Cách giúp trẻ chống đuối nước trong mùa hè
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:44, 24/06/2019
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm ở Việt Nam có từ 3.500 - 4.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số người chết đuối, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.
Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh.
Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
Các biện pháp phòng tránh đuối nước
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ vào mùa hè, các bậc cha mẹ, thầy cô cần có những biện pháp:
1. Cần đảm bảo sức khỏe con em mình có đảm bảo để có thể tham gia hoạt động bơi lội hay không? Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi. Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi, phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sĩđể quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.
2. Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dậy trẻ biết bơi.
Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...
Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đó là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.
Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
3.Những điều bắtbuộc trẻnên làm:
- Học bơi theo từng lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn.
- Khi đi bơi các em nhớ tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Chỉ bơi khi có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.
+ Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước.
+ Lên bờ ngay khi trời tối, mưa, sấm chớp.
- Làm hàng rào quanh ao, hố nước, rãnh nước quanh nhà, làm cổng cửa chắn (đặc biệt khi nhà ở gần sông hồ…).
- Luôn đậy giếng, bể, lu chứa nước…bằng các nấp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).
4.Những điều các em không nên làm:
+ Không bơi ở những nơi có biển báo nguy hiểm, nước chảy xiết, nước sâu.
+ Không nhảy cắm đầu hoặc bơi thi ở những nơi không có chỉ dẫn.
+ Chơi đùa gần sông, hồ, ao, mương, hố nước…và những nơi có biển báo nguy hiểm.
+ Tự ý lái xuồng, thuyền, võ lãi… khi chưa xin phép người lớn.
+ Không nhảy xuống nước khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi có nhiều mồ hôi.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
5.Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ các kỹ năng sống sót khi bị chìm. Trẻ cần bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở, có thể lấy tay bịt mũi để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
Cách sơ cứu đuối nước:
- Đẩy đầu nạn nhân về phía sau, nâng hai hàm răng gần như chạm nhau, quan sát và lắng nghe hơi thở nạn nhân.
- Nạn nhân không còn thở, bịt mũi nạn nhân, dùng miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phồng.
- Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.
- Ủ ấm chống choáng. Khi nạn nhân vào bờ mà còn tỉnh táo hoặc sau khi xốc nước và làm hô hấp nhân tạo, nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô cho nạn nhân, dùng khăn ủ ấm và cho uống nước trà nóng hay café rồi chuyển đến cơ sở y tế.