Chuyện người đàn ông làm nghề ‘trang điểm’ cho xác chết
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:52, 08/07/2019
Không sợ liệm cho người bị HIV, chỉ sợ người bị lao
Đến khu vực chợ Ba Mít, thuộc xã Trường Thành, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ, cứ hỏi nhà ông Hài “búi tóc” (hiện đã cắt), người chuyên đi liệm xác chết thì ai cũng biết. Công việc đó, luôn khiến người nghe vừa tò mò vừa có một chút ngưỡng mộ dành cho ông. Ngưỡng mộ là vì sự can đảm khi đối diện với những thi thể chết, và vì những nguyên nhân khác nhau.
Người đàn ông là nhân vật chính trong câu chuyện chúng tôi muốn kể ở đây là ông Dương Văn Hài (60 tuổi). Ông Hài là người đàn ông đặcsệt chất Nam bộ, tóc dài vừa phải, thích búi cao, chỉ thích ở đồng ruộng và tính cách phóng khoáng, hiếu khách. Vừa rồi, do mắc bệnh nằm bệnh viện, phẫu thuật, nên ông ngậm ngùi cắt đi búi tóc của mình. Về cái nghề liệm xác mà người đời hay nói tránh là “trang điểm” cho xác chết, ông Hài đến cũng thật tình cờ.
“Lúc còn trẻ, tầm 30 năm về trước, mấy nhà xung quanh có người chết, tôi hay qua phụ giúp công việc đám ma. Tôi đặc biệt chú ý lúc người ta liệm xác, nó vừa kích thích tính tò mò của tôi dù lúc đó cũng hơi rờn rợn sợ. Tôi coi riết, rồi đến lúc có người chết mà không kêu được người liệm, vậy là tôi đứng ra liệm luôn”, ông Hài kể bình thản.
Người đàn ông 60 tuổi này vốn dĩ là một nông dân, ngày ngày quần quật ngoài đồng ruộng. Hết mùa, ông lại rong ruổi trên những mặt sông, bờ kênh đi thả lưới, đặt trúm để kiếm con cá, con tôm cải thiện bữa ăn. Nay có thêm công việc tay trái để kiếm sống là nghề liệm xác, đó vừa là việc vừa như là cái nghiệp “quấn” vào ông vậy.
“Tôi thấy ai rồi cũng sẽ chết, và cần những người lo hậu sự cho mình. Tôi chỉ là 1 trong những người lo hậu sự thôi. Nó có thể giúp tôi kiếm được vài trăm ngàn mỗi lần thực hiện công việc, nhưng đó không phải là tất cả. Như tôi nói, phải có những người làm việc này, và tôi được chọn”, ông Hài đúc kết.
Mỗi năm trung bình ông Hài giúp cho tầm 100 người chết mồ yên mả đẹp. Nửa cuộc đời của mình, người đàn ông này lặng lẽ làm công việc của mình mà chưa một lần đòi hỏi tiền công, cứ cho nhiêu cho, không cho cũng chẳng sao. Dù vậy, mỗi gia đình có tang tóc luôn dành một khoản tiền bồi dưỡng cho ông. Vậy là ông không câu nệ đường xá xa xôi, hay giữa trưa nắng gắt, đêm tối mưa dầm.
Nhiều người biết ông khi hữu sự gọi điện nhờ, ông cũng bắt mối với nhiều trại hòm ở địa phương để có thêm việc. “Nhiều gia đình khó khăn tôi cũng làm không mà không cần gì. Họ đã mất đi 1 người thân, nỗi đau đó ai cũng có thể hiểu”, ông chậm rãi nói.
Trong suốt “sự nghiệp” của mình, ông Hài đã liệm không biết qua bao nhiêu thi thể, trẻ em, người già, người trẻ… Rất nhiều người chết với những nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, chết đuối, chết già, chết vì bệnh tật… Ông kể, đến nay đã liệm cho hết thảy 6 người bị nhiễm HIV, đó đều là đàn ông.
Ông kể: “Mình chỉ cần nhìn là biết họ chết vì bị HIV, nhưng tôi không sợ những trường hợp này. Nhưng chỉ hơi sợ lúc mình gom quần áo của họ cho vào áo quan, nếu có vật sắt nhọn gì đó trong túi áo, túi quần chẳng may đâm vào tay mình thì có thể nguy. Còn lại tôi không sợ gì cả, họ cũng đã kết thúc 1 kiếp người”.
Một đám ma theo phong tục của người dân Nam bộ - Ảnh: Thanh Nguyên
Trong những trường hợp liệm xác, thì người liệm sợ nhất là các thi thể bị bệnh ho lao. Vì căn bệnh này rất dễ lây lan, cho nên trước khi liệm, ông Hài phải cẩn thận đeo khẩu trang, mang bao tay. “Còn mấy trường hợp khác thì tôi cứ để mặtmộc, tay trần như vậy thôi”, ông cười nói.
Liệm xác - mỗi người một phong cách
Theo ông Hài, mỗi người có một cách liệm khác nhau, nhưng đều phải hướng tới mục đích chung là người chết phải được liệm cẩn thận, áo quan không được để thoát ra mùi tử khi trong quá trình làm đám. Trước khi đến 1 gia đình để liệm xác, ông Hài luôn dành thời gian khoảng 30 phút để trò chuyện cùng gia quyến.
“Mình phải biết người chết là ai, và nguyên nhân chết để có tâm lý chuẩn bị. Có lần tôi liệm cho 1 thanh niên chết vì tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não, mà phần não còn đang được nuôi ở tận TP.HCM, tôi bước vào nhìn hơi giật mình. Tới giờ liệm mình phải làm,còn phần não đó, gia đình tính sau”, ông Hài nhớ lại.
Theo cách liệm của ông Hài, mỗi lần làm việc ông cần 1 tấm bạt (tấm cao su - PV) lớn, 1 tấm vải trắng, khoảng 20kg trà. Việc mặc áo quần cho người chết sẽ do người thân gia đình thực hiện. Đến phần ông, ông chỉ rải 1 lớp trà trên tấm bạt, rồi đặt tấm vải trắng lên, rải tiếp trà lên vải rồi tuần tự quấn thi thể người lại.
“Mình quấn chặt thân, chừa phần đầu lại. Sau đó tiếp tục rải trà trong quan tài rồi đặt thi thể vào, đặt 1 cái gối dưới đầu họ. Sau đó, gia đình muốn để gì vào thì mình xếp ngay ngắn vào cùng người chết. Thường thì áo quần, mùng mền, hoặc một số kỷ vật gì đó”, ông giải thích.
“Có người không dùng trà, họ dùng bông gòn và rượu để đắp quanh xác. Nhưng trước giờ tôi vẫn dùng trà như vậy. Công đoạn quan trọng tiếp theo là phần đóng nắp quan tài lại, sau khi đóng đinh chặt, mình phải dùng keo bắn kín tuyệt đối quanh chỗ tiếp giáp nắp quan tài. Nếu làm không khéo, bị hở thì trong quá trình để khách tới viếng sẽ phát ra mùi tử khí. Đó là điều không hay và thậm chí là xúi quẩy”, ông Hài tiếp tục giải thích.
Người Việt luôn quan trọng tới các giờ tốt lành trong ngày khi quyết định liệm, chôn cất người chết. Do đó, dù bất cứ thời gian nào, ông Hài cũng có thể nhận những cuộc điện thoại để đi làm công việc. Công việc của ông thường kéo hơn 1 tiếng đồng hồ, và khi kết thúc ông thường ra về ngay. Khi trở về nhà, ông không bao giờ kể lại công việc mình vừa làm cho vợ, con nghe.
“Mình thì đã quen với công việc nhưng với những người không làm thì nghe kể sẽ tự sợ và ám ảnh. Vì vậy, đây là công việc mà mình không thể chia sẻ được với ai điều gì, trừ người trong nghề”. Cũng có lần, vừa liệm xác xong, về nhà ông xắn tay làm mồi nhậu. 1 bạn nhậu phát hiện, la làng: “Ổng mới liệm xác cho người ta, mà giờ mần mồi nhậu”. Nhưng cũng chỉ là nói chơi, cả đám lại cười xòa, thản nhiên ăn uống…
Khi được hỏi ngay trong những lần đầu tiên đứng một mình làm việc, ông có một chút nào sợ hãi và ám ảnh sau đó, ông Hài bình thản trả lời: “Tôi không làm gì sai trái, tại sao tôi phải sợ hãi, ám ảnh? Tôi cũng không cho rằng mình đang làm phúc gì cả, chỉ đơn giản là tôi phải làm công việc của mình và tôi cố gắng hết sức để người chết được mồ yên mả đẹp, an nghỉ nơi chín suối”.
Theo như những gì người đàn ông làm nghề “trang điểm” cho xác chết này kể, thì công việc có phần “kinh hãi” đó ông làm trong tâm trạng không có cảm xúc, cố gắng để công việc diễn ra liên tục và nhanh chóng kết thúc. Và khi rời khỏi gia chủ ông cũng quên đi những việc vừa xảy ra.
“Có một số trường hợp khiến tôi suy nghĩ, đó là những đứa trẻ chết đuối, những người chết trẻ. Khi trở về mình cũng xúc động lắm. Nhưng trong quá trình làm việc, điều cốt yếu là mình phải tập trung và không bị cảm xúc chi phối”, ông Hài đúc kết.
Ông Hài cũng như còn biết bao nhiêu người khác đang làm công việc như ông. Họ không bao giờ lựa chọn để dấn thân vào cái nghiệp ấy. Như ông Hài nói, ông được số phận chọn để làm công việc ấy và ông chưa bao giờ hối hận khi bước vào con đường này.
Thanh Nguyên