Thiếu xăng dầu trầm trọng, Cuba phải dùng bò kéo thay máy cày
Quốc tế - Ngày đăng : 18:57, 21/09/2019
Theo hãng tin AP, tại thủ đô Havana, các chủ xe phải đi lùng khắp nơi để mua xăng, kêu gọi bạn bè giúp và thường xuyên vào các diễn đàn hội thoại trên mạng xã hội nhằm nắm thông tin có xăng hay không tại các trạm bán xăng. Ở các trạm này, các chủ xe phải xếp hàng chờ chí ít 5 giờ đồng hồ để chờ đến lượt mua. Và dù các trạm cũng chóng hết xăng để bán, chủ xe vẫn chờ với hy vọng sẽ có xe chở xăng của công ty nhiên liệu (nhà nước Cuba độc quyền kinh doanh mặt hàng này) sẽ đến bơm xăng cho các trạm.
Một trạm bán xăng phải tạm ngưng hoạt động - Ảnh: AP
Hãng tin Mỹ nêu cuộc khủng hoảng nhiên liệu này vì chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cấm vận Cuba, khiến việc đổ xăng đầy thùng xăng xe trở thành một cuộc thử thách đối với ngay cả người dân đã quen việc xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm.
Nhưng các nhà quan sát độc lập nói cuộc khủng hoảng thiếu xăng chủ yếu vì Cuba quá lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Venezuela. Theo vài ước tính thì Cuba dựa cậy vào Venezuela để có 60% nguồn nhiên liệu sử dụng hàng ngày. Venezuela là đồng minh chủ lực của Cuba, và là nguồn nhiên liệu có trợ giá từ suốt 20 năm qua cho Cuba.
Ông Jorge Pinon, một chuyên gia về kinh tế và năng lượng của Cuba-Venezuela ở Đại học Texas (Mỹ), nói: “Một lần nữa họ phạm phải sai lầm chiến lược nghiêm trọng, là đẩy hết số trứng vào chỉ một rổ. Họ không học được bài học từ những năm 1980, khi Cuba phải lệ thuộc Liên Xô mà không có chính sách bảo hiểm để bảo vệ họ khỏi những thay đổi về mặt chính trị”.
Theo AP, dù nguyên nhân là gì chăng nữa, kết quả là tình trạng thiếu xăng dầu đang bóp ngạt nền kinh tế Cuba vốn đã èo uột, buộc người dân mất nhiều thời gian lo lắng chuyện đi lại. Và dòng xe dài dằng dặc chờ được bơm xăng là dấu hiệu rõ ràng về cuộc khủng hoảng nhiên liệu vốn đã buộc hệ thống giao thông công cộng, các dịch vụ công và các công ty-xí nghiệp nhà nước đều phải giảm hoạt động.
Cảnh sát trực ở các trạm xe buýt và các trạm xăng để kiểm soát dòng người xếp hàng. Cán bộ công chức được cấp xe nhà nước được yêu cầu chở người xin đi nhờ, một biện pháp từng được áp dụng vào lúc xảy ra cuộc suy thoái kinh tế tiếp sau vụ Liên Xô sụp đổ năm 1991. Cuộc suy thoái này từng được nhà nước Cuba gọi là “giai đoạn đặc biệt”.
Ngoài ra, Cuba cũng đang trải qua nhiều tháng thường xuyên bị thiếu hụt các mặt hàng nhu yếu phẩm như xà bông, kem đánh răng và có lúc không có thịt gà, vì Cuba không có nguồn ngoại tệ mạnh để nhập khẩu các mặt hàng này.
Các vấn nạn liên quan hệ thống vận tải công cộng trở nên rõ ràng trong tháng 9 này, dẫn đến việc rất nhiều người dân Cuba không hài lòng. Ngày 11.9, Chủ tịch Cu BaMiguel Diaz Canel tuyên bố đất nước phải giảm sử dụng các sản phẩm xăng-dầu, nhất là xăng, vì thiếu tàu chở dầu. Ông lên án việc Mỹ có chính sách trừng phạt các tàu chở các sản phẩm xăng dầu từ Venezuela về Cuba.
Ngày 20.9, Ngoại trưởng Bruno Rodriguez nói chính quyền Trump đang tiến hành một chiến dịch cấp toàn cầu, nhằm gây sức ép lên các nhà cung ứng nhiên liệu cho Cuba, cùng lên các tàu chở dầu ở Nam Mỹ, châu Âu và Bắc Mỹ.
Vị quan chức Cuba nói: “Các hành động này gồm dọa nạt trực tiếp, khủng bố các công ty vận chuyển, gây sức ép chống lại các chính phủ có tàu chở dầu đã đăng ký và treo cờ, cùng các hành động chống lại các công ty bảo hiểm. Đấy là sự leo thang tìm cách hù dọa, gây nản lòng và tạo thêm các khó khăn cho người dân Cuba”.
Chính quyền Cuba cũng nói các tàu chở dầu sẽ cập bến Cuba trong tháng 10 tới sẽ giúp kéo giảm tình hình thiếu nhiên liệu, nhưng theo AP, nhiều người dân Cuba vẫn lo lắng. Nữ công chức nhà nước Jacqueline Pereira, 35 tuổi, nói: “Từ lúc hệ thống vận tải công cộng bị giảm hoạt động, tôi cố gắng không ra phố và tôi phải đi bộ đi làm. Mọi người đều rất là căng thẳng”.
Mỹ Trinh (theo AP)