Bị Trung Quốc siết đầu vào, nông sản Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:22, 06/08/2019

Mặt hàng nông sản, thủy sản của Mỹ đã chuyển hướng tăng mạnh vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sau những thông báo ngừng nhập khẩu từ phía Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước diễn ra ngày càng căng thẳng.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan mới đây cho biết, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 6,9 tỉ USD, tăng mạnh hơn 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, có tới 14 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Nhập khẩu máy vi tính, điện tử từ Mỹ tăng rất mạnh 49% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2,2 tỉ USD. Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Mỹ tăng tới 107%, đạt trên 24 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô cũng tăng 95%, đạt 8,8 triệu USD.

Đáng chú ý như mặt hàng rau quả từ Mỹ vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 tăng tới 70%, đạt hơn 116 triệu USD. Mặt hàng thủy sản Mỹ nhập vào Việt Nam tăng mạnh 67%, đạt 47 triệu USD. Ngoài ra, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc nhập từ nước này cũng tăng hơn 66%, đạt hơn 5 triệu USD.

Giới chuyên gia nhìn nhận nguyên nhân khiến nông, thủy sản… của Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh với giá rẻ hơn vì khó vào thị trường Trung Quốc do chiến tranh thương mại giữa hai nước ngày càng căng thẳng.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chính thức thông báo ngừng mua nông sản Mỹ, đáp trả Trump áp thuế 10% với 300 tỉ USD hàng hóa.

Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều loại nông sản như: đậu nành, thịt lợn, bông, cao lương, trái cây, trong đó đậu nành là chủ yếu. Tính đến ngày 25.7 vừa qua, Mỹ đã xuất khẩu 10,1 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc, giảm 27,5 triệu tấn so với cùng thời điểm năm 2018.

Sau thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Nông trại Mỹcho biết xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 1,3 tỉ USD trong nửa đầu năm nay và nông dân hiện phải đối mặt nguy cơ mất thị trường 9,1 tỉ USD năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc đã đạt 19,5 tỉ USD trong năm 2017.

Tuyết Nhung

tuyetnhung