Trung Quốc ủng hộ Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 20:59, 11/07/2019

Đại diện của Trung Quốc tại Hồng Kông đã ra tuyên bố rằng Bắc Kinh ủng hộ Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
          

Tuyên bố của Đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông diễn ra trong bối cảnh Hồng Kông đang trong thời điểm căng thẳng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997. Trong gần 1 tháng qua, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình để phản đối Dự luật Dẫn độ của thành phố này. Những cuộc biểu tình này đã biến thành bạo động, đặc biệt là hôm 1.7 khi hàng ngàn người biểu tình tràn vào đập phá tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.

Ông Vương Chí Dân, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông, đã lên tiếng chỉ trích tình hình bạo lực đã nổ ra trong một số cuộc biểu tình, gồm cả vụ đột nhập, đập phá tòa nhà Hội đồng Lập pháp.  

"Nếu chúng ta thờ ơ với tội ác và các vi phạm pháp luật, thậm chí là minh oan, miễn tội hoặc hỗ trợ họ, đó sẽ là một thách thức trắng trợn đối với luật pháp ở Hồng Kông. Cuối cùng tất cả điều này sẽ làm tổn hại đến lợi ích của tất cả người dân Hồng Kông", ông Vương nói.

"Do đó, chính phủ Trung ương hỗ trợ mạnh mẽ cho Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền Đặc khu hành chính để tiếp tục cai trị hiệu quả và chủ động tạo ra sự khác biệt theo luật pháp, hỗ trợ vững chắc cho cảnh sát Hồng Kông thực hiện nhiệm vụ của mình theo luật pháp", ông Vương nói thêm, khẳng định Bắc Kinh ủng hộ bà Lâm và chính quyền Hồng Kông.

Tuyên bố này của ông Vương được đưa ra trong một sự kiện ủng hộ chính quyền ở Hồng Kông được truyền hình trực tiếp trên truyền hình.

Hồng Kông đã được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 với tư cách là Khu vực hành chính đặc biệt (SAR) với lời hứa về quyền tự chủ cao, dù nhiều người tại thành phố này cho rằng Bắc Kinh đã thắt chặt quyền lực của mình với thành phố hơn trong những năm gần đây.

Nhiều người ở Hồng Kông coi dự luật dẫn độ là một bước nữa trong việc tăng cường sự kiểm soát Bắc Kinh đối với trung tâm tài chính này. 

Trước sự phản đối dự luật, bà Lâm đã đình chỉ việc thông qua nó và cho hay dự luật này đã "chết", dù bà từ chối rút dự luật khỏi tiến trình lập pháp. Điều này khiến những người biểu tình không hài lòng và tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường cho tới khi bà Lâm bị cách chức hoặc phải từ nhiệm và rút hoàn toàn dự luật dẫn độ khỏi tiến trình lập pháp của Hồng Kông.

Ngoài việc đòi hỏi rút dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đòi điều tra về việc sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm 12.6 cũng như thả những người tham gia bạo loạn bị bắt.

Theo Reuters, các chuyên gia chính trị nhận định rằng sau khi bà Lâm xử lý tình hình hỗn loạn hiện nay thì "sự ra đi" của bà chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. 

Ông Vương cũng lập lại các tuyên bố cho rằng tình hình Hồng Kông hiện nay là do có sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài và chỉ một số ít người Hồng Kông muốn gây rối.

"Chúng ta nên cho chính phủ Đặc khu thời gian và cơ hội. Mọi người nên đoàn kết và tiến về phía trước, giúp đỡ lẫn nhau và xây dựng Hồng Kông, ngôi nhà chung của chúng ta", ông Vương nói thêm.

Thiên Hà (theo Reuters)

   

Hà Ngọc Bách