TP.HCM tăng mạnh giá nước sinh hoạt, mỗi năm từ 5-7%

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:59, 26/10/2019

Từ ngày 15.11.2019, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt cho người dân tại TP.HCM sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3. Giá nước sạch cũng tăng lũy tiến trong các năm tới với mức tăng từ 5-6,6%.

UBND TP.HCM hai ngày trước đãban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố lộ trình 2019 - 2022.

Theo đó, giá nước sạch tăng lũy tiến trong các năm tới với mức tăng từ 5-6,6%. Ở định mức 4m3 đầu tiên, giá nước sạch tăng lên 5.600 đồng/m3 trong năm nay và tăng lên 6.000 đồng vào năm 2020; năm 2021 là 6.300 đồng/m3, năm 2020 là 6.700 đồng/m3. Riêng đối với hộ nghèo và cận nghèo, năm 2019 là 5.300 đồng/m3, năm 2020 là 5.600 đồng/m3, năm 2021 là 6.000 đồng/m3, năm 2022 là 6.300 đồng/m3.

Đáng chú ý, khi sử dụng định mức từ 4-6 m3, người dân phải trả 10.800 đồng/m3 cho năm 2019; năm 2020 là 11.500 đồng/m3, năm 2021 là 12.100 đồng/m3, năm 2022 là 12.900 đồng.

Đối với định mức sử dụng trên 6m3/người/tháng, năm 2019 người dân trả số tiền là 12.100 đồng/m3, năm 2020 là 12.800 đồng/m3, năm 2021 là 13.600 đồng/m3, năm 2022 là 14.400 đồng/m3. Đơn giá nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Bảng giá nước sạch mới của TP.HCM - Ảnh: Sở Tài chính TP.HCM

Định mức sử dụng nước sạch được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn căn cứ theo sổ hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước. Trường hợp nhiều hộ gia đình sử dụng chung một đồng hồ nước (địa chỉ trong sổ hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú khác với địa chỉ đặt đồng hồ nước) thì tính định mức các nhân khẩu sử dụng chung cho khách hàng đứng tên thuê bao đồng hồ nước.

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM) có thời hạn hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy xác nhận tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, được tính định mức như nhân khẩu thường trú.

UBND TP.HCM cũng giao Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt quy định nêu trên, đảm bảo phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019 - 2022 đã được UBND TP.HCM phê duyệt; báo cáo UBND TP, Sở Tài chính để kiểm tra, giám sát thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15.11.2019 và thay thế quyết định số 103/2009/QĐ-UBND ngày 24.12.2009 của UBND TP về điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn thành phố.

Trước đó, theo tờ trình của SAWACO, từ năm 2015, tình hình tài chính của doanh nghiệp nàybị ảnh hưởng do phải bảo đảm, duy trì tỉ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch khi triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND TP.HCM và thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội.

Trong khi đó, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước tăng hằng năm, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh nước sạch (42%). Từ năm 2016-2018, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỉ đồng/năm.

SAWACO cho biết, để bù chi phí tăng cao do trượt giá, các đối tác cung cấp nước yêu cầu lộ trình giá mua bán sỉ nước sạch tăng định kỳ hàng năm hoặc 2 năm. Ngoài ra, tình hình tài chính của đơn vị bị ảnh hưởng từ thay đổi chính sách thuế, giá điện; một bộ phận người dân còn sử dụng nước ngầm nên SAWACO chưa tiêu thụ hết lượng nước sản xuất và mua sỉ của các nhà máy nước khác.

Từ đó, SAWACO kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận việc điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch phải gắn với việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch cho người tiêu dùng. Khi giá bán lẻ được điều chỉnh thì hai bên sẽ thương thảo điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch.

Phan Diệu

Phan Thị Diệu