Foxconn muốn đầu tư nhà máy lắp ráp 40 triệu USD tại Quảng Ninh

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:01, 23/06/2019

Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi của Foxconn mở tại tỉnh Quảng Ninh có quy mô 10 ha, thu hút 3.000 lao động.

Tại buổi gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây, ông Harry Zhuo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn Việt Nam cho biết hiện Tập đoàn đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi tại khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên với quy mô nhà xưởng rộng 10 ha, nhu cầu lao động 3.000 người với tổng mức đầu tư giai đoạn 1là 40 triệu USD (tương đương với khoảng hơn 900 tỉ đồng).

Ông Zhuo bày tỏ hy vọng việc cấp phép đầu tư cho dự án này sẽ được Quảng Ninh sớm hoàn thành. Hiệu quả của dự án sẽ là cơ sở để Foxconn tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng thêm nhiều lĩnh vực tại Quảng Ninh.

Về phía Quảng Ninh, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thắng cam kết đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ Foxconn thực hiện các thủ tục cấp phép đầu tư trong thời gian nhanh nhất. Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện hợp thức cho các cơ chế chính sách ưu đãi trong đầu tư, thu hút nguồn lao động trong quá trình đầu tư dự án và hoạt động.

Tập đoàn Foxconnđược thành lập năm 1974 tại Đài Loan với quy mô lớn trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Tháng 3.2007, Tập đoàn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang, và một số tỉnh của Viêt Nam. Sản phẩm đa dạng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ô tô, thiết bị bán dẫn và công nghệ bảo vệ môi trường...

Hiện nay, Tập đoàn có hơn 100 Công ty và chi nhánh tại các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Singgapo, Autralia, Anh, Pháp, Hungary, Ireland, Canada, United States, Mexico, Brazil… với số lượng công nhân viên của toàn Tập đoàn trên thế giới là 1,5 triệu người.

Trước đây, Foxconn vẫn được biết đến như công ty chuyên gia công sản phẩm iPhone cho Apple. Song từ năm 2018, tập đoàn này có kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh và phát triển thương hiệu riêng cho mình.

Các công ty của Đài Loan hiện lắp ráp hầu hết các thiết bị điện tử trên thế giới đang mở rộng hoặc thăm dò các địa điểm cho nhà máy ở Đông Nam Á và những khu vực khác để né tránh thuế quan từ Mỹ.

Giới chuyên gia nhìn nhận việc các khu vực như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, hay Bắc Giang thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực công nghệ cao, nếu có thêm sự góp mặt của các nhà sản xuất cung cấp thiết bị cho Apple sẽ là cơ hội cho Việt Nam phát triển về mặt công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thu hút đầu tư thế nào và làm sao để có lợi nhất chính là bài toán của cơ quan quản lý.

Tuyết Nhung

tuyetnhung