Cả Mỹ vàTrung Quốc đều lôi kéo các nước ASEAN về phía mình
Quốc tế - Ngày đăng : 15:23, 01/08/2019
Ngày 31.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bangkok dự Diễn đàn khu vực ASEAN, để quảng bá chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương "Tự do và Mở cửa", một khung làm việc về kinh tế-quân sự nhằm đối phó việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đến hai vùng biển này, và cũng là một biện pháp đối phó với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.
Trên đường đi, ông Pompeo nói chiến lược này từng bị trì hoãn thời ông Barack Obama làm chủ Nhà Trắng, nay đã đem lại kết quả cho Mỹ và các đồng minh: “Chúng tôi đã được chứng kiến việc hình thành những khối đồng minh”.
Ông Pompeo cũng bác bỏ nhận định tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN đang lớn lên, nói rằng “nhận định đó không hề chính xác. Các nước ASEAN đang tìm kiếm các đối tác giúp họ xây dựng nền kinh tế và chăm lo cho nhân dân nước họ”, và ông hứa chính phủ Tổng thống Donald Trump sẽ gắn bó hơn với ASEAN.
Ngày 2.8, ông Pompeo sẽ gặp hai vị đồng cấp Nhật Bản-Hàn Quốc để củng cố mối quan hệ đồng minh tại khu vực. Ông cũng sẽ nói chuyện với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói chuyến đi của ông Pompeo nhằm đào sâu “quan hệ đồng minh lâu năm và quan hệ song phương sống động của Mỹ với các nước, và tái khẳng định sự cam kết của chúng tôi đối với ASEAN vốn là trung tâm trong tầm nhìn của chúng tôi về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đến thủ đô của Thái Lan để quảng bá BRI với các vị đồng nhiệm của Campuchia, Philippines và Indonesia. BRI thiên về thương mại và nhằm củng cố cơ sở hạ tầng đường bộ và đường biển kết nối trong châu Á, châu Á với châu Phi. Nhưng phương Tây nghi ngờ BRI nhằm làm xói mòn trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Khi gặp Ngoại trưởng Teodoro Locsin của Philippines, ông Vương nói Trung Quốc sẵn sàng trao đổi cấp cao với Philippines để đào sâu sự tin cậy lẫn nhau, quảng bá BRI ở Philippines nhằm tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói có thể diễn ra cuộc gặp giữa hai vị Bộ trưởng Mỹ-Trung để “nói chuyện thẳng thắn về quan hệ song phương”. Bà cho rằng Trung-Mỹ duy trì liên lạc do hai nước đang đối mặt với nhiều tình hình.
Các nhà phân tích nói chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã định hình chính sách của ông đối với ASEAN. Ông từng “thề” sẽ trừng phạt các nước khiến Mỹ bị thâm thủng thương mại, gồm cả các nước thành viên ASEAN. Ông đã không dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore năm 2018, khiến có lo ngại rằng cam kết gắn bó với châu Á của Mỹ đã bị suy giảm.
Diễn đàn Khu vực ASEAN 2019 diễn ra khi các nước đón nhận các chương trình của Trung Quốc, phần nào do sự khó lường trước của chính phủ Mỹ, theo nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Charturvedy của Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore): “Những bất ổn chính trị của chính quyền Trump đã đẩy vài quốc gia ASEAN nghiêng về Trung Quốc, điều xem ra chưa hề có trong vài năm trước”.
Bà Clarita Carlos, Giáo sư khoa chính trị ở Đại học Philippines, gợi ý khi dự Diễn đàn khu vực ASEAN, các nước ASEAN cần thực tiễn, cần tìm ra sự cân bằng giữa hai thế lực Mỹ-Trung cho mỗi nước, nhằm đạt tối đa quyền lợi và lợi thế của mỗi quốc gia.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)