Trung Quốc siết chặt công ty nước ngoài qua chấm điểm 'tín dụng xã hội'
Quốc tế - Ngày đăng : 21:49, 15/10/2019
Trong một cam kết đầy tham vọng, chính phủ Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống tín dụng xã hộinhằm thu thập và phân tích thông tin về 1,4 tỉcông dân của mình và đánh giá hàng triệu doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mục tiêu của nó là giữ cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tuân thủ các chỉ thị quốc gia. Đối với các doanh nghiệp quốc tế, chương trình sẽ xem xét một loạt dữ liệu bao gồm hợp đồng kinh doanh, trách nhiệm xã hội, việc tuân thủ các quy định hiện hành.
Thông qua một nền tảng tập trung sử dụng trí thông minh nhân tạo, hệ thống sẽ đánh giá các công ty về “mức độ tin cậy” và “sự chân thành”. Nếu nằm trong danh sách đen, các công ty có thể phải đối mặt với các hình phạt bao gồm bị từ chối vay các khoản vay lãi suất thấp, bị đánh thuế cao hơn hay nhân viên chủ chốt bị cấm rời khỏi Trung Quốc.
Các công ty nước ngoài sẽ được yêu cầu bàn giao dữ liệu cho chính quyền Bắc Kinh để xem xét kỹ lưỡng. Và việc chính phủ Trung Quốc nắm được số lượng lớn dữ liệu sẽ giúp ích hơn trong việc xử phạt, từ đó có thể yêu cầu các công ty điều chỉnh hành vi sao cho “phù hợp”.
Năm ngoái, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã gửi thư tới 36 hãng hàng không quốc tế, gồm cả United, yêu cầu không đề cập đến Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao như các quốc gia độc lập trên trang web và trong các quảng cáo của các hãng này. Yêu cầu này nói rằng, nếu không khắc phục các lỗi, các hãng hàng không sẽ bị đánh giá là không đáng tin cậy trong hồ sơ tín dụng xã hội.
Cũng trong năm 2018, chuỗi khách sạn Marriott đã phải xin lỗi giới chức Trung Quốc sau khi mời khách hàng tham gia cuộc khảo sát trực tuyến mà trong đó, liệt kê Hồng Kông, Tây Tạng, Đài Loan và Ma Cao như các quốc gia độc lập.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hệ thống này, dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào năm 2020, được sử dụng như một công cụ để buộc các công ty quốc tế chấp nhận các giá trị của Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm về chính trị.
Người đứng đầu nghiên cứu kỹ thuật số tại Trivium China - một công ty phân tích chính sách Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh - bà Kendra Schaefer cho biết, "điều lo lắng thực sự không phải là việc dữ liệu bị nắm giữ, mà là liệu việc thực hiện có công bằng hay không".
Bà Schaefer tiết lộ rằng, trong hệ thống xếp hạng này, còn có một cách khác để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng của mình, đó là gắn xếp hạng của doanh nghiệp và các cá nhân với nhau. Chẳng hạn, nếu một công ty bị viện dẫn vi phạm kinh doanh, xếp hạng tín dụng của nhân viên chủ chốt cũng sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại.
Ngoài ra, các công ty làm ăn với các đối tác bị đánh giá kém cũng sẽ bị giảm xếp hạng, cắt giảm hiệu quả các công ty được xếp hạng thấp ra khỏi chuỗi cung ứng.
Do công nghệ chương trình này đang được phát triển, nên sẽ mất thời gian để hợp nhất dữ liệu hiện đang bị quản lý phân tán bởi các cơ quan khác nhau của chính phủ và tư nhân cũng như cần nhiều thời gian để hoàn thiện và phát triển trí thông minh nhân tạo nhằm phân tích dữ liệu đó.
“Ngay cả khi nếu hệ thống này ra mắt vào năm tới, cơ sở dữ liệu chủ sẽ vẫn chưa được quản lý thông qua trí thông minh nhân tạo. Phần lớn thông tin mới được nhập thủ công hoặc qua các bảng biểu, và từ một số trang web, công cụ tìm kiếm lỗi thời và rất khó sử dụng”, bà Schaefer nói thêm.
Các quan chức Trung Quốc tin rằng việc áp dụng một hệ thống mà công khai những người làm sai sẽ thành công trong những nỗ lực thực thi pháp luật.
Tại một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước vào tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết: “Cần phải xây dựng một công cụ xử phạt hiệu quả và triệt để đối với các hành vi sai trái. Cái giá phải trả cho các vi phạm thể chế, vi phạm các quy tắc và thậm chí vi phạm pháp luật hiện nay là quá thấp. Đó là lý do cơ bản mà một số doanh nghiệp trên thị trường chọn để vượt qua giới hạn”.
Hoàng Vũ (theo SCMP)