Một số bộ, ngành, địa phương ý thức kém trong phòng, chống thiên tai
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:14, 20/06/2019
Sáng 20.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo. Nhiều nơi có mưa cục bộ cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, bão đổ bộ vào khu vực trước đây ít xuất hiện, lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long (sau gần 10 chưa có lũ)…
Năm 2018 có 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỉ đồng). Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỉ đồng.
Về lũ và hạn hán, ở Bắc bộ, từ tháng 7-10.2019, trên các sông suối khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1-2m.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã huy động trên 362.000 lượt người với gần 10.000 phương tiện tham gia hỗ trợ ứng phó khắc phục, ứng cứu hàng nghìn vụ, cứu được gần 7.000 người; hướng dẫn trên 4 triệu lượt người với 900.000 lượt phương tiện trên biển di chuyển, tránh trú bão, áp tháp nhiệt đới; tổ chức nhiều đợt di dời dân với trên 680.000 người đến nơi an toàn.
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai bước đầu đã được quan tâm (trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo đa thiên tai).
Việt Nam cũng đã hỗ trợ các nước trong thiên tai, như sự cố vỡ đập Attapeu của Lào, hay việc cứu 22 ngư dân Philippines trên biển gần đây mà phát biểu trước Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã bày tỏ “đời đời biết ơn Việt Nam”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng cần khắc phục một số tồn tại như thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Năm nàocũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế. Đê biển mới được thiết kế chống gió bão cấp 9, cấp 10, trong khi bão cấp 10, cấp 12 thường xuyên xuất hiện.
Cùng với đó, nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu; hệ thống tiêu thoát nước đô thị không đáp ứng được yêu cầu nên hàng loạt đô thị bị úng ngập nghiêm trọng khi mưa lớn; hệ thống giao thông thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng khi có mưa, lũ lớn,…
Năng lực quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức như việc khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm ở ĐBSCL đã đến mức báo động. Dân số, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá,… đặt ra những thách thức, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn.
“Một số bộ, ngành, địa phương ý thức phòng chống thiên tai còn kém khi mà bất cứ vùng nào cũng có thể có thiên tai trong thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay”, Thủ tướng nói.
Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại lớn xảy ra 1-2 tháng vẫn chưa được trình xem xét hỗ trợ gây bức xúc cho địa phương. Có địa phương phân bổ nguồn lực được hỗ trợ không kịp thời, để 6 tháng đến gần một năm mới phân bổ hết…
Nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng chống thiên tai là cần “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”, theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính, Thủ tướng nhấn mạnh cần khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng.
Cùng với đó, nâng cao năng lực dự báo, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn; nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng;nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động.
Thủ tướng cũng yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển…
Lam Thanh