Lãnh đạo phe đối lập Nga nghi bị đầu độc trong tù
Quốc tế - Ngày đăng : 11:54, 29/07/2019
Theo Reuters, ông Navalny, 43 tuổi, được đưa vào bệnh viện khi đang thụ án 30 ngày trong tù vì vi phạm luật cấm biểu tình ở Nga. Sự việc xảy ra một ngày sau khi cảnh sát Moscow bắt giữ hơn 1.000 người bị cáo buộc “biểu tình bất hợp pháp” chống chính phủ hưởng ứng theo lời kêu gọi của ông Navalny.
Người phát ngôn của lãnh đạo phe đối lập Nga, Kira Yarmysh cho biết ông Navalny có dấu hiệu bịdị ứng cấp tính kèm theo tình trạng“sưng tấy nghiêm trọng ở mặt và nổi mẩn đỏ trên da”.
Bác sĩ điều trị cho ông nói với hãng thông tấnInterfaxrằng Navalny được chẩn đoán là bị nổi mề đay và tình trạng của ông hiện đã khá hơn.
Tuy nhiên, Anastasia Vasilyeva, một bác sĩ từng điều trị cho nhà lãnh đạo đối lập Nga cho biết bà đã có cuộctrò chuyện ngắn với ông Navalny cũng như quan sát ông tại bệnh viện, bà không thể loại trừ khả năng ông đã bị đầu độc bởi “bên thứ ba”.
"Chúng tôi không thể loại trừ khả năng những tổn thương ở da và niêm mạc của ông Navalny là do một "bên thứ ba"tác động bằng một chất hóa học chưa xác định ", bác sĩVasilyeva viết trên Facebook.
Bác sĩ Vasilyeva cho biết lãnh đạo phe đối lập Nga bị phát ban ở phần trên cơ thể, tổn thương da và tiết dịch từ mắt. Nữ bác sĩ này cũng yêu cầu lấy mẫu khăn trải giường, da và tóc của ông Navalny để kiểm tra về sự hiện diện các chất hóa học.
Tuy nhiên, yêu cầu của bà Vasilyeva không được chấp nhận và nữ bác sĩ này cho rằng việc không được phép kiểm tra ông Navalny một cách phù hợp là điều đáng ngờ.
Bệnh viện Moscow nơi được cho là đang điều trị cho ông Navalny hiện chưa có bình luận nào về sự việc.
Trong khi đó, luật sư của Navalny, bà Olga Mikhailova viết trên Facebook hôm 28.7, rằng các bác sĩ không biết điều gì đã xảy ra với bệnh nhân, nhưng bà cho rằng các triệu chứng của ông Navalny đang gặp phải là bất thường vì vị lãnh đạo đối lập này trước nay chưa từng bị di ứng.
Hồi năm 2017, ông Navalny đã bị bỏng nghiêm trọng do một vụ tấn công bằng hóa chất. Thời điểm đó, các bác sĩ đã phục hồi được thị lực và cứu được mắt của ông.
Được biết, ông Navalny là một luật sư, nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng và được đánh giá là thách thức lớn nhất cho quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo đối lập này đã từng nhiều lần bị bỏ tù thời gian ngắnvào năm 2012 và 2014 do tổ chức biểu tình chống chính phủ.
Tòa án Nhân quyền châu Âu năm ngoái đã ra phán quyết tuyên bố việc Nga bắt và giam giữ ông Navalny trong các năm 2012 và 2014 là vì động cơ chính trị và vi phạm nhân quyền cơ bản của ông này.
Lần gần nhất ông Navalny bị bỏ tù là vào hôm 24.7 với thời hạn 30 ngày, vì kêu gọi người dân biểu tình nhằm phản đối ủy ban bầu cử của thủ đô Moscow loại bỏ nhiều ứng viên đối lập tranh cử hội đồng thành phố trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong khi ông Navalny đang thụ án ở nhà tù, cảnh sát Nga đã vây bắt hơn 1.000 người tham gia biểu tình ở thủ đô Moscow hôm 27.7. Đây là một trong những vụ trấn áp lớn nhất gần đây đối với phe đối lập và đã vấp phải chỉ trích từ quốc tế, trong đó có Mỹ.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, Andrea Kalan, hôm 28.7 nói rằng các vụ giam giữ ở Moscow và việc sử dụng lực lượng cảnh sát không cân xứng làm suy yếu quyền công dân tham gia vào quá trình dân chủ.
Hoàng Vũ (theo Reuters)