Heo rừng Triều Tiên nhiễm dịch tả ‘tấn công’ heo Hàn Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 12:03, 18/09/2019

Hàn Quốc đang tiêu hủy hàng ngàn con heo, sau khi xác nhận bị dịch tả heo châu Phi (ASF) tấn công tại một trại chăn nuôi gần vùng biên giới giáp CHDCND Triều Tiên.

Theo hãng tin AP, dịch ASF bùng phát ở Hàn Quốc xảy ra, bất kể chính quyền Hàn Quốc đã bỏ ra nhiều tháng nỗ lực triệt để giám sát các trại heo gần vùng biên giới giáp Triều Tiên, sau khi dịchASF bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 8.2018 rồi lây lan qua Triều Tiên.

Qua tháng 5.2019, Triều Tiên báo cáo với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) rằng 77/99 con heo tại một hợp tác xã chăn nuôi ở vùng biên giới giáp Trung Quốc đã chết vì nhiễm dịch ASF, và 22 con còn lại đã bị tiêu hủy.

Vẫn theo AP, Triều Tiên đã ngưng hợp tác với Hàn Quốc, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump bị đổ vỡ hồi tháng 2. Bình Nhưỡng cũng phớt lờ đề nghị của Seoul là cùng nỗ lực phòng chống dịch ASF lây lan.

Hàn Quốc đã cài vô số hàng rào và bẫy quanhvùng trại heo gần biên giới, nhằm không cho heo nuôi bị nhiễm dịch từ heo rừng vốn có nhiều ở trong và ngoài lãnh thổ Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc có theo dõi hoạt động của heo rừng nhờ các thiết bị cảm ứng nhiệt cài dọc vùng biên giới, nói khó có chuyện heo rừng lẻn được qua hàng rào kẽm gai ở vùng biên giới đầy mìn. Thế nhưng các quan chức chính phủ nói heo rừng có thể bơi vượt sông.

Ngày 17.9, Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Quốc Kim Hyun-soo nói trại heo ở thành phố Paju (Hàn Quốc) bị dịch ASF tấn công chỉ cách một con sông chảy ngang vùng biên giới khoảng 2,5 km, nhưng đó là một trại nuôi trong nhà kín, không có cửa sổ và có hàng rào bao quanh để chặn heo rừng. Ông cũng nói chủ trại và 4 nhân công người Nepal gần đây đã không rời khỏi Hàn Quốc.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc nói các điều tra viên được cử đến trại trên nhằm truy vết nguồn gốc bùng phát dịch ASF hồi tháng 5.2019, và chưa thể rõ có phải ASF đã từ Triều Tiên lây lan qua Hàn Quốc hay không. Hồi tháng 6, Bộ nói xét nghiệm máu của đàn heo ở khoảng 340 trại gần vùng biên giới giáp Triều Tiên đã có kết quả âm tính.

Bộ trưởng Kim còn nói ca lây nhiễm nghiêm trọng đầu tiên được xác nhận hôm 17.9, sau các cuộc xét nghiệm trên 5 con heo chết tối 16.9 tại một trại heo ở thành phố Paju. Sau đó, Bộ nói đang xem xét nguy cơ đã xảy ra vụ lây nhiễm thứ hai tại một trại heo ở thành phố Yeoncheon lân cận. Chủ trại này đã báo tin một con heo chết vì dịch ASF. Dự kiến kết quả xét nghiệm sẽ có trong ngày 18.9.

Xe phun thuốc tẩy trùng trước một trại heo gần vùng biên giới giáp Triều Tiên - Ảnh : AP

Các quan chức đã lên kế hoạch vào ngày 17.9 sẽ hoàn tất công tác tiêu hủy 4.000 con heo được nuôi tại trại chăn ở Paju và ở hai trại khác. Các trại này đều do một gia đình điều hành. Chính quyền cũng tăng cường nỗ lực tẩy uế cho các trại heo và xe tải, đồng thời ra lệnh tạm ngừng hoạt động suốt 48 giờ đối với tất cả các trại heo, lò mổ và các xí nghiệp cung cấp thức ăn trên toàn quốc, nhằm phòng chống ASF lây lan.

Dịch ASF đe dọa một ngành công nghiệp lớn của Hàn Quốc, liên quan 6.300 trại nuôi hơn 11 triệu con heo. Bộ trưởng Kim nói Bộ sẽ nỗ lực tối đa để ngăn chặn dịch lan rộng, và khi đề cập thời gian ủ dịch, ông nói: “Chúng tôi cho rằng tuần đầu tiên (sau khi bùng phát dịch) sẽ là nguy hiểm nhất”.

Ông Kim cũng nói Bộ sẽ nhanh chóng hoàn tất khâu hiểm tra toàn bộ số trại heo trên toàn quốc, kiểm tra từng con heo để biết con vật đã lây dịch ASF hay không, và Bộ cũng sẽ tiến hành thử nghiệm ngay khi có những triệu chứng nhẹ nhất.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi tiến hành nhanh chóng các biện pháp kiểm dịch, nhằm tránh dịch ASF có thể gây tổn hại lớn cho ngành thịt heo quốc gia.

Dịch ASF bùng phát ở miền đông bắc Trung Quốc hồi tháng 8.2018 và không hề có cách chữa hoặc vắc-xin phòng chống. Theo Tổ chức Thú Y thế giới, dịch ASF “là một căn dịch virút nghiêm trọng, tác động đến heo nhà nuôi và heo rừng, và dù “chịu trách nhiệm gây lỗ lã kinh tế và cho sản xuất, virút này không gây hại cho người, nhưng lây nhiễm và gây tử vong cho đàn heo”.

Theo AP, một số con heo rừng lây cũng khiến lan nhiễm dịch ASF ở Nga và 7 nước châu Âu. Virút ASF cũng đã lan sang nhiều quốc gia, như Việt Nam, Mông Cổ, Nam Phi, Úc... trước khi tràn đến bán đảo Triều Tiên.

Mỹ Trinh (theo AP)

Mỹ Trinh