Hăm dọa để ép ăn có thể khiến trẻ bị tâm thần
Thông tin Y học - Ngày đăng : 06:21, 07/07/2019
Những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Chia sẻ tại buổi cung cấp kiến thức “Y học thường thức thú vị giúp cộng đồng thấu hiểu nhiều hơn chứng biếng ăn ở trẻ” hôm 6.7, bác sĩ Hoàng Phương Anh - giảng viên bộ môn nhi, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng việc ép trẻ biếng ăn của nhiều bậc cha mẹ hiện nay là phản khoa học. Nhiều cha mẹkhi thấy trẻ biếng ăn thường hay dọa nạt để bắt trẻ ăn cho bằng được.
“Nếu bị ép ăn, ép bú, dù ở mức độ nhẹ nhàng cũng làm trẻ mất nhu cầu ăn, trở nên thụ động hay chống đối, mất niềm tin vào người cho ăn. Còn ép ăn kèm hăm dọa hay bạo lực sẽ gây cho trẻ sợ hãi, đau khổ, dẫn đến stress kéo dài khiến trẻ ức chế phát triển và thậm chí rối loạn tâm thần”, bác sĩ Phương Anh chia sẻ.
Theo bác sĩ Phương Anh, có 3 nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ là do bệnh lý, sinh lý và tâm lý. Đối với trẻ biếng ăn do sinh lý thường có biểu hiện buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn hoặc nôn khi ăn; đau bụng khi nhìn thấy thức ăn; khó nuốt hoặc ho, sặc khi ăn… Những trường hợp biếng ăn trên sẽ khiến thể chất trẻ kém phát triển.
Trẻ biếng ăn do yếu tố tâm lýthường donuông chiều trẻ quá mức, hoặc ép ăn “cường độ cao”, hoặc giả thờ ơ với chuyện ăn uống của con khiến trẻ phát sinh cảm giác bị bỏ rơi, chán ăn.
Riêng biếng ăn do bệnh lý thường là những bệnh lý cấp tính vùng miệng, họng, sâu răng hay nấm lưỡi… Ngoài ra, một số bệnh lý đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhiễm giun sán cũng khiến trẻ biếng ăn.
“Nếu trẻ biếng ăn do bệnh lý, cần điều trị cho khỏi bệnh. Nếu biếng ăn do sinh lý, cha mẹcần quan sát kỹ để nhận ra và kiên nhẫn… chờ rối loạn tự chấm dứt. Nếu biếng ăn do tâm lý, cha mẹcần hiểu rằng ăn uống là nhu cầu cơ bản của trẻ. Do đó, đừng biến chuyện trẻ ‘được ăn’ thành ‘bị ăn', bác sĩ Phương Anh khuyến cáo.
Bác sĩ Phương Anh cũng chỉ bí quyết để các bậc cha mẹtạo “miễn dịch”đối với trẻ biếng ăn. Theo đó, các bậc cha mẹkhi cho trẻ ăn cần tập trung vào bữa ăn (không vừa ăn vừa xem tivi…); giới hạn bữa ăn chỉ trong vòng 20- 30 phút; thức ăn phải phù hợp (giới thiệu nhiều món ăn mới một cách hệ thống và kiên trì, thay thế thức ăn cùng nhóm, thực đơn đa dạng và trang trí đẹp mắt); thái độ ăn (khuyến khích trẻ tham gia bữa ăn, khen ngợi, không la mắng, hù dọa hay nịnh nọt trẻ); tuyệt đối không ăn vặt trước bữa ăn chính.
Trẻ biếng ăn lâu ngày ảnh hưởng đến tâm lý
Theo bác sĩ Phương Anh, trẻ biếng ăn thường phổ biến trong độ tuổi từ 1- 6 tuổi. Trẻ biếng ăn không chịu ăn hoặc ăn ít, ăn không đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
Những biểu hiện của trẻ biếng ăn là thường chạy trốn khi đến bữa ăn, giả bệnh, kêu no, che thức ăn, đòi đổi thức ăn, ưỡn người hoặc thu người né tránh, viện lý do đang chơi hay đang xem ti vi...
Bên cạnh đó, những trẻ biếng ăn còn chống đối quyết liệt người cho ăn với mục đích không phải ăn. Ở trường hợp này, các bé thường ngậmthức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hay nuốt; phun thức ăn; cố tình làm đổ thức ăn; la hét, cáu bẳn với người cho ăn; tỏ vẻ hung hăng, đánh cả người cho ăn…
Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ biếng ăn sẽ không đủ dinh dưỡng và thiếu cân bằng dưỡng chất trong cơ thể gây cho trẻ hay mệt mỏi, thiếu tập trung,vì vậy thường lơ là chuyện học tập và thành tích học tập xấu.
Trẻ không đủ dinh dưỡng thường không thích vận động do mệt mỏi, thường ủ rũ và không thiết chơi đùa. Điều đó dẫn đến việc hình thành sự chậm chạp, thiếu tự tin ở trẻ.
“Nếu trẻ biếng ăn lâu ngày gây nhiều hệ lụy như rối loạn tăng trưởng, suy giảm sức đề kháng, suy giảm phát triển trí não, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý”, bác sĩ Phương Anh nói.
Hồ Quang