Sự nổi tiếng và cát-xê của siêu mẫu xưa và nay khác nhau như thế nào?

Văn hóa - Ngày đăng : 13:24, 20/09/2019

Nếu vừa đăng một tấm ảnh mà liền có ngay 100 triệu người xem, cả lợi thế lẫn vị thế đều lập tức khác.​

Giả sử cần điểm danh các siêu mẫu "đắt giá" nhất thế giới, không thể nào lại thiếu những tên tuổi như Naomi Campbell (1970, Anh), Linda Evangelista (1965, Canada) hay thế hệ kế nhiệm trẻ trung như Kendall Jenner (1995, Mỹ), chị em Hadid (Gigi Hadid, 1995 và Bella Hadid, 1996, quốc tịch Mỹ), Adut Akech (1999, Sudan-Úc)…

Mặc dù đặc thù công việc của họ không khác nhau, nhưng cách thức để bước lên đỉnh cao thì đúng là "một trời một vực".

"Siêu mẫu xưa": Không làm việc nếu chỉ được trả dưới 10.000 USD/ngày

Những năm 1990, Linda Evangelista cao ngạo,"Những siêu mẫu như chúng tôi sẽ không ra khỏi giường nếu được trả dưới 10.000 dollar/ngày.

10.000 USD vào năm 1990 là một con số không hề thấp, tương đương với gần 20.000 USD vào năm 2018, nghĩa là khoảng hơn 460 triệu đồng tiền Việt. Song"Để làm một siêu mẫu, bạn nhất định phải nằm trong "top" những người mẫu ưu tú nhất, sở hữu các hợp đồng đáng giá triệu đô,"– Linda giải thích thêm.

Người mẫu là một nghề nghiệp, bao gồm từ làm mẫu cho các hoạt động nghệ thuật như hội họa, điêu khắc cho đến biểu diễn trang phục, quảng cáo sản phẩm…

Siêu mẫu nổi tiếng mỗi thời mỗi khác: Xưa caste trên trời mới diễn, nay fame trên phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng hơn nhiều - Ảnh 2.

"Những siêu mẫu như chúng tôi sẽ không ra khỏi giường nếu được trả dưới 10.000 dollar/ngày." - Linda Evangelista

Thời này, người mẫu là một nghề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Trở thành một siêu mẫu, tức người mẫu cao cấp được trả thù lao "trên trời", là mục tiêu của mọi người mẫu.

"Siêu mẫu nay": Phải có số lượng người theo dõi đông đảo

Suốt nhiều năm, cái định mức "không dưới 10.000 đô/ngày" của Linda được xem như tiêu chuẩn nhận diện siêu mẫu. Tuy nhiên kể từ khi các phương tiện truyền thông xã hội lũ lượt xuất hiện, cho phép mọi người kết nối với nhau dễ dàng, tất cả đã đổi khác.

Hiện tại, những siêu mẫu trẻ như Kendall Jenner hay chị em Hadid đang làm mưa làm gió sàn diễn thời trang. Khác với các bậc tiền bối "10.000 đô", họ nhắm vào mục tiêu khác.

"Siêu mẫu ngày nay là những người mẫu có lượng người theo dõi đông đảo nhất,"- Nicole Phelps, giám đốc tạp chí thời trang Vogue Runway tuyên bố.

Nguyên nhân rất đơn giản: họ chủ yếu xuất hiện trên truyền hình và các chương trình thực tế. Chỉ cần nhìn vào hai trường hợp gây tranh cãi, Jenner và chị em nhà Hadid là rõ. Họ bắt đầu từ chương trình thực tế (với Jenner là từ Keeping Up With the Kardashian, còn chị em Hadid là Real Housewives of Beverly Hills), nhờ sự hâm mộ của người xem mà nhận được các hợp đồng béo bở, đột ngột nhảy vào hàng ngũ những siêu mẫu hàng đầu.

Trong mắt người mẫu và nữ diễn viên gạo cội Rebecca Romijn (1972, Mỹ), cả Jenner lẫn chị em Hadid đều "không phải siêu mẫu thực thụ". Một số khác, ví dụ như siêu mẫu kiêm diễn viên Stephanie Seymour (1968, Mỹ) thậm chí còn nặng lời dè bỉu. Nhưng rõ ràng thời thế đã khác.

Nhân tố quyết định là sự phản ứng của người theo dõi

Cái khác của "thời thế", cụ thể là sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông xã hội, cho phép mọi người đều có cơ hội làm "model".

Nếu ở thập niên trước, cái quyết định giá trị của một người mẫu nằm trong kết quả luyện tập, thành tích sàn catwalk… thì ngày nay, nó phơi bày trên trang truyền thông cá nhân, ở số lượng người theo dõi trực tuyến

Lượng người theo dõi trên các phương tiện truyền thông xã hội là yếu tố quyết định

"Giả như Kendall đăng một tấm ảnh,"- Phelps ví dụ,"lập tức liền có cả 100 triệu người nhìn thấy". Nếu tấm ảnh ấy lại nhằm quảng cáo cho một thương hiệu nào đó, nó cũng có nghĩa là 100 triệu người biết đến sản phẩm. Không nhà quảng cáo hay thương hiệu nào lại bỏ qua tiềm năng tuyệt vời ấy.

"Đây là một trường hợp mới thú vị về người mẫu,"– Phelps nhận định. Cô gọi họ là những"siêu mẫu mới". So với các siêu mẫu thời trước, họ không "danh giá" bằng nhưng có vẻ lại kiếm được nhiều tiền hơn.

Không còn sự riêng tư và sức hấp dẫn huyền bí

Có thể nói rằng, chính phương tiện truyền thông đã tạo ra các "siêu mẫu mới"."Đa số người mẫu chính quy, trong đó có cả người mẫu làm việc cho những nhà tạo mốt danh tiếng nhất, đều không đạt được cấp bậc siêu mẫu,"– Phelps giải thích."Nhờ truyền thông xã hội, ngay cả người mẫu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều có thể gây dựng tên tuổi và duy trì sự thành công."

Đổi lại, họ đánh mất ánh hào quang của sự bí ẩn. Nếu cuộc sống của các siêu mẫu thời tiền kỹ thuật số như Naomi Campbell đầy vẻ cao xa bao nhiêu, thì các siêu mẫu hậu kỹ thuật số lại trở nên quá gần gũi bấy nhiêu."Bạn biết họ ăn ở đâu, mua sắm những gì, hẹn hò với ai…"– siêu mẫu Coco Rocha (1988, Canada) cho biết.

Quả thực là khi dựa vào phương tiện truyền thông, mượn số lượng người theo dõi "khủng" để lập nghiệp, mọi khía cạnh đời tư cũng lồ lộ ra hết.

Song cho dù phương pháp để đạt đến đỉnh cao không giống nhau, dễ thấy một điều là người mẫu của thế hệ nào cũng đều nhắm vào mục tiêu "trở thành siêu mẫu hàng đầu".

Vũ Quế (Theo Helino. Nguồn CNN)

mai huong