy sói'

Kỳ 5: Tôi khuyên đường chủ bang Trúc Liên ra đầu thú

Kỳ 6: Tôi và A Lý tung mồi nhử nhau trong cuộc đối đầu cân não

Kỳ 7: Vét quỹ đen, xin tiền vợ đấu A Lý

Đối với dân giang hồ, sự thẳng thắn, bản tính ngang tàng, lòng can đảm rất được tôn trọng. Tôi thẳng thắn: “Tôi đã suy nghĩ cả đêm về trường hợp của anh, không lối thoát! Nếu anh tin tôi, tôi chỉ có thể cố gắng làm sao để giữ được anh không bị thủ tiêu bởi bất kỳ thế lực nào, nhưng anh phải chịu sự chế tài của luật pháp Việt Nam”. Rồi tôi phân tích kỹ lưỡng cho A Lý nghe tình thế cực kỳ tệ hại, nan giải mà y đang lâm vào, những khả năng nào có thể xảy ra... Nghe xong, A Lý trầm ngâm mất một lúc, rồi trả lời: “Thôi, cám ơn anh đã nghe tôi nói. Tôi sẽ giải quyết mọi chuyện theo cách của tôi”.

A Lý quyết định đúng, không ai có thể giúp A Lý lúc này tốt hơn chính bản thân anh ta. Chỉ có anh ta mới thực sự biết rằng mình cần phải làm gì, như thế nào… cho tốt nhất.

Chúng tôi chia tay nhau trong hòa bình, thậm chí còn khá thân thiện. A Lý cho vệ sĩ đưa tôi về chỗ cũ. Lúc xuống xe, anh chàng vệ sĩ buổi sáng móc túi đưa cho tôi 1 cọc tiền, không biết bao nhiêu, nói: “Anh A Lý, chị Vân gởi cho anh uống nước…”. Tôi từ chối thẳng, trả lời: “Em về nói anh cảm ơn chị Vân, anh A Lý. Anh nghĩ lúc này anh chị ấy cần tiền hơn anh. Em cũng vậy, nhớ lời anh dặn lúc sáng”.

Trên đường chở tôi về tòa soạn, vì chứng kiến cảnh tôi từ chối tiền, Thành hỏi: “Sao anh không lấy tiền đi. Đâu có ai thấy đâu mà sợ?”. Tôi vỗ vai Thành, giải thích: “Đời này không ai chê tiền, nhưng không phải tiền nào em cũng lấy được. Trong tình hình này, trước sau gì thì băng nhóm A Lý cũng bị bắt giữ. Sau khi bị bắt, ai biết những người trong băng nhóm A Lý sẽ khai báo những gì… nhỡ như có những chi tiết có liên quan đến tiền bạc giữa em và mấy người trong băng nhóm đó bị tiết lộ thì sao? Số tiền đó có đủ lớn để mua được nỗi lo bị lộ của em trong suốt thời gian sau của vụ án và thời gian sau này của cuộc đời? Khi cầm tiền của băng nhóm A Lý, em có còn viết được thẳng băng như em mong muốn?”. Thành vâng vâng dạ dạ… không biết nó có hiểu tôi không.

Tôi không rao giảng đạo lý suông, mà đó là một sự thật vẫn luôn hiện hữu trong nghề báo. Việc một nhà báo được ai đó đưa tiền đã là điều quá bình thường, chẳng làm ai ngạc nhiên. Làm báo không dễ, nhất là phóng viên điều tra. Nếu muốn tồn tại lâu trong nghề, tránh tối đa mọi rủi ro, hậu họa… chướng ngại đầu tiên mà các phóng viên này phải vượt qua chính là: nỗi sợ hãi và lòng tham của chính mình! Không ai cho không ai cái gì. Và, nếu đã nhận, thì…

Tôi và Thành về đến tòa soạn thì trời đã giữa trưa.

Sau khi ăn cơm trưa, đầu giờ chiều, tôi gọi điện thoại cho anh Nguyễn Chí Thành – lúc đó là thượng tá, trưởng phòng PA 25, Công an TP.HCM - mời anh sang tòa soạn Báo Thanh Niên để cung cấp thông tin về A Lý để xác lập thêm một bằng chứng nữa về việc tôi đã gặp A Lý, củng cố hồ sơ của vụ việc, phòng lúc cần sử dụng về sau.

Lúc trao đổi với anh Nguyễn Chí Thành, tôi có lén đặt máy ghi âm mới mua dưới gầm bàn… Xong, tôi photocopy toàn bộ bản ghi chép câu chuyện có chữ ký của A Lý, số điện thoại… giao cho anh và xin ý kiến chỉ đạo.

Không nằm ngoài dự đoán của tôi, anh Nguyễn Chí Thành đề nghị tôi không báo vụ việc này cho bất cứ ai khác nữa trong lực lượng Công an TP.HCM (kể cả Nguyễn Mạnh Trung và Dương Minh Ngọc), để anh báo cho anh Út Măng – Phó giám đốc Công an TP.HCM, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra lúc bấy giờ - xin ý kiến chỉ đạo cấp cao hơn. Đồng thời, báo Thanh Niên phải chờ thêm 2 ngày nữa để anh xử lý thông tin rồi mới được đăng báo. Tôi đồng ý.

Bài báo được tôi bắt đầu viết trong buổi chiều… Có quá nhiều chi tiết tôi buộc phải lược bỏ, vì có liên quan đến rất nhiều người, với những dấu hiệu rành rành theo tư duy logic, nhưng bằng chứng – cái cần nhất - thì lại không. Mà, những người ấy lại còn đang công tác, giữ vị trí quan trọng trong xã hội đương thời. Nếu viết không khéo, không chỉ bản thân tôi gặp nguy hiểm ngay tức khắc, cả tòa soạn báo Thanh Niên cũng có khả năng sa vào rắc rối triền miên không dứt.

Muốn có bằng chứng để chứng minh những điều tôi biết, nghi vấn trong lòng, một mình tôi không đủ sức, cả tòa soạn Báo Thanh Niên lúc bấy giờ cũng không đủ sức… Cần phải có một lực lượng lớn hơn rất nhiều, với quyền lực lớn hơn, cụ thể hơn, và thời gian cần có để phanh phui vụ việc cũng dài hơn.

Bài báo được hình thành trong khuôn khổ chỉ trên dưới ngàn chữ, với quá nhiều cân nhắc, đắn đo, để phòng tránh rủi ro… Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành trong buổi tối, nộp lên Ban Thư ký tòa soạn, chỉ còn chờ đăng.

Tưởng như việc tôi đi gặp A Lý để điều tra vụ án giết người tại vũ trường Metropolis đã chấm dứt ngay tại đó đối với tôi và báo Thanh Niên, nhưng không…

(còn tiếp)

Hữu Phú

hữu phú