Venezuela đòi Mỹ khôi phục quan hệ, Quốc hội phê chuẩn Guaido làm Tổng thống
Quốc tế - Ngày đăng : 07:40, 19/09/2019
Venezuela đã cắt đứt quan hệ với Mỹ sau khi Washington công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido làm tổng thống lâm thời vào ngày 23.1.
Phó Tổng thống Delcy Rodriguez nói với các phóng viên ở Caracas rằng việc nối lại đàm phán trên sẽ có ý nghĩa thúc đẩy Mỹ "khôi phục các liên hệ ngoại giao và đối thoại với chính phủ". Rodriguez cũng nói rằng Washington chỉ còn lại "một con đường duy nhất" sau khi đã thất bại trong việc loại bỏ quyền lực củaMaduro, và đó là "đàm phán và khôi phục ngoại giao".
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhắm mục tiêu trừng phạt vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela và các vây cánh của Maduro với một loạt các biện pháp đánh vào kinh tế.
Mỹ cũng đổ lỗi cho Maduro về sự sụp đổ kinh tế của Venezuela, từ đó khiến hàng triệu người đã phải tha hương vì cuộc sống bí bách. Đồng thời Mỹ coi Maduro là tổng thống bất hợp pháp sau khi có thông tin nói về sự bất thường trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Nhưng trong thời gian qua, mối quan hệ 2 bên có dấu hiệu ấm lại. Cả Maduro và Trump tháng trước đều nói rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra liên quan đến các quan chức cấp cao từ cả hai phía.
Rodriguez cũng hoan nghênh thỏa thuận hôm thứ hai 16.9 giữa chính phủ và các đảng đối lập thiểu số - bên ngoài liên minh của Guaido - để mở đường cho các cuộc đàm phán hướng tới những thay đổi chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng của Venezuela.
Thỏa thuận đạt được sẽ giúp các nhà lập pháp cánh tả trở lại Quốc hội vốn do phe đối lập thống trị và theo hướng ngược lại, chính quyền sẽ thả các tù nhân chính trị. Phó của Chủ tịch quốc hội Guaido, Edgar Zambrano, là người đầu tiên được phóng thích vào cuối ngày thứ ba. Zambrano cho biết 58 nhân vật đối lập khác cũng được thả ngay sau đó. Còn việc các dân biểu cánh tả trở lại Quốc hội là sao?
55 nghị sĩ của đảng PSUV cầm quyền đã tẩy chay quốc hội từ năm 2016 sau khi mất quyền kiểm soát cơ quan này trong cuộc bầu cử năm đó. Tòa án Tối cao Venezuela sau đó tước quyền lập pháp của quốc hội và trao quyền này cho Hội đồng Lập hiến mới thành lập, tồn tại song song với quốc hội.
Theo AFP, thỏa thuận của chính phủ với các đảng đối lập bên lề rõ ràng là nhằm cố gắng đẩy Guaido ra sân chơi quyền lực, bằng cách pha loãng cơ sở quyền lực của ông bằng các thành viên thân Maduro.
Trong một động thái thách thức vào thứ ba, Quốc hội đã xác nhận Guaido là người lãnh đạo cả nhánh hành pháp lẫn lập pháp. “Cuộc bỏ phiếu thể hiện sự ủng hộ chính trị không giới hạn đối với vai trò lãnh đạo của Juan Guaido, với tư cách chủ tịch quốc hội và tổng thống lâm thời", Quốc hội Venezuela ra thông báo sau cuộc bỏ phiếu hôm 17.9. Với động thái trên, Guaido, thủ lĩnh phe đối lập Venezuela, sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc hội sau khi nhiệm kỳ của ông này kết thúc vào đầu 2020. Đồng thời, động thái này cũng làm khó chonhững nỗ lực của chính quyền Maduro trong việc thể hiện sự chính danh để nối lại quan hệ với Mỹ.
Anh Tú