Thân thiện với môi trường, đồ chơi trung thu truyền thống lên ngôi
Văn hóa - Ngày đăng : 15:11, 12/09/2019
Mỗi dịp Tết Trung thu, cả con phố Hàng Mã (Hà Nội) như khoác lên mình một bộ áo mới với đủ màu sắc rực rỡ. Bên cạnh những món đồ chơi nhập ngoại nổi bật bắt mắt thì những những món đồ chơi trung thu truyền thống giản dị nhưng ý nghĩa, chứa đựng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc vẫn giành được tình cảm ưu ái của các bậc phụ huynh lẫn các em nhỏ hơn cả.
Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Do đó, những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao… là lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến kích sự học, thành đạt.
Trung thu năm nay, rất nhiều người đã quyết định nói “không” với đồ chơi nhựa và lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồ chơi truyền thống đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn thân thiện với môi trường và lành tính với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, năm nay các loại đồ chơi truyền thống được làm thủ công đã chiếm đa số tại các cửa hàng.
Một phụ huynh chia sẻ: “Hàng Trung Quốc nhập rất đa dạng và bắt mắt nhưng mình không dám chắc có an toàn với trẻ nhỏ không. Hiện nay mọi người cũng tích cực ủng hộ chiến dịch giảm nhựa nên mình quyết định sẽ mua cho con một chiếc đèn ông sao và một vài chiếc tò he, vừa đẹp lại an toàn”.
Hình ảnh quen thuộc với người dân Việt như đèn lồng, mặt nạ, trống, tò he… được bày bán với số lượng nhiều. Những chiếc đầu lân, đèn ông sao 5 cánh, mặt nạ giấy bồi, trống tiêu vẫn được xếp vào hàng đầu tiên trong những lựa chọn tiêu dùng của người dân và trẻ em trong dịp Tết Trung thu này.
Nhiều chủ cửa hàng cho biết, đồ chơi truyền thống tuy được làm bằng tay nhưng giá không hề đắt. Những món đồ chơi nhỏ, đơn giản có giá từ 10.000 – 100.000 đồng/sản phẩm thường được mua số lượng lớn để trang trí, tặng hàng loạt trong các công ty, cơ quan, trường học…
Thiết kế giản dị, xinh xắn và mộc mạc của những món đồ chơi truyền thống bao đời nay đã là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của không biết bao thế hệ người Việt Nam. Khi ý thức bảo vệ môi trường của người Việt trẻ gần đây ngày càng lên cao, những chiếc súng nhựa, mặt nạ nhựa sẽ để lại một núi chất thải trong môi trường, họ lại muốn tìm về những điều bình yên, an lành từ những món đồ chơi đơn sơ của Tết Trung thu ngày xưa.
Năm nay, phố Hàng Mã còn có thêm món đồ chơi cho những ai ưa thích sự sáng tạo, đó là những chiếc mặt nạ giấy bồi trắng trơn được mỗi người mua về để thỏa sức tô vẽ theo ý thích của mình. Không khí đêm trung thu sẽ thêm rộn rã nếu được cùng bạn bè ngồi tô vẽ và khoe nhau những chiếc mặt nạ đầy màu sắc do mình tự làm nên.
“Người lớn ai cũng nghĩ giới trẻ thường chỉ thích những món đồ chơi lạ mắt nhưng không phải đâu, nhóm bạn mình năm nay lên Hàng Mã chơi chỉ toàn mua đèn cù và mặt nạ giấy bồi. Chúng mình muốn chung tay bảo vệ môi trường và cũng muốn có một Trung thu như hồi còn bé”, bạn Như Anh chia sẻ.
Những món đồ chơi truyền thống cho dù có thể không đẹp, không bắt mắt bằng những món đồ chơi ngoại nhập, nhưng cuối cùng vẫn tìm được một chỗ đứng khi mọi người ý thức được giá trị truyền thống, ho muốn thông điệp quá khứ được lan tỏa, hướng tới một cuộc sống tối giản và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Đan Thùy