Bài 1: Chàng trai mù bẩm sinh và sự dằn vặt của một gia đình
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:24, 02/08/2019
28 tuổi, Nguyễn Trường Ngoan (trú P.Trà An, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) được bác sĩ kết luận bị mù bẩm sinh. Anh chưa bao giờ nhìn thấy cuộc sống này tươi đẹp, muôn màu muôn vẻ như thế nào cho đến khi anh tìm đến âm nhạc. Những tiếng đàn tỉ tê đã kéo anh ra khỏi bóng tối.
Mò mẫm trong bóng tối, chinh phục 6 loại nhạc cụ
Đang nằm trên võng, nghe có khách tới chơi, anh Ngoan lần mò rờ cạnh bàn, kéo chiếc ghế ngồi xuống, khuôn mặt anh rạng rỡ khi có người chuyện trò. Mẹ anh Ngoan kể, mấy tháng nay, người bạn già thường chở anh đi đánh đàn ca cổ ở mấy nhà hàng đột ngột qua đời. Anh Ngoan mất mối làm việc, ở nhà buồn thiu. Mấy tháng liền anh chẳng buồn đụng tới cây đàn ghita phím lõm, mà chỉ suốt ngày ngồi tư lự.
Bà Ngô Mỹ Duyên (50 tuổi), mẹ anh Ngoan kể, từ năm 12 - 13 tuổi gì đó, anh Ngoan đã được ông nội tự làm 1 cây đàn cò rồi dúi vào tay anh, bảo anh tập chơi. “Cha chồng tôi cũng biết đánh đàn sơ sơ à, bữa đó ông đánh xong rồi đưa cho thằng nhỏ. Ổng biểu, con đánh thử coi. Rồi từ đó, thằng nhỏ mê mệt tiếng đàn”, bà Duyên hồi tưởng.
Vậy là từ đó, ngày ngày Ngoan mày mò, cảm nhận từng âm thanh để học đàn. Thấy cháu mê nhạc, ông nội mới tìm mua thêm những loại đàn khác nhau để Ngoan thỏa lòng. Âm thanh từ cây ghita phím lõm dùng để chơi Đờn ca tài tử từ từ ngấm vào tâm hồn thiếu niên trẻ. 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 7 bài Lễ… dần dần hết 20 bài bản tổ của Đờn ca tài tử được Ngoan học trọn và chơi nhuần nhuyễn.
“Nó cứ ngồi nghe nhạc trên đầu băng video rồi ngồi mày mò tập từ ngày này qua ngày khác. Thấy nó có niềm vui trong cuộc sống, ai cũng mừng”, người mẹ thổn thức nói. Học hết đàn cò, đàn ghita phím lõm, Ngoan mày mò học thêm đàn violin, đàn mandolin. Rồi mới đây chàng trai trẻ này còn ấp ủ học thêm đàn tranh vì mỗi lần nghe trên đài, anh đã bị tiếng đàn này chinh phục.
Sau mấy năm “dùi mài”, tiếng đàn của chàng thanh niên mù được nhiều người ở 1 xã nghèo thuộc H.Trần Văn Thời (Cà Mau) biết tới. Được gia đình động viên, Ngoan tự tin đi đàn ở những nhà hàng, quán nhậu ở TT.Sông Đốc để có thể tự kiếm tiền.
Anh cười rạng rỡ khi được ôm đàn - Ảnh: Thanh Nguyên
“Lúc đó, chiều nào em cũng đi, 1 tháng cũng được trả mấy triệu bạc, tiền như vậy là nhiều rồi. Chứ trước đó, em không nghĩ là mình có thể tự kiếm tiền được”, Ngoan kể.
“Lúc đó nó đi đàn cũng cực lắm, phải thuê xe chở đi, chở về. Rồi đêm hôm, mưa gió. Có khi khách yêu cầu phải đàn tới 1 - 2 giờ sáng. Hết đàn ngoài sân, có loa rồi vô trong phòng đàn. Nó không từ nan gì cả, nhưng ông nội thương nó lắm, ông cứ lần lựa bắt nó nghỉ hoài”, người mẹ kể.
Rồi Ngoan cũng đi làm đàn được mấy năm, tiền bạc kiếm được, anh dồn vô việc mua thêm nhạc cụ, đồ nghề, phụ giúp cha mẹ. Rồi tới lúc, ông nội của anh thấy một lần anh đội mưa đội gió về quá nửa đêm, ông xót cháu nước mắt lưng tròng, một hai bắt anh nghỉ. “Ông nội nói với em là thôi nghỉ, lúc nào có sô nào đó đám tiệc người quen mà đi ban ngày thì ông cho em đi. Em cũng chiều ông nên ở nhà luôn”, Ngoan nói.
Sự dằn vặt của 1 gia đình
Lần kể về gần 30 năm về trước, lúc Ngoan mới ra đời… Anh là con trai đầu của 1 đôi vợ chồng trẻ. Lúc sinh anh ra, anh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng số phận đã giáng xuống đầu anh 1 bi kịch không ai ngờ. Đến giờ, bà Duyên vẫn không thể xác định được con trai mình bị mù bẩm sinh hay đó là 1 tai nạn mà không ai mong muốn.
“Lúc sinh nó mấy ngày, ông nội nó nghe đâu người ta chỉ cho thằng nhỏ ăn sống mật của con chó mực thì sẽ ngừa được bệnh phong. Vậy là ông lấy một mẩu mật nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út quậy với nước cho thằng nhỏ uống. Uống xong, tôi thấy nó bất thường nhưng cũng không biết làm gì hơn”, bà Duyên hồi tưởng.
Mấy chục năm về trước, y tế còn kém phát triển, đường xá ở xứ giáp biển Cà Mau đi lại khó khăn vô cùng. Phải hơn 1 tuần sau, 2 vợ chồng mới ngồi xe hơn 1 ngày đường để đưa con lên TP.HCM khám. Bác sĩ thăm khám xong thì lắc đầu kết luận đôi mắt của đứa trẻ này hết cứunổi. “Tôi và chồng như ngã quỵ, đó là đứa con trai đầu lòng”, người mẹ nói trong nước mắt.
Nhưng tình thương cha mẹ dành cho con là vô bờ bến, sau lần đầu nghe bác sĩ báo tin, 2 vợ chồng bà Duyên chưa hết hy vọng mà còn quay lại thêm mấy lần nữa. Đến cuối cùng, họ mới buông xuôi chấp nhận cho đứa con trai sống trong bóng tối. Việc họ phải làm là cố gắng bù đắp cho đứa trẻ không may này.
Ông nội của Ngoan dường như cũng tự trách bản thân mình, từ đó ông dành hết tình thương cho đứa cháu này và Ngoan cũng luôn kề cận cho đến ngày ông qua đời. Bà Duyên kể, những ngày cuối đời ở tuổi 81, lúc nào ông cũng nói Ngoan đàn cho ông nghe. Và trong tiếng đàn tích tịch tình tang đó, ông đã nhắm mắt xuôi tai.
Bà Duyên hướng dẫn cho con trai cách cầm và thổi sáo - Ảnh: Thanh Nguyên
Bà Duyên kể: “Lúc ông già yếu rồi vẫn tự tay làm cá, nấu cơm cho thằng nhỏ ăn. Ông thương nó lắm, tôi và chồng đã thôi nhau gần 20 năm rồi, Ngoan nó ở với ông từ nhỏ, ông không cho ai nuôi nó hết. Ổng nói, khi ổng chết rồi ai muốn bắt nó đi đâu thì đi”. Rồi 2 năm trước, khi người ông qua đời, Ngoan về Cần Thơ sống với mẹ và em gái. Gia đình nhỏ 3 người sống trong 1 căn nhà trọ nhỏ, vừa là nơi ở vừa là quán cà phê nhỏ kiếm sống qua ngày.
Hoàn cảnh là thế, cơ cực là thế nhưng khi về Cần Thơ, Ngoan vẫn không quên tiếng đàn nuôi dưỡng tâm hồn mình mà cố gắng trau dồi rồi tiếp tục đi biểu diễn ở những quán nhậu, nhà hàng. Khách cần hát, anh sẽ hát, cần đánh đàn ghita anh sẽ đánh, cần đánh đàn sến (1 loại đàn 2 dây dùng trong dàn nhạc Đờn ca tài tử) anh cũng sẽ chiều lòng.
Nhưng rồi cũng trớ trêu thay, người bạn già trong 1 câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở Cần Thơ luôn kề cận anh trong mỗi đêm diễn cũng đột ngột qua đời. Tiếng đàn của Ngoan nhiều tháng không được cất lên, nằm trong góc nhà phủ bụi…
Sau buổi trò chuyện, cũng đến lúc Ngoan lấy cây đàn ghita phím lõm trên tường xuống, so dây lại và dạo lên khúc Nam ai, 1 trong những điệu Đờn ca tài tử. Khi cầm lại cây đàn, đôi mắt đục mờ của Ngoan như sáng lên, miệng dãn rộng, khuôn mặt phấn chấn. 2 tay đàn, chân gõ nhịp song loan đều đặn. Tiếng đàn vang lên giữa bộn bề cuộc sống, giữa tiếng còi ô tô inh ỏi ngoài đường. Rồi anh hát, 1 bài hát trữ tình, giọng hát đầm ấm như đang kể 1 câu chuyện buồn. “Có cây đàn, nó mới là nó”, người mẹ quay mặt đi, nói.
Với sự nỗ lực của mình, năm 2018, anh Ngoan được 1 Trung tâm Thực hành và Truyền dạy Đờn ca tài tử cấp Chứng nhận Đờn ca tài tử trình độ cơ bản và nâng cao. Có được chứng nhận này, Ngoan càng đam mê Đờn ca tài tử hơn nữa. Mỗi tối, anh dành cả đêm cho đến khuya chỉ để nghe và trau dồi thêm những bản ca cổ.
Chứng nhận Đờn ca tài tử cơ bản và nâng cao mà anh Ngoan nhận được vào năm 2018 - Ảnh: Thanh Nguyên
Cuối câu chuyện, thấy Ngoan phấn khởi, chúng tôi đánh bạo hỏi anh có ước mơ được lập gia đình không. Anh cười mà nói rằng, khi nào ổn định anh cũng mong có được 1 mái ấm. Dù vậy, nhưng khi không có anh người mẹ lại đau lòng mà nói: “Nó cũng hay nói giỡn lắm, nói vậy thôi chứ nó không nghĩ đến chuyện vợ con đâu”.
Trước khi từ biệt anh, PV gửi tặng anh 1 cây sáo trúc, Ngoan vội đưa tay tìm lấy như 1 đứa trẻ nhận được quà. Niềm vui đối với chàng trai này chỉ xoay quanh âm nhạc Đờn ca tài tử. Loại hình văn hóa này có những lúc đã đưa anh thoát khỏi vùng bóng tối và kết nối được với mọi người.
Thanh Nguyên