Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý bị khởi tố về tội gì?
Sự kiện - Ngày đăng : 16:12, 19/08/2019
Ngày 19.8, nguồn tin của PV cho biếtCơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Nhà máy Xử lý rác thải TP.Cà Mau (thuộc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, gọi tắt là Công ty Công Lý). Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Tô Công Lý (35 tuổi), Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 179, Bộ luật Hình sự.
Rạng sáng 1 ngày trước, nhiều xe biển số xanh của Bộ Công an rút khỏi nhà của Tô Công Lý (đồng thời là trụ sở Công ty Công Lý tại 127ANguyễn Tất Thành, TP.Cà Mau) sau khi hoàn tất thủ tục khám xét. Tô Công Lý sau đó được đưa về Trại tạm giam B34 của Bộ Công an.
Ông chủ của nhiều dự án điện gió hàng chục nghìn tỉ đồng
Tô Công Lý là con trai duy nhất của ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý. Đại gia Tô Hoài Dân được nhiều người biết đến vì đầu tư nhiều dự án điện gió ở miền Tây Nam Bộ và thường đi xe siêu sang biển số ngoại giao.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau cấp (đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 23.9.2013) thì Công ty Công Lý có vốn điều lệ 700 tỉ đồng, thành lập từ ngày 10.11.2000. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Công Lý là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.
Cụ thể, Công ty Công Lý chuyên xây dựng dân dụng; xây dựng công trình giao thông, thủy lợi; thi công các công trình nạo vét kênh mương, làm bờ bao phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Công ty Công Lý còn đăng ký thêm các ngành kinh doanh bao gồm đầu tư khu du lịch sinh thái, đầu tư kinh doanh điện gió, các sản phẩm nhựa tái chế, xử lý rác thải, chế biến và kinh doanh phân vi sinh.
Công ty Công Lý không chỉ là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (vốn 5.200 tỉ đồng, đã đưa vào hoạt động) mà còn có Điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) với vốn đầu tư 5.519 tỉ đồng.
Đến đầu tháng 1.2018, Tô Công Lý lại theo cha đến Bạc Liêu để khởi công giai đoạn 3 Nhà máy Điện gió Bạc Liêu với vốn khoảng 8.900 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty của gia đình Tô Công Lý còn tham gia dự án Nhà máy Điện gió Công Lý Sóc Trăng do Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Công ty này cũng do cha ruột ông Lý làm Chủ tịch HĐQT và dự án tại Sóc Trăng có công suất 98 MW, tổng vốn đầu tư trên 5.390 tỉ đồng. Như vậy, 4 dự án phong điện mà công ty gia đình ông Lý đầu tư ở Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu có tổng vốn lên đến trên 24.000 tỉ đồng
"Bão tố" đến từ nhà máy xử lý rác
Là ông chủ của những dự án phong điện hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng công ty gia đình của Tô Công Lý xuất phát điểm từ khu du lịch Khai Long cách đây hơn chục năm. Khi bãi biển Khai Long bị sóng gây sạt lở nghiêm trọng thì Công ty Công Lý "bỏ chạy" về TP.Cà Mau để đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải với vốn đầu tư khoảng 330 tỉ đồng. Ngày khởi công nhà máy vào đầu tháng 4.2010, lãnh đạo Công ty Công Lý mời nhiều ca sĩ từ TP.HCM xuống tham gia biểu diễn.
Đây là nhà máy xử lý rác xây dựng theo chính sách ưu đãi, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 40% (khoảng 120 tỉ đồng), ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%, 50% vốn còn lại là của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong 6 năm hoạt động, Công ty Công Lý cho biếtnhà máy liên tục thua lỗ, số tiền khoảng 133 tỉ đồng.
Tháng 4.2019, Công ty Công Lý có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi lẫn trong rác tại nhà máy xử lý rác. Theo đó, công ty gặp tình trạng nhức nhối là thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hằng ngày tập kết về nhà máy. Tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thai nhi. Nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên.
Tuy nhiên, đến nay quỹ đất này không còn chỗ chôn cất, mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí. Trước thực tế này, công ty trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc nhét thai nhi theo xe rác vào nhà máy.
Công nhân nhà máy rác nói về việc chôn xác thai nhi trong khuôn viên nhà máy - Ảnh: Hàm Yên
Từ yêu cầu của Công ty Công Lý về việc phát hiện nhiều xác thai nhi lẫn vào rác thải đi vào nhà máy xử lý rác, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu công an và cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Nhà chức trách sau đó chỉ khai quật được 9 hũ sành chứa một số mẫu vật bên trong mà doanh nghiệp cho là họ đã an táng các xác thai nhi.
Làm việc với đoàn công tác, Công ty Công Lý cung cấp 83 phiếu chi tiền mua đồ tẩm liệm từ ngày 12.8.2013 đến 25.2.2019, với số tiền trên 16 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi lần chôn cất xác thai nhi, doanh nghiệp chỉ tốn gần 193.000 đồng.
Đầu tháng 8.2019, Công an tỉnh Cà Mau xác định công nhân Nhà máy Xử lý rác thải TP.Cà Mau phát hiện bào thai lẫn trong rác thu gom về đây là có thật. Tuy nhiên, chưa có căn cứ đánh giá chính xác về số lượng, thời gian xảy ra và nguồn gốc thai nhi.
Đối với 9 hũ sành được khai quật lên trong khuôn viên nhà máy, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định mẫu vật là xương người, tuổi xương ở giai đoạn bào thai.
Trong lúc vụ xác thai nhi lẫn trong rác chưa xử lý dứt điểm thì người dân Cà Mau đón nhận thông tin rúng động từ Công ty Công Lý. Vị phó tổng giám đốcsinh ngày 24.12.1984bị bắt được cho là liên quan đến nhiều hạng mục của dự án xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải TP.Cà Mau.
Theo thông tin ban đầu, Tô Công Lý đã lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư nhà máy của Nhà nước để chiếm đoạt tiền đối với một số hạng mục xây dựng của nhà máy dù không thực hiện đúng.
Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết do vụ án được Bộ Công an điều tra nên địa phương không nắm được thông tin.
Hàm Yên