Công trình nghiên cứu Nho giáo của học giả Trần Trọng Kim trở lại với diện mạo mới
Văn hóa - Ngày đăng : 14:45, 05/08/2019
Lệ Thần Trần Trọng Kim là một trong những học giả uyên bác, tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong sự nghiệp nghiên cứu cống hiến cho ngành giáo dục và nền văn hóa Việt Nam của ông, bên cạnh Việt Nam sử lược – bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được soạn theo phương pháp hiện đại, một tác phẩm kinh điển của sử học Việt Nam, Lệ Thần Trần Trọng Kim còn để lại cho đời sau một công trình đồ sộ và quan trọng bậc nhất – công trình nghiên cứu Nho giáo.
Nho giáo của Trần Trọng Kim là một trong những bộ sách đầu tiên ở Việt Nam thời hiện đại nghiên cứu về Nho giáo Trung Hoa và những ảnh hưởng lớn lao của nó đến đời sống văn hóa Việt Nam. Ông đã viết trong lời tựa của công trình này: “Việc làm quyển sách nói về Nho giáo tức là việc vẽ lấy cái bản đồ của Nho giáo”. Không giấu diếm niềm ngưỡng mộ đối với một học thuyết từng là bệ đỡ tinh thần cho nhiều dân tộc Á Đông suốt hàng nghìn năm, Trần Trọng Kim đã tổng thuật và chứng minh tính hoàn chỉnh của một hệ thống triết học ở Nho giáo. Ngoài việc “trích lục những lời nguyên văn của thánh hiền đã ghi chép trong các kinh truyện cùng những điều của tiên nho lưu truyền ở trong các sách vở (...)để làm minh chứng cho cái học thuyết của Nho giáo”, ông luôn cố giữ thái độ khách quan trong việc đưa ra những nghị luận khác.
Bằng phương pháp làm việc cẩn chỉ và nghiêm túc, Trần Trọng Kim đã đứng vững trên tư cách một nhà khoa học để thăm dò, miêu tả học thuyết phức tạp này, kể từ thời điểm nó ra đời, qua quá trình phái sinh, mở rộng bởi vô số học phái ở nhiều thời kỳ khác nhau, cho đến khi nó suy tàn vào đầu thế kỷ 20.
Ấn bản Nho giáocủa học giả Trần Trọng Kim lần đượcgiữ nguyên theo ấn bảnNho giáodo Lê Thăng xuất bản năm 1943
Trần Trọng Kim, với tư cách một học giả, một nhà giáo mẫu mực, có uy tín, một lòng tận tụy với sự nghiệp giáo dục và nền văn hóa của nước nhà, “vì chút lòng hoài cổ, không quản sự khó khăn, không sợ việc to lớn, đem cái sức nhỏ mọn mà tự nhận lấy việc làm sách này, đêm ngày tìm kiếm, nghĩ ngợi, cố tả cho rõ cái chân tướng của Nho giáo, để họa may có bổ ích cho sự học của người mình được chút nào chăng. Dẫu tả không được đúng cái chân tướng ấy cho lắm, nhưng cũng là một việc làm để giữ lấy di tích về sau” cốt cũng vì một chủ đích: hy vọng “để cho những kẻ hậu học sau này, ai muốn biết cái tinh thần của xã hội ta khi xưa bởi đâu mà sinh ra, và cái tinh thần ấy về sau tại làm sao mà hư hỏng đi”. Theo ông“việc tiến hóa của một dân tộc không phải là chỉ cần lấy học cho biết cái biết của người mà thôi, lại cần phải biết rõ những cái của mình đã có, để đem dung hòa cái mới với cái cũ mà gây thành ra cái tinh thần mới, có thể thích hợp với cái hoàn cảnh của mình, thích hợp với cái trình độ và cái tâm tính của mình”.
Với việc cung cấp lượng tri thức uyên bác, khả tín, và bằng một văn phong giản dị, kết cấu mạch lạc, bộ sách của Lệ Thần Trần Trọng Kim là một công trình khảo cứu quyền uy và được tham khảo rộng rãi trong các nghiên cứu về Nho giáo ở Việt Nam.
Ngày nay, những ý kiến đánh giá về Nho giáo rất đa dạng, thậm chí trái chiều nhau. Nhưng, dù khen hay chê Nho giáo, thì công trình của Trần Trọng Kim vẫn xứng đáng là cuốn sách nhập môn cho tất cả những ai muốn đi sâu và xa hơn để tìm hiểu thuyết này.
Ấn bản Nho giáo của học giả Trần Trọng Kim lần này đượcgiữ nguyên theo ấn bản Nho giáo do Lê Thăng xuất bản năm 1943 (chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay). Sách do Nhã Nam phát hành từ tháng 8.2019.
Cụ Trần Trọng Kim (1882 – 1953), bút hiệu Lệ Thần, người làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, ông gần như dành cả cuộc đời cho sự nghiệpgiáo dục và cho nền văn hóa Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20.
Ông khởi đầu sự nghiệp từ năm 1914 khi phụ trách mục “Học khoa” trên Đông Dương tạp chí. NgoàiViệt Nam sử lược (1920) và Nho giáo (1930 – 1933) là hai công trình đồ sộ và quan trọng nhất, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị vượt thời gian, như Sơ học luân lý (1914), Sư phạm khoa yếu lược (1916), Quốc văn giáo khoa thư (1916), Truyện Thúy Kiều (1925, soạn chung với Bùi Kỷ), Phật lục (1940), Việt Nam văn phạm (1940, soạn chung với Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ), Một cơn gió bụi (1949 – 1969)...
Trần Trọng Kim còn là một chính trị gia, một nhà giáo mẫu mực, có uy tín trong xã hội. Cuộc đời ông là tấm gương về tư cách của một học giả.