Nguyên Chủ tịch TP.HCM: 'Kiểm tra lại đường đi hàng chục ngàn tỷ tiền bồi thường Thủ Thiêm?'
Sự kiện - Ngày đăng : 13:08, 28/06/2019
Chiều 27.6, sau kết luận Thanh tra Chính phủ về Thủ Thiêm được công bố (ngày 26.6), ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, có trao đổi qua điện thoại xung quanh kết luận này.
Theo ông Võ Viết Thanh, về việc những thắc mắc khiếu nại của người dân không được nêu trong kết luận mới ông không bình luận gì. Nhưng ông Thanh cho rằng: Trước kia tôi có góp ý với UBND TP.HCM, lẽ ra ở Thủ Thiêm, UBND TP phải công bố có mấy nhóm người dân khiếu kiện. Tôi cho rằng phải chia thành 3 nhóm để có các giải pháp khác nhau. Một là nhóm có nhà ở, đất ở hợp pháp; hai là nhóm có đất đai, nhà ở mà chưa làm thủ tục hợp pháp; ba là nhóm những người hồi đó vào xâm chiếm kênh rạch…
"Tất cả cũng phải công bố rõ danh sách và đã có trợ cấp giải quyết gì chưa, đền bù cho người ta bao nhiêu để họ đối chiếu. Chứ vào tiếp xúc cử tri, đối thoại trong một hội trường nhiều lần nhưng ai nói, ai nghe?”, nguyên lãnh đạo TP.HCM nhận định.
Cũng theo ông Thanh, số tiền bồi thường, giải tỏarất lớn tại dự án KĐTM Thủ Thiêm theo kết luận thanh tra lên đến hàng chục nghìn tỉđồng. Không loại trừ TP.HCM đã rút ra một khoản tiền rất lớn để đền bù trợ cấp cho người dân Thủ Thiêm, nhưng những khoản đó có thật sự đến tay 3 nhóm người dân trên hay chưa?
“Theo tôi, nên công khai danh sách 3 nhóm dân, công bố đền bù thế nào để cùng nhau biết rõ, dân bớt đi khiếu kiện”, ông Thanh đề nghị.
Người từng đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng ví dụ, vụ kênh Tân Hóa- Lò Gốm chỉ là một dự án nhỏ mà Ban đền bù đã tham ô tới hơn 50 tỉđồng. Cái này lưu ý để so sánh vào chuyện Thủ Thiêm. TP rút ra bao nhiêu tiền từ ngân sách để đền bù, người dân đã có nhận được thỏađáng hay không? Cần kiểm tra lại xem khoản tiền hàng chục ngàn tỉđã đi đâu, được xử lý thế nào?
Về các nhóm doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Thủ Thiêm, ông Võ Viết Thanh chia sẻ cá nhân không nắm hết, tuy nhiên, cũng cần chia nhóm. Nhóm đầu tư vào đó đúng quy định nhà nước; nhóm do chính quyền hay do những quyết định không phù hợp với pháp luật; và cả nhóm DN hoàn toàn không hợp pháp. Chia để nắm cái nào sai, cái nào đúng.
“Trước đây tôi từng phát biểu, hình thức dự án BT là một hình thức biến tướng của chỉ định thầu. Chỉ định thầu không qua đấu thầu, chỉ định thầu mà trả lại bằng đất ở Thủ Thiêm không qua đấu giá. Chỉ định thầu dự án là nhà thầu đã được một khoản lợi nhuận lớn rồi, nhận đất không qua đấu giá thêm một khoản lợi khác nữa. Hậu quả thế nào giờ chắc ai cũng hiểu?", ông Thanh nói.
Riêng về khu tái định cư, ông Võ Viết Thanh tỏ ra rất bức xúc. "Tôi từng đến xem một tòanhà cao tầng tái định cư, có thể nói chất lượng rất thấp, giá thành lại rất cao. Người dân khó mà lên đó ở được, chưa nói các dịch vụ rất tệ. Cứ mất điện, mất nước, không có máy dự phòng sao ở được. Cứ đặt vị trí của mình vào người dân mới thấy đau xót”, ông Thanh tâm sự.
Cuối cùng, nguyên Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh cho biết, những người phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện UBND TP cũng nắm được rồi, quan trọng là họ sẽ làm thế nào.
"Tôi cũng nhiều lần góp ý khá thẳng thắn tới mức nặng lời, có thể làm một số người mất lòng. Nhưng phải thẳng thắn với nhau. Xây dựng một khu đô thị như Thủ Thiêm thì người hưởng lợi trước hết phải là người dân ở đó, đâu có thể để họ khiếu kiện hàng chục năm nay”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trong Báo cáo số 45/BC-UBND về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và các kiến nghị với Chính phủ của UBND TP.HCM ngày 29.4.2009, tổng dự toán chi phí bồi thường dự án khu đô thị Thủ Thiêm được công bố là 25.848 tỉđồng. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ khi áp dụng Quyết định 06 tăng 7.000 tỉđồng so với mức tính toán vào cuối năm 2008 theo Quyết định 123/2006 của UBND TP.